Phá sản dự án trồng điều ghép - Bài 1: Ào ạt trồng "cây xóa nghèo"

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH 13/09/2016 09:43

Cách đây 16 năm, tỉnh có chủ trương phát triển mạnh cây điều ghép theo hướng chuyên canh và xen canh ở những địa phương vùng cát với hy vọng nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, theo thời gian, dự án trồng loại cây công nghiệp lâu năm này đã thất bại nặng nề…

Mặc dù tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón nhưng diện tích trồng điều ở những vùng cát vẫn thấp hơn 700ha so với mục tiêu đề ra.Ảnh: VĂN SỰ
Mặc dù tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón nhưng diện tích trồng điều ở những vùng cát vẫn thấp hơn 700ha so với mục tiêu đề ra.Ảnh: VĂN SỰ

BÀI 1: ÀO ẠT TRỒNG “CÂY XÓA NGHÈO”

Được tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón và các đơn vị liên quan tạo điều kiện tối đa trong việc giao đất nên người dân ào ạt trồng cây điều. Vậy nhưng, sau vài năm triển khai, do tỉnh ưu tiên quỹ đất cho quy hoạch xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai và phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ vùng đông cùng một số yếu tố khác nên diện tích trồng điều ghép không đạt mục tiêu đề ra.

Vào cuộc quyết liệt

Thời điểm năm 1999 - 2000, đại bộ phận người dân ở các địa phương vùng cát của tỉnh có cuộc sống hết sức khó khăn vì kinh tế biển chưa phát triển mạnh, còn việc canh tác thì mang lại hiệu quả rất thấp do đất đai quá bạc màu và nước tưới không chủ động. Trước tình trạng này, các địa phương thực hiện chủ trương đưa cây điều ghép về trồng theo phương thức chuyên canh và xen canh. Ngành chuyên môn cho rằng đây là loại cây có khả năng chịu hạn tốt và kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại tương đối dễ. Đặc biệt, ngoài việc tại TP.Tam Kỳ có nhà máy chế biến nhân hạt điều với quy mô lớn của Nhà nước thì ở xã Bình Phục (Thăng Bình) cũng đã hình thành một cơ sở thu mua, sơ chế hạt điều của tư nhân nên vấn đề đầu ra sản phẩm sẽ được đảm bảo.

Ông Võ Văn Toan - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, thấy chủ trương trên khả thi nên năm 2000 xã thành lập ban chỉ đạo phát triển cây điều ghép do chính ông lúc đó giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, còn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm phó ban và đại diện các ngành, hội đoàn thể cùng ban dân chính 5 thôn làm thành viên. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và vận động, hỗ trợ nhân dân tập trung khai hoang phục hóa, chặt phá nhiều loại cây khác để lấy đất trồng điều. Ông Toan chia sẻ: “Thời điểm ấy, việc chặt phá rừng dương liễu có chức năng phòng hộ để lấy đất phát triển cây điều được cán bộ và người dân Duy Hải tiến hành một cách ào ạt, nó giống như là cuộc cách mạng của lĩnh vực nông nghiệp. Khi đó ai cũng tin chắc rằng cây điều sẽ làm nên một cuộc đổi đời”.

Không riêng Duy Hải, rất nhiều xã khác thuộc vùng cát của Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn cũng có những cách tuyên truyền, vận động linh hoạt để người dân phá bỏ một số loại cây trồng truyền thống chuyển sang canh tác điều ghép. Nhằm tiếp sức cho nhà nông, tỉnh quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây giống, phân bón và vận chuyển đến tận nơi cấp phát. Bà Huỳnh Thị Thu ở thôn Tây Thành (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cho hay, khoảng giữa năm 2000 nghe cán bộ xã thông báo chủ trương phát triển mạnh cây điều với mục tiêu xóa đói giảm nghèo nên bà và nhiều hộ dân trong làng tích cực hưởng ứng. Bà Thu bộc bạch: “Lúc ấy, tôi cần hơn 250 cây giống cùng một lượng lớn phân bón để triển khai mô hình trồng điều ghép trong vườn nhà và ngoài đồi cát. Tuy nhiên, do đời sống quá khó khăn nên tôi không có điều kiện đầu tư. Mừng là sau đó tôi được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón nên mới thực hiện được”.

Thời điểm năm 2000 - 2003, hàng nghìn hộ dân ào ạt chặt phá dương liễu và nhiều loại cây khác để lấy đất trồng điều ghép. Ảnh: VĂN SỰ
Thời điểm năm 2000 - 2003, hàng nghìn hộ dân ào ạt chặt phá dương liễu và nhiều loại cây khác để lấy đất trồng điều ghép. Ảnh: VĂN SỰ

Theo ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, ngoài việc phát động nhân dân trồng điều ghép trên các bờ vùng, bờ thửa và những vạt đất trống trong vườn thì chính quyền địa phương cũng tích cực phối hợp với ngành liên quan ở huyện bố trí 30ha đất trồng điều theo phương thức chuyên canh tại vùng đồi cát của thôn Lệ Sơn. Ông Nam nói: “Để thực hiện chủ trương này, từ năm 2000 - 2003 cả hệ thống chính trị ở Duy Nghĩa vào cuộc quyết liệt, nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc giao đất cho dân trồng điều”. Còn theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thì lúc đó lãnh đạo Điện Bàn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền các địa phương vùng cát gồm Điện Dương, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung tích cực hỗ trợ người dân trồng loại cây công nghiệp lâu năm này. Ông Chơi nói: “Trước năm 2000, đa số những đồi cát ở 3 địa phương ấy đều trồng cây dương liễu. Thế nhưng, khi có chủ trương của tỉnh, ngành liên quan cùng chính quyền cấp cơ sở đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động nhân dân phá dương liễu để chuyển sang trồng cây điều. Cũng như nhiều nơi khác, các cơ quan ở địa phương nhận cây giống, phân bón từ nguồn hỗ trợ của tỉnh về cấp phát cho dân triển khai trồng 150ha điều ghép theo phương thức xen canh và chuyên canh”. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể từ huyện đến thôn nên từ năm 2000 - 2003 nhân dân Thăng Bình xuống giống được ít nhất 400ha điều và khi ấy tất cả đều xác định đây là cây rất có triển vọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở những xã vùng cát như Bình Dương, Bình Đào, Bình Giang, Bình Sa, Bình Hải, Bình Minh, Bình Triều, Bình Phục…

Không đạt mục tiêu

Ông Võ Văn Tiên – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (lúc đó là Giám đốc Sở NN&PTNT) cho rằng nguyên nhân chính khiến diện tích trồng điều không đạt mục tiêu là khi mới tiến hành thực hiện đề án ấy được vài năm thì tỉnh lại có chủ trương quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai và phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ ở các địa phương vùng đông nên dẫn đến kế hoạch phát triển cây điều ghép bị bể hoàn toàn và ngay sau đó cơ chế hỗ trợ cây giống, phân bón cho người dân trồng điều cũng dừng lại.    

Với sự tiếp sức rất mạnh từ phía chính quyền và ngành liên quan, ai cũng nghĩ diện tích trồng điều ghép sẽ đạt và vượt chỉ tiêu. Nhưng, thực tế cho thấy, việc phát triển loại cây này ở nhiều vùng cát đều không đảm bảo diện tích như kế hoạch đặt ra lúc ban đầu. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, khi mới triển khai chủ trương, lãnh đạo huyện giao chỉ tiêu cho địa phương là phải trồng được 100ha điều theo hướng xen ghép và chuyên canh. Rồi sau đó một thời gian ngắn, huyện quyết định giảm xuống còn 60ha. Tuy nhiên, mặc dù đã nỗ lực vận động nhân dân nhưng thực tế thì toàn xã chỉ trồng được chừng 15ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Tây Sơn Tây, Tây Sơn Đông, Trung Phường. Ông Thống lý giải: “Hồi đó, chuyện chặt phá cây dương liễu là điều chắc chắn nhưng khi cây điều sinh trưởng, phát triển mạnh thì mới ra tay. Còn ngược lại, nếu cây điều không lên xanh tốt thì người dân vẫn giữ lại dương liễu. Bởi, họ sợ một ngày nào đó biển xâm thực sâu vào đất liền, xóa sổ những ngôi nhà, mảnh vườn của mình. Lúc bắt tay vào thực hiện thì có một số diện tích nằm ở khu vực trũng thấp, dễ bị ngập úng nặng khi xảy ra mưa lớn nên người dân không bố trí đất trồng điều”.

Trong khi đó, ông Võ Văn Quang - Phó trạm Khuyến nông & khuyến lâm Duy Xuyên cho hay, theo kế hoạch đặt ra lúc ban đầu của huyện thì sẽ tiến hành trồng hơn 150ha điều nhưng thực tế chỉ trồng được 52ha trên những nổng cát trắng ở xã Duy Hải và Duy Nghĩa. Ông Quang nói: “Khi đó, giá hạt điều rớt thê thảm nên người dân dừng lại, không mở rộng diện tích. Đất canh tác được nhà nông giữ lại sản xuất rau màu truyền thống. Theo tôi, nếu mối liên kết giữa khâu sản xuất, thu mua và chế biến thực hiện bài bản, ổn định thì khả năng diện tích trồng điều sẽ vượt mục tiêu đề ra. Bởi, thời kỳ đầu đã từng xảy ra tình trạng người dân xã Duy Hải (Duy Xuyên) và Bình Dương (Thăng Bình) trồng điều xâm lấn với nhau nên buộc các ngành chức năng của 2 huyện phải trực tiếp xuống địa bàn đo đạc nhằm xác định cụ thể diện tích”.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 1998, khi ông còn làm ở trung tâm khuyến nông thì chính ông là người viết đề án phát triển cây điều ghép ở vùng cát. Sau khi đề án đó hoàn thành thì Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt và bắt đầu triển khai khoảng đầu năm 2000. Theo ông Muộn, trước đây toàn tỉnh có chừng 1.500ha điều nhưng phần lớn diện tích đã bị thoái hóa nên cho năng suất rất thấp. Theo mục tiêu của đề án, ngoài việc đưa giống điều ghép có tiềm năng cho sản lượng cao về trồng thay thế 1.500ha điều kém hiệu quả đó thì sẽ mở rộng thêm 1.000ha nữa. Như vậy, cả trồng thay thế và trồng mới có tổng diện tích 2.500ha. Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ thực hiện được 1.800ha.
-----------
Bài 2: Vùng điều chuyên canh thất bại

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH