Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chưa tạo bước đột phá

NGUYỄN SỰ 02/09/2016 11:29

Ba năm qua, Quảng Nam tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có bước chuyển biến tích cực nhưng lĩnh vực kinh tế này vẫn chưa bứt phá mạnh mẽ…
Đầu tư nhiều nguồn lực

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua huyện huy động nguồn lực tài chính khá lớn đầu tư thi công kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa 119km kênh mương, kéo 105km đường dây điện ra nhiều cánh đồng nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho 3.800ha đất lúa và 2.000ha đất màu. Cạnh đó tiến hành dồn điền đổi thửa 2.304ha để xây dựng những cánh đồng mẫu. Đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa, bí đỏ, ớt, dưa leo… theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ông Năm chia sẻ: “Tính đến cuối tháng 8.2016, Duy Xuyên đã thu hút 7 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Khi nông dân hợp tác với doanh nghiệp sản xuất giống lúa, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng 20% so với làm thóc thịt. Còn đối với các vùng chuyên canh những loại hoa màu, bình quân hằng năm 1ha đất cho mức thu nhập 100 - 180 triệu đồng. Nhưng cái được lớn nhất trong chuyện liên kết này là nhà nông hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá”.

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động và giảm chi phí đầu tư. Ảnh: NGUYỄN SỰ
Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động và giảm chi phí đầu tư. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, để thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 15.11.2013 UBND huyện ban hành kế hoạch hành động. Qua đó, từ năm 2013 đến nay địa phương chú trọng quy hoạch xây dựng những vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và chuyển giao rộng rãi kỹ thuật canh tác mới cho nông dân. Bên cạnh việc đầu tư 37,5 tỷ đồng kiên cố hóa 40km kênh mương thì 3 năm qua Đại Lộc còn đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa 14 công trình thủy lợi nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Hiện nay, Đại Lộc đã hình thành được hàng chục cánh đồng sản xuất giống lúa với tổng diện tích 1.500ha và rất nhiều mô hình luân canh, xen canh những loại rau quả, cây trồng cạn chủ lực với quy mô 3.000ha. Bình quân hằng năm, 1ha đất cho giá trị 90 - 250 triệu đồng. Ông Mẫn nói: “Nhờ triển khai hàng loạt giải pháp nên việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Đại Lộc đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2013 - 2015 giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng bình quân 4,58%/năm. Kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Nếu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chiếm 19,41% thì năm 2015 giảm còn 5,82%”.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cuối năm 2013 đến nay nhờ tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, đề án sản xuất nông - lâm - thủy sản và thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế hỗ trợ nên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chuyển biến rõ nét. Theo đó, thời gian qua toàn tỉnh đã hình thành được gần 150 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 5.500ha. Quảng Nam đã thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn đến liên kết với nông dân sản xuất mỗi vụ xấp xỉ 3.500ha giống lúa và bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Ông Muộn nói thêm: “Hiện nay, bình quân giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất canh tác đạt 75 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2013. Trong 3 năm gần đây, các tổ hợp tác và hộ cá thể tiếp cận dễ dàng với nhiều kênh vốn ưu đãi nên có điều kiện xây dựng chuồng trại kiên cố, nâng cao chất lượng con giống để phát triển chăn nuôi theo phương thức hàng hóa. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hình thành được 1.391 gia trại, 130 trang trại nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong giai đoạn 2013 - 2016 giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 4,98%/năm”.

Những vướng mắc

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua việc cụ thể hóa kế hoạch hành động vào thực tiễn chưa được rõ nét nên kết quả mang lại không đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo ông Lê Muộn, phần lớn các địa phương chưa thành lập ban chỉ đạo để triển khai những nhiệm vụ theo kế hoạch hành động khiến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là nhiều nơi hết sức lúng túng trong quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản và chậm chạp, thiếu nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi.

Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận, dù đã có bước chuyển biến tích cực nhưng hiện nay ngành nông nghiệp Điện Bàn vẫn ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chứ chưa thực sự mang tính hàng hóa. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp. Ông Dũng nói: “Vì chăn nuôi phát triển chủ yếu theo hình thức nông hộ nên tình trạng ô nhiễm môi trường là đáng báo động. Cạnh đó, do khâu kiểm soát chất lượng con giống đầu vào chưa chặt chẽ, người dân không chú trọng công tác tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại nên các loại dịch bệnh trên vật nuôi thường xuyên bùng phát”. Theo ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức, lâu nay đầu ra của các loại sản phẩm nông nghiệp đều rất bấp bênh, nhà nông phải liên tục đối mặt với cảnh được mùa mất giá - được giá mất mùa. Sở dĩ tình trạng này kéo dài là nhiều địa phương khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn và mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Theo bà Phạm Thị Như – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đối với những địa phương trung du và miền núi, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp rất nhiều rào cản. Bà Như nói: “Do địa hình của các huyện thuộc khu vực này phần lớn là gò đồi, sườn núi, ruộng bậc thang chiếm diện tích lớn nên không thể dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và quy hoạch xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cạnh đó, trình độ dân trí và kỹ năng canh tác của phần lớn nông dân còn hạn chế nên rất khó ứng dụng rộng rãi kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”. Trong khi đó, một số ý kiến khác thì cho rằng, mặc dù các cấp, các ngành đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nhưng vì nguồn lực tài chính còn quá eo hẹp nên chưa tạo được động lực, sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn. Hạ tầng phục vụ sản xuất tuy đã cải thiện nhưng còn thiếu tính đồng bộ. Kinh tế hợp tác vẫn chưa thể hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản…              

 Tiếp tục triển khai sâu rộng

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Vì thế, những năm tới cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là các tầng lớp nhân dân. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại thành công, ngay từ bây giờ ngành liên quan và chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố phải quyết liệt thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp. Trước tiên, phải khẩn trương rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thứ tự ưu tiên nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương. Đồng thời cần nỗ lực huy động mọi nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, trong đó khâu thủy lợi được xem là trọng yếu. Đặc biệt, muốn tạo động lực cho nông nghiệp –  nông thôn phát triển mạnh thì nhất thiết phải quan tâm điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi trong giai đoạn 2016 - 2020 là phải tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và tích cực tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp nhằm gắn việc sản xuất với chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra của sản phẩm. Cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác khuyến nông, đảm bảo đủ mạnh để làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nhà nông. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng nên ưu tiên hỗ trợ nhiều khâu nhằm giúp lĩnh vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả để mô hình này phát huy tối đa vai trò bà đỡ của nông dân…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ