Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài cuối: Nông dân tự xoay xở

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH 16/09/2016 08:26

Cây điều thất bại, buộc người dân phải chặt bỏ, trồng các loại cây khác thay thế nhằm cải thiện thu nhập. Đây cũng cách tự xoay xở thường thấy của nông dân sau những thất bại của nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp được triển khai theo kiểu “phong trào” lâu nay…

  • Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài 3: Chặt bỏ vườn điều
  • Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài 2: Vùng điều chuyên canh thất bại
  • Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài 1: Ào ạt trồng "cây xóa nghèo"

Chuyển đổi cây trồng

Đi dọc các xã vùng cát từ phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) đến xã Bình Minh của huyện Thăng Bình và một số nơi khác trên địa bàn Tam Kỳ, Núi Thành…, chúng tôi ghi nhận hàng loạt diện tích điều ghép đã bị nông dân đốn hạ trong thời gian qua. Bà Lâm Thị Lý ở thôn Tây Sơn Tây (Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết, cách đây 3 năm vợ chồng bà quyết định chặt phá 8 sào điều ghép bởi vụ nào cũng thất bát. Sau khi phá bỏ cây điều, gia đình bà Lý tập trung cải tạo lại đất và thuê người đóng giếng bơm rồi triển khai mô hình trồng đu đủ, cà pháo, khoai lang cùng một vài loại rau thơm theo phương thức luân canh, gối vụ. Bà Lý hồ hởi: “Với mô hình sản xuất này, từ năm 2013 đến nay bình quân hàng năm tôi thu nhập ít nhất 40 triệu đồng, cao gấp 7 lần so với mức thu nhập mà trước đây cây điều ghép mang lại”. Theo ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, trong số 15ha điều ghép được trồng hồi những năm 2000, thời gian qua nông dân địa phương đã tự phá bỏ không dưới 70% diện tích để chuyển sang trồng mãng cầu, đu đủ và rau đậu các loại hoặc đầu tư xây dựng những vườn ươm giống cây lâm nghiệp như keo lá tràm, bạc hà, dương liễu…

Tại nhiều địa phương vùng cát, người dân đã chặt phá điều ghép và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực.
Tại nhiều địa phương vùng cát, người dân đã chặt phá điều ghép và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực.

Trong khi đó, ông Võ Văn Quang - Phó trạm Khuyến nông & khuyến lâm Duy Xuyên thông tin, trong tổng số 52ha điều ghép trên địa bàn huyện, những năm gần đây nông dân đã chuyển hơn 35ha sang canh tác các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa, bình quân mỗi năm 1ha đất cho mức thu nhập 120 - 150 triệu đồng. Ông Quang chia sẻ: “Trước tình thế cây điều ghép ngày càng đánh mất vị thế trên vùng cát Duy Xuyên, nhà nông tự tìm lối thoát bằng việc linh hoạt chuyển đổi sang sản xuất những loại hoa màu, cây trồng cạn chủ lực được xem là bước đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay”. Cách đây 2 năm, một số hộ dân ở phường Điện Dương (Điện Bàn) cũng tiến hành trồng thử nghiệm 2 nghìn mét vuông cây măng tây xanh. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên vùng cát này nên măng tây xanh phát triển rất tốt, cho năng suất cao và mang lại giá trị kinh tế khá lớn. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, hiện nay diện tích trồng măng tây xanh ở Điện Bàn đã tăng lên hơn 80 sào và nếu đầu ra của sản phẩm vẫn ổn định như 2 năm qua, chính quyền thị xã sẽ có cơ chế hỗ trợ để người dân nhân rộng mô hình này. Ông Chơi nói thêm: “Hầu hết diện tích bây giờ sản xuất măng tây xanh là trước đây chủ yếu trồng cây điều ghép”.

Một số hộ dân ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) cải tạo những khu vườn trước đây trồng điều để xây dựng cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp.
Một số hộ dân ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) cải tạo những khu vườn trước đây trồng điều để xây dựng cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, như nhiều địa phương khác, từ năm 2008 đến nay nông dân ở những vùng cát của huyện đã tự chuyển hàng loạt diện tích đất xen canh và chuyên canh cây điều ghép sang sản xuất các loại hoa màu, cây thực phẩm…  Ông Hương nói: “Hồi trước, lúc cao điểm toàn huyện có không dưới 400ha điều nhưng bây giờ chỉ còn lại khoảng vài chục héc ta phân bố rải rác. Bởi, phần lớn diện tích đã bị người dân chặt bỏ để lấy đất trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Và đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng”.

Bài học kinh nghiệm

Chủ trương đưa cây điều ghép về trồng ở vùng cát bị phá sản không phải là trường hợp hy hữu ở Quảng Nam trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thời gian qua nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhiều lần thất bại vì không ít dự án phát triển cây nguyên liệu bị “bể” hoàn toàn, mà rõ nhất là cây bông vải, mía, dứa. Và những năm gần đây, cây cao su một thời được xem là “vàng trắng” cũng khiến cả nghìn hộ dân đang lo lắng vì giá mủ sụt giảm.

Một số ý kiến cho rằng, có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ sự thất bại của cây điều. Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, dự án phát triển mạnh cây điều ở vùng cát không mang lại thành công là do ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương quá vội vàng trong việc vận động nhân dân triển khai mà chưa dự lường hết những yếu tố bất lợi của thời tiết. Đặc biệt, trong khi khâu quy hoạch vùng chuyên canh không được thực hiện một cách bài bản nhưng lại tiến hành trồng cây điều ào ạt trên những nổng cát khô cháy, cằn cỗi thì nó lấy chất dinh dưỡng đâu mà phát triển? Mặt khác, thời điểm đó, khâu tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc không được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm, hạ tầng thủy lợi hầu như chưa được đầu tư xây dựng và giai đoạn 2000 - 2003 nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không có hệ thống điện lưới nên việc thủy lợi hóa không thể triển khai thực hiện.

Theo ông Năm, còn một yếu tố nữa là mặc dù giống điều ghép cho năng suất cao nhưng nhược điểm của nó là quá nhanh già cỗi, trong khi đó ngành chuyên môn không chú trọng hỗ trợ nhà nông bố trí trồng thay thế những cây điều thoái hóa, kém hiệu quả bằng các loại giống khác có chất lượng tốt hơn. Còn ông Nguyễn Văn Ngữ - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trước khi triển khai đề án này, ngành nông nghiệp tỉnh có nhờ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện đề tài nghiên cứu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cát Quảng Nam đối với cây điều ghép. Kết quả nghiên cứu cho thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nhưng chẳng hiểu sao khi trồng hàng loạt thì lại không khả quan lắm?

Khi được hỏi vì sao dự án trồng điều ghép ở vùng cát thất bại nặng nề, ông Phan Văn Hậu - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, do giá sản phẩm hạt điều rớt thê thảm nên nông dân chặt phá phần lớn diện tích. Trong khi đó, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, thời điểm những năm 2000, do còn mang hơi hướng bao cấp nên tỉnh mới có chủ trương hỗ trợ cây điều giống và phân bón cho nông dân theo cái kiểu trồng cây nhân dân. Theo ông Muộn, bây giờ thì không nên có chính sách hỗ trợ như vậy. Bởi, khi được cho không thì phần lớn người dân cứ ào ạt nhận cây và phân về trồng mà rất ít quan tâm đến việc xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới cũng như chăm sóc, phòng trừ dịch hại… Từ ý kiến của ông Muộn, nhiều người cho rằng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì Nhà nước và ngành chức năng chỉ nên tập trung hỗ trợ về mặt kỹ thuật và trợ giá một phần kinh phí cho nông dân mua cây giống, phân bón, phương tiện sản xuất chứ không nên cấp phát miễn phí toàn bộ. Thực tế cho thấy, khi nông dân bỏ tiền túi ra đầu tư thì họ mới thực sự có trách nhiệm đối với mô hình canh tác của mình...

Chủ trương phát triển mạnh cây điều ghép ở những vùng cát của tỉnh đã phá sản nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn chưa rõ ràng. Khi chúng tôi đặt vấn đề này với một số người ngày xưa trực tiếp thực hiện đề án thì họ từ chối trả lời vì bây giờ hầu hết đã… nghỉ hưu. Nhiều người trong cuộc cho rằng việc cây điều thất bại ở vùng đông xứ Quảng là chuyện đã quá cũ, không nên nhắc lại. Nhưng, đối với những nông dân từng một thời lao theo loại cây mang sứ mệnh xóa đói giảm nghèo ấy thì dường như vẫn còn rất tiếc nuối. Người dân cho rằng từ cây điều có thể rút ra bài học: trước khi triển khai chủ trương nào liên quan đến nông nghiệp – nông thôn thì những cơ quan có trách nhiệm nên tính toán hết sức kỹ lưỡng. Bởi, nếu chủ trương đó thất bại thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đại bộ phận nông dân.

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH