Cây keo lai trên đất Tam Mỹ Tây
Triển khai trồng hàng loạt vào năm 2011, cây keo lai đã góp phần ổn định kinh tế, giúp giảm nghèo cho nhiều hộ dân các xã trung du, miền núi huyện Núi Thành, điển hình là tại xã Tam Mỹ Tây.
Nằm ở vùng cao của huyện Núi Thành, một số xã như Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây… đất đai cằn cỗi, việc trồng trọt canh tác các loại cây hoa màu gặp nhiều khó khăn. Năm 2005, người dân địa phương bắt đầu chuyển đổi trồng cây keo lá tràm trên các vùng đất gò đồi của xã. Tuy nhiên, cây lâu lớn, thấp bé, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Được chính quyền huyện Núi Thành khuyến khích, năm 2011 việc áp dụng trồng cây keo lai thay cho keo lá tràm được triển khai rộng rãi. Xuất phát từ ưu điểm cây nhanh lớn, thân dài, sản lượng gỗ cao, người dân bắt đầu tập trung đầu tư. Nhiều nơi cây keo lai đã trở thành cây chủ lực được người dân và chính quyền địa phương chọn làm lối đi trong phát triển kinh tế.
Cây keo lai đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nông dân xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: M.PHƯỜNG |
Tại xã Tam Mỹ Tây, trong tổng diện tích đất gò đồi tự nhiên 3.185ha thì đã có 2.000ha được cải tạo trồng keo lai với 450 hộ tham gia. So với keo lá tràm, sản lượng gỗ thu lại từ keo lai tăng gấp 2 lần, đạt 100 - 120 tấn/ha. Hơn nữa, keo lai còn là loại cây “dễ chịu” đất, chất lượng gỗ tốt nên rất phù hợp với các dự án thương mại nông nghiệp. Nhìn thấy có thu nhập từ loại cây này, người dân đã tận dụng hết quỹ đất để trồng keo. Cây keo lai đã thực sự giúp thay đổi đời sống một bộ phận người dân nơi đây. Theo ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, trước năm 2005, người dân chủ yếu trồng lúa, cây hoa màu song thu nhập không cao, đời sống bấp bênh, nay nhờ cây keo lai không ít hộ đã khá giả và vươn lên làm giàu. Hiện tại, trồng rừng đã trở thành một nghề phổ biến ở xã với hơn 75% số hộ trong xã tham gia. “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang keo lai làm cho kinh tế người dân phát triển hơn. Mô hình trồng cây keo lai phát triển kéo theo dịch vụ vận tải và nghề “đập lột vỏ keo” ra đời. Người dân có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Đời sống người dân khá lên, nhà cửa khang trang kiên cố hơn nhờ phát triển kinh tế rừng gắn với cây keo lai” - ông Linh nói.
Điển hình trong số những hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ cây keo lai có thể kể đến hộ ông Lê Văn Việt (thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây). Từ một hộ khó khăn, hiện nay ông Việt đã sở hữu hơn 30ha rừng và có cổ phần trong công ty gỗ tại huyện Núi thành. “Ban đầu tôi bỏ vốn trồng keo, thấy có thu nhập và hiệu quả kinh tế đem lại cao, tôi tiếp tục mua thêm đất rừng từ các hộ khác. Bây giờ giao thông thuận tiện nên giá cả cũng tốt, chỉ cần cây đến độ tuổi thu hoạch thì thương lái vào tận nơi mua cả rừng. Người trồng chỉ việc thỏa thuận giá bán và lấy tiền, còn việc thu hoạch, vận chuyển thương lái tự lo. Chính nhờ trồng keo mà cuộc sống gia đình tôi khá giả và có nguồn vốn để đầu tư vào công ty” - ông Việt chia sẻ. Tương tự, gia đình ông Ngô Xuân Mùa (thôn Tịnh Sơn, Tam Mỹ Tây) sở hữu nhiều héc ta rừng trồng keo lai. Làm ăn thuận lợi, ông mở thêm dịch vụ vận tải để chuyên chở gỗ, đồng thời thuê nhiều nhân công làm việc. Học hỏi kinh nghiệm từ ông Việt, ông Mùa, người dân địa phương tích cực tham gia trồng rừng. Từ đó, diện tích trồng keo lai liên tục tăng nhanh qua từng năm. Đặc biệt, nhằm nâng cao sản lượng gỗ, việc tạo cây giống chất lượng tốt được người dân chú trọng. Hiện tại trên địa bàn xã Tam Mỹ Tây có 3 vườn ươm cây con được nhân giống theo hình thức mới nhất là giâm hom. Tương lai sẽ hướng đến hình thức nuôi cấy mô để cho sản lượng gỗ tốt nhất.
Theo ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, hiện tại cây keo lai đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương, nhất là các xã miền núi. Ngoài Tam Mỹ Tây, có thể kể đến 4 xã vùng núi là Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Trà, Tam Mỹ Đông và 6 xã đồng bằng có núi là Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Nghĩa, Tam Hiệp, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam với tổng diện tích khoảng 10.000ha. “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch trong những năm tới khuyến khích người dân trồng các loại cây rừng lớn, cây bản địa như lim, sao đen, lát hoa… để phục hồi rừng tự nhiên, nhất là tại các khu vực rừng phòng hộ. Ngoài ra, cũng sẽ định hướng cho bà con địa phương trồng cây ăn quả và phát triển mô hình chăn nuôi nhằm ổn định kinh tế lâu dài” - ông Gát cho biết.
MINH PHƯỜNG - GIA KHANG