Khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen

HOÀNG LIÊN 13/09/2016 09:56

Mới đây, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã phối hợp với các công ty giống đưa vào khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen (BĐG) trên một số diện tích với hy vọng mở ra cơ hội về giống kháng sâu bệnh, tăng năng suất.

Mừng - lo bắp biến đổi gen

Ở Việt Nam, cây bắp là cây lương thực quan trọng sau cây lúa, có khả năng thích nghi với nhiều địa hình, vùng sinh thái, có thể canh tác ở cả hai mùa vụ. Đây cũng là cây xóa đói giảm nghèo ở nước ta, song mỗi năm, lượng nhập khẩu nguyên liệu vào Việt Nam vẫn rất lớn do nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm này cao, đặc biệt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, hàng triệu tấn bắp được nhập về Việt Nam phần lớn là bắp BĐG. Tại Quảng Nam, vùng sản xuất trên dưới 13.000ha bắp mỗi năm, tuy nhiên, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và sản lượng không cao. Ngoài các nguyên nhân kể trên thì còn yếu tố thâm canh, chế độ bón phân, nước tưới còn hạn chế, tác động không nhỏ tới vùng sản xuất. Trước thực trạng này, các nhà quản lý, nhà khoa học định hướng đến việc phát triển cây bắp BĐG ở Việt Nam. Cơ hội về giống mở ra, song thách thức cũng không nhỏ.

Giống bắp biến đổi gen được trồng khảo nghiệm tại Duy Xuyên. Ảnh: H.L
Giống bắp biến đổi gen được trồng khảo nghiệm tại Duy Xuyên. Ảnh: H.L

Về mặt công nghệ, cây trồng BĐG là loại cây trồng được lai tạo bằng cách sử dụng kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một số đoạn gen chọn lọc tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn. Cây bắp được sử dụng kỹ thuật hiện đại để chuyển đoạn gen Bt11 (kháng sâu đục thân) và GA21 (kháng thuốc trừ cỏ) vào hạt giống bắp, nhằm tạo ra giống bắp BĐG có khả năng kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ, nhằm giải bài toán về năng suất, sản lượng hiện nay. Việt Nam trước đây không chấp nhận cây trồng BĐG, song gần đây, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhiều công ty đưa các giống bắp BĐG vào khảo nghiệm, sản xuất trình diễn trong cả nước.

Tuy nhiên, người tiêu dùng và nhà khoa học tỏ ra lo lắng về tính an toàn thực phẩm BĐG khi Tổ chức Y tế thế giới đưa ra danh mục một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có thể gây nguy cơ gây ung thư, trong đó có chất glyphosate. Đây là thành phần chính của các loại thuốc trừ cỏ trong canh tác giống bắp BĐG mà các công ty như Monsanto và Syngenta đang cung cấp. Bên cạnh đó là mối lo về sự độc quyền về giống, về thuốc bảo vệ thực vật từ các công ty, cùng với giá giống bắp BĐG khá cao, sẽ đẩy nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất giống của Việt Nam vào chỗ khó khăn…

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Việt Nam có một thời từng cấm nhập khẩu giống bắp BĐG và rất dè dặt, chúng ta đi sau thường ứng dụng những cái mà người ta đã làm được. Thật ra, Việt Nam sử dụng giống BĐG từ lâu, ví dụ như lúc trước ta trồng giống bông vải, bông vải bị sâu đục thân khá lớn, sau này chúng ta đã trồng giống bông vải không có sâu bệnh gây hại, năng suất rất cao. Về phía Sở NN&PTNT, sở cũng khuyến cáo bà con trồng bắp BĐG, tuy nhiên không nên trồng đại trà mà nên áp dụng ở một số vùng nhất định. Cụ thể, chỉ nên áp dụng giống này tại những nơi mà nhà nông trồng bắp với diện tích lớn trong vụ hè thu, thường bị ảnh hưởng bởi sâu đục thân, không xử lý nổi hoặc vùng đất lúa chuyển đổi trong vụ đông xuân, bà con làm không xuể cỏ dại hay việc phun thuốc trừ cỏ sẽ khiến cả bắp và cỏ cùng chết. Với những định hướng này thì Quảng Nam cũng không nhiều vùng đáp ứng đủ điều kiện để trồng giống này như vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, bởi lẽ diện tích của tỉnh còn rải rác, manh mún.

Duy Xuyên khảo nghiệm bắp BĐG

Trên địa bàn tỉnh, giống bắp BĐG chỉ mới được khảo nghiệm rải rác ở một số nơi, ví như tại Tam Đàn (Phú Ninh), Điện Hồng (Điện Bàn) và Duy Trinh (Duy Xuyên) với diện tích nhỏ. Vụ hè thu 2016, được sự cho phép của Sở NN&PTNT, Trại giống cây trồng Nam Phước (Duy Xuyên) đã phối hợp với Công ty TNHH Sygenta Việt Nam và Công ty Dekalb Việt Nam tiến hành khảo nghiệm so sánh giống bắp BĐG NK67Bt/Gt, NK7328Bt/Gt, DK 6919s, DK 6818s nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả của giống trong điều kiện tự nhiên và sản xuất tại địa phương so với giống đối chứng để làm cơ sở đề nghị chuyển giao công nghệ giống cây trồng BĐG vào sản xuất tại địa phương trong tương lai.

Một mô hình khảo nghiệm được tiến hành tại xã Duy Trinh, trên diện tích 1ha, trong đó 0,75ha sản xuất giống BĐG và 0,25ha đối chứng. Bốn giống bắp BĐG nói trên có thời gian, đặc tính sinh trưởng tương tự như giống thường, có chiều cao vượt trội, tỷ lệ ngã đổ thấp, phù hợp với thổ nhưỡng. Đặc biệt, vùng bắp BĐG khảo nghiệm không có sâu đục thân gây hại. Còn về năng suất, giống NK67 Bt/GT đạt năng suất 71 tạ/ha, năng suất cao hơn đối chứng 5 - 6 tạ/ha (giống NK67). Giống NK 7328 Bt/GT có năng suất 75 tạ/ha, cao hơn đối chứng 3 tạ/ha (tức giống NK 7328). Giống DK 6919s đạt 70 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5 tạ/ha (tức giống DK 6919). Giống DK 6818s đạt 73 tạ/ha, cao hơn đối chứng 3 tạ/ha (tức giống DK 6818).

Vụ hè thu 2016, ông Nguyễn Mẫn (xã Duy Trinh) tham gia khảo nghiệm trên 4 sào bắp, gồm giống đối chứng lẫn giống khảo nghiệm. Ông Mẫn cho biết: “Ban đầu nghe bắp BĐG tôi rất lờ mờ, nhưng khi trồng thì tôi nhận thấy có nhiều cái lợi, năng suất cao hơn, việc chăm sóc đỡ vất vả hơn. Sắp tới, nếu có giống thì tôi sẽ tiếp tục trồng để giảm sâu đục thân gây hại và giảm cỏ dại”. Tuy nhiên, cũng theo ông Mẫn, dù hiệu quả là vậy, song ông cũng rất lo ngại là giá giống bắp BĐG quá đắt, cao hơn giống bắp lai thường 80 - 100.000 đồng/kg.

Nếu sản xuất cả mẫu bắp thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Hơn nữa, việc công ty độc quyền về giống, về thuốc bảo vệ thực vật như vậy liệu công ty có cung ứng đủ giống thường xuyên, có chất lượng một khi nông dân đã gắn bó hay không? Trong khi đó, một số hộ khác đề nghị, Sở NN&PTNT và công ty có cơ chế hỗ trợ nông dân về giảm giá giống, bởi lẽ năng suất của bắp BĐG chỉ cao hơn giống lai thông thường khoảng 15%, nông dân khó mà chấp nhận được… Tại hội thảo, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nông dân không phải lo sự độc quyền của các công ty về cung ứng giống, giá cả mà nên nhìn thấy cơ hội về giống để chọn lựa. Nếu chi phí giống kèm theo những chi phí đầu tư khác quá cao, nông dân có thể từ bỏ, quay về sản xuất giống truyền thống, còn nếu cân đối, sản xuất vẫn có lãi thì nên tiếp cận…

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN