Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài 2: Vùng điều chuyên canh thất bại

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH 14/09/2016 08:50

Mặc dù tỉnh có cơ chế hỗ trợ phát triển mạnh cây điều ghép nhưng do cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương chưa dự lường hết sự biến đổi của thời tiết, không tính kỹ bài toán về nguồn nước tưới, trong khi đó phần lớn nông dân canh tác theo kiểu phó mặc cho trời khiến dự án trồng cây điều gần như bị phá sản…

  • Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài 1: Ào ạt trồng "cây xóa nghèo"
Nước tưới quá khó khăn là nguyên nhân chính khiến cây điều ghép tại nhiều địa phương chết hàng loạt.Ảnh: VĂN SỰ
Nước tưới quá khó khăn là nguyên nhân chính khiến cây điều ghép tại nhiều địa phương chết hàng loạt.Ảnh: VĂN SỰ

Cây chết hàng loạt

Dẫn chúng tôi lội trên nổng cát khô cằn rộng mênh mông chỉ còn lèo tèo vài cây điều, bà Huỳnh Thị Hồng ở thôn Tây Sơn Tây (Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết, cuối năm 2000 nghe chính quyền địa phương vận động nên vợ chồng bà quyết định chặt phá 1ha dương liễu đang lên xanh để lấy đất trồng cây điều ghép theo hướng hàng hóa. Từ khi xuống giống đến lúc cây điều cho thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 2 năm. Thời điểm điều ra hoa kết trái thường là vào tháng 2 - 3 dương lịch. Nếu so với các loại cây trồng cạn khác ở vùng cát thì điều thuộc dạng dễ trồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khô hạn khốc liệt, nguồn nước tưới luôn thiếu hụt nghiêm trọng khiến cây điều chết hàng loạt, nhất là tại các vùng trồng chuyên canh trên những gò cát cao. Bà Hồng ngậm ngùi: “Thực tế thì trong thời kỳ đầu cây điều đã bén rễ và sinh trưởng rất tốt. Sau 24 tháng trồng, chăm bón, điều bắt đầu trổ hoa, cho trái lác đác. Vậy nhưng, những năm sau đó thì cây điều chựng lại, không phát triển nữa và hầu như không ra hoa, trái. Thế là từ đó bà con trong làng bắt đầu bỏ bê, không quan tâm chăm sóc vì chẳng thấy hiệu quả kinh tế gì. Riêng vườn điều ghép rộng 1ha của tôi, sau khi trồng được 4 - 5 năm thì số lượng cây chết lên đến 65%, còn lại 35% phải sống ngắc ngoải. Mỗi lần ra thăm vườn điều thấy cây chết hàng loạt, tôi tiếc đứt ruột vì bao nhiêu công sức bỏ ra gần như đã tiêu tan hết”.

Người dân thiếu đầu tư, chăm sóc

Ông Trần Tùng - Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình cho hay, khí hậu ở các vùng ven biển của tỉnh có sự thay đổi nên không thích hợp cho cây điều ghép phát triển, trong khi đó vào thời kỳ đầu những năm 2000 kiến thức khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ cũng còn rất hạn chế. Đặc biệt, phần lớn người dân khi trồng điều xong thì thiếu sự đầu tư chăm sóc, nói đúng hơn họ bỏ bê luôn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh nguy hiểm bùng phát trên cây điều như bệnh thán thư, bọ xít muỗi, sùng đục thân. Ông Tùng nói: “Hồi đó, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón nên ai cũng xung phong trồng. Thế nhưng, khi được cấp phát phân mang về nhà thì có không ít trường hợp để dành bón cho các loại cây trồng cạn khác. Đây là lý do làm giảm đáng kể nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây điều ghép khiến nhiều vườn điều trở nên xơ xác”.

Đâu riêng gia đình bà Hồng, hơn 60 hộ dân trồng điều ghép khác ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) cũng lâm vào tình cảnh điêu đứng bởi cây héo rũ, không ra quả rồi cứ chết dần chết mòn. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, trong tổng số 15ha đất trồng cây điều theo phương thức chuyên canh của địa phương thì khoảng năm 2004 - 2005 có đến 65% diện tích xảy ra hiện tượng lá khô, ngọn và cành héo úa rồi sau đó chết hàng loạt. Theo ông Võ Văn Quang - Phó trạm Khuyến nông & khuyến lâm Duy Xuyên, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn chừng 8ha điều ghép và hiệu quả kinh tế mang lại rất khiêm tốn.

Có mặt tại một số vùng trước đây được chọn trồng điều ghép tập trung thuộc những xã vùng đông của Thăng Bình, Điện Bàn, Núi Thành… chúng tôi thấy rất nhiều vựa điều giờ sống lay lắt, thưa thớt hẳn. Nhiều cây dù được trồng cách đây 15 năm nhưng hiện chỉ cao 1m và thân teo tóp, cành nhánh rất ít. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, trong tổng số 150ha điều trồng tại các địa phương ven biển của thị xã là Điện Dương, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung hồi năm 2000 - 2002 thì sau đó một thời gian có ít nhất 50% diện tích bị chết. “Có thể khẳng định, thời điểm ấy tỉnh chủ trương đưa cây điều ghép về trồng ở vùng cát để nâng cao thu nhập cho người dân là hợp lý. Tuy nhiên, do không dự lường hết những khó khăn, bất cập và nhất là sự thay đổi của thời tiết nên dẫn đến tình trạng cây chết hàng loạt. Sau khi cây điều chết, vì quá chán nản nên phần lớn nông dân không tiếp tục đầu tư trồng lại. Họ quyết định bỏ đất hoang hoặc quay lại trồng cây dương liễu với mục đích chắn gió, hạn chế cát bay” - ông Chơi chia sẻ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, tại nhiều xã vùng cát của huyện, hiện tượng cây điều ghép trồng theo hướng chuyên canh bị chết hàng loạt cũng rất phổ biến trong giai đoạn đầu. Theo ông Hương, trong số 400ha điều trên địa bàn huyện thì số diện tích thực sống chiếm không quá 60%. Đây cũng là tình cảnh của nhiều địa phương triển khai chủ trương trồng điều…      

Không thể sống trên… sa mạc

Ngồi trong căn nhà nhỏ nhìn ra khu vườn với lác đác những cây điều đang thiếu sức sống, bà Phan Thị Thiết ở thôn Lệ Sơn (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) kể: “Hồi trước, ở đây, nhà nào cũng hăng hái trồng điều ghép trên những nổng cát trắng xóa với hy vọng làm nên một cuộc đổi đời. Nhưng rốt cuộc cây điều không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại ấy nhưng nước tưới vẫn là vấn đề cốt lõi nhất”. Theo lời bà Thiết, sau khi nhận cây điều giống về trồng, sáng nào vợ chồng bà cũng dậy từ lúc 3 giờ sáng để múc nước dưới ao và những vũng nước tù đọng lên tưới cho cây. Thế nhưng, lâu ngày nguồn nước của các ao, vũng ấy cạn kiệt nên gia đình bà Thiết và nhiều hộ dân khác trong vùng phải lội qua những đồi cát bỏng rát để tìm nước từ các giếng đào gánh về giải hạn cho vườn điều ghép. Tuy nhiên, do nắng nóng quá khốc liệt, nước tưới không đủ cung ứng cho cây điều nên nó lần lượt chết héo. Riêng những cây sống sót thì mười mấy năm nay phát triển rất kém và không ra hoa kết trái khiến bà Thiết nản lòng muốn vác rựa ra chặt làm củi chụm nhưng vì quá tiếc cái công sức của mình nên bà để nó tồn tại, dù rằng chẳng mang lại lợi lộc gì.

Tuy được trồng cách đây mười mấy năm nhưng nay nhiều cây điều ở vùng cát Duy Xuyên chỉ cao hơn nửa mét.
Tuy được trồng cách đây mười mấy năm nhưng nay nhiều cây điều ở vùng cát Duy Xuyên chỉ cao hơn nửa mét.

Nỗi khổ của bà Thiết cũng là cảnh ngộ chung của biết bao nông dân ở những vùng cát của xứ Quảng một thời lỡ chạy theo cây điều ghép mang cái sứ mệnh xóa đói giảm nghèo. Ông Võ Văn Toan - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho rằng, mặc dù điều ghép là loại cây có khả năng thích ứng với tình trạng khô hạn nhưng sức chịu đựng của nó… có giới hạn. Theo ông Toan, phần lớn những vùng trồng điều chuyên canh ở xã Duy Hải nói riêng và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung chủ yếu là trên các khu đồi cát nắng cháy nên nguồn nước tưới thiếu hụt hết sức nghiêm trọng. Ông Toan nói: “Nắng nóng khốc liệt, cây tre còn chết thì cây điều làm sao mà sống nổi”.

Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cũng có chung quan điểm, thiếu nước tưới chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc cây điều trồng chuyên canh bị chết hàng loạt. Mặt khác, do bão lũ liên tiếp xuất hiện ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai trồng ào ạt trên những đồi cát nhưng chưa tính toán một cách kỹ lưỡng khiến cho việc chăm sóc điều gặp muôn vàn khó khăn. Ông Ánh nhấn mạnh: “Cây điều ghép không phải là cây sa mạc. Nếu đưa vào trồng trong vườn nhà dân thỉnh thoảng có tưới nước thì cây sẽ sống khỏe, thân to, ra trái nhiều trong giai đoạn đầu. Còn ngược lại, nếu nó phơi mình trên cát nắng cháy thì hoặc là chết hoặc tồn tại như bộ xương khô. Có thể nói, chủ trương trồng cây điều ở vùng cát ven biển trở thành một cuộc phá sản vĩ đại trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh”.

Nhiều ý kiến khác nhìn nhận rằng, đất cát quá bạc màu thì lấy đâu ra chất dinh dưỡng để cây điều phát triển. Bên cạnh đó, do không được hướng dẫn kỹ thuật nên người dân trồng với mật độ không đồng đều, chỗ quá dày, còn chỗ lại quá thưa. Ngoài ra, việc tỉa cành, tạo tán, bón phân thiếu cân đối, chưa phù hợp trong từng điều kiện canh tác cụ thể… nên dẫn đến nhiều vườn cây bị suy kiệt nhanh rồi chết dần.
_____
Bài 3: Chặt bỏ vườn điều

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH