Khấm khá từ những mô hình mới

HOÀNG LIÊN 30/08/2016 09:59

Gần đây, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình hay cần được nhân rộng.

Ươm nuôi hàu bản địa

Năm năm trở về trước, ông Bùi Ngọc Hoành (xã Tam Hải, Núi Thành) từng đầu tư nuôi tôm trên vùng đất Cửa Lở, An Hòa của vùng Tam Hải song không hiệu quả. Giai đoạn 2012 - 2014, được sự hỗ trợ kỹ thuật và con giống hàu từ Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành và từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, ông Hoành đã nuôi thử nghiệm giống hàu Thái Bình Dương thương phẩm trên diện tích 0,5 sào mặt nước vùng Cửa Lở, An Hòa và đem lại hiệu quả. Qua mấy lứa nuôi, nắm vững được kỹ thuật, kinh nghiệm, ông Hoành đã chủ động phát triển diện tích hàu lên 20 sào ở vùng triều này và chọn quay về với giống bản địa khi thị hiếu của người tiêu dùng về đặc sản bản địa rất lớn. “Hàu bản địa tuy trọng lượng không bằng hàu Thái Bình Dương, vỏ dày và tỷ lệ thịt trong vỏ cũng không nhiều bằng, lại chậm lớn hơn, song giống bản địa lại được ưa chuộng tại Quảng Nam và một số địa bàn lân cận. Hơn nữa, con giống hàu Thái Bình Dương khá đắt đỏ, mỗi sào tốn cả 10 triệu đồng tiền giống, trong khi ươm nuôi hàu bản địa, người dân lại có thể tận dụng con giống tại chỗ để làm lợi” - ông Hoành nói.

Giống hàu bản địa được ươm nuôi cho thu nhập khá.
Giống hàu bản địa được ươm nuôi cho thu nhập khá.

Để có giống đủ cung ứng cho 20 sào mặt nước, ông Hoành lặn lội khai thác trong vùng qua nhiều tháng, “góp gió thành bão”, nguồn hàu đánh bắt được ông đưa vào vùng ươm giống tập trung của gia đình. Mỗi năm, ông Hoành có thể tạo ra cả tấn giống, ước chừng mỗi ký hàu giống bản địa 70 - 80 con là có thể đưa vào nuôi thương phẩm. “Từ tháng 9 trở đi tôi sẽ nghỉ khai thác hàu tới tận tháng 4 năm sau vì mùa này hầu sinh sản rồi, ăn không ngon. Con hàu trước khi sinh sản buồng trứng phát triển, là lúc ăn ngon nhất nên tiêu thụ mạnh ở thời điểm trên” - ông Hoành nói. Mỗi mùa khai thác hàu, ông Hoành xuất bán hơn 3 tấn hàu thương phẩm, thu nhập 60 - 70 triệu đồng, mỗi ký hàu thương phẩm giống bản địa được bán cho thương lái với giá 20 - 30 nghìn đồng. “Thời gian này, tôi còn xuất bán được ít, mỗi ngày chừng 1 tạ hàu, song nhu cầu mua của tư thương cao hơn nhiều. Con hàu đạt trọng lượng từ 0,5kg tới 1kg/con là thích hợp cho việc xuất bán” - ông Hoành nói. Ở Tam Hòa, Tam Hải, ngoài ông Hoành, một số hộ cũng đã chuyển từ nuôi tôm sang ươm nuôi hàu, song diện tích ít hơn ông Hoành.

Vườn chuối mốc lai được trồng trên đất lúa chuyển đổi cho năng suất cao. Ảnh: H.Liên
Vườn chuối mốc lai được trồng trên đất lúa chuyển đổi cho năng suất cao. Ảnh: H.Liên

Trồng chuối mốc lai trên đất lúa

Hộ ông Trần Chín (thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) có 4 sào lúa thuộc vùng đất kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước, sâu chuột phá hoại nên năng suất chẳng là bao. Tình cờ, nhận thấy người hàng xóm đem ở nơi xa về mấy cây chuối mốc thân bé xíu cho là chuối lai Úc, được một số hộ ở Đại Lộc trồng khá thành công. Cây khi trồng xuống đất sinh trưởng nhanh, thân chuối to cao, cứng cáp, chống chịu với thời tiết tốt, ít gãy đổ, cho buồng to, nhiều nải, vậy là ông quyết tâm hỏi và tìm tới tận những vườn lớn để hỏi mua mụn cây con về trồng trong vườn nhà và 4 sào đất lúa gần đó. Ở diện tích đất lúa, trước khi chuyển sang trồng chuối, ông trồng một mùa đậu xanh để cải thiện đất, tạo độ tơi xốp cho đất trước khi đặt giống chuối xuống. “Khi thấy tôi trồng 4 sào chuối mốc lai, ai nấy lo sẽ dễ bị ngập úng, thối rễ vì đây là đất lúa, song khi thấy tôi trồng có hiệu quả thì hàng xóm, bạn bè nhiều người xin một ít cây giống về trồng thử, có người trồng đến nửa sào” - ông Chín nói.

 Từ 400 gốc chuối ban đầu, tới nay, 2/3 số đó đã cho buồng lứa đầu, lứa chuối kế cận, cây đã cao hơn 1,5m, hứa hẹn mùa chuối mốc tết thường có giá rất cao. Ông Chín trồng với tỷ lệ 80 - 100 cây/sào, ước tính 1 sào chuối ông thu về 8 - 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Mỗi buồng chuối cho giá thấp nhất 100 nghìn đồng, nhưng dịp tết thì có thể gấp đôi, gấp ba. Trồng 1 sào chuối cho thu nhập bằng 10 sào lúa” - ông Chín nói. Mỗi ngày, thương lái tới tận vườn để thu gom chuối chở đi, ông chỉ cần dọn vườn sạch sẽ, tươm tất là xong. Đầu ra của chuối khá tốt, dòng này có ưu điểm là không bị phung ngọn, bị bệnh gama (vàng lá), tỷ lệ gãy đổ thấp, chịu nước nên khá phù hợp với vùng đất chuyển đổi từ cây lúa.

Theo kinh nghiệm, ông Chín trồng với mật độ sưa, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m. Việc bố trí như vậy sẽ giúp ông dễ dàng trồng cây con và có thế hệ cây kế cận thay thế khi cây chuối mẹ trải qua vài lứa, cỗi gốc. Vườn chuối được trồng từ tháng 6.2015, tới nay sắp cho lứa thứ hai. “Sau lứa đầu, lứa thứ hai có 2 cây/bụi cho buồng, như vậy 1 sào lên tới 150 - 160 cây chứ không như 80 cây lúc đầu và hiệu quả kinh tế sẽ nhân đôi” - ông nói. Giống chuối mốc lai này có đặc tính là cho trái to, đẹp, sáng, dễ bán hơn giống chuối mốc bản địa nên được thị trường ưa chuộng. “Khi trồng, cần chọn cây giống đồng đều, khi cây đã bén rễ, phứt ngang ngọn, chỉ để lại 2/3 thân, việc làm này giúp cây phát triển mạnh phần thân, trổ đồng đều và chỉ khi đọt chuối phóng ra thì mới tiến hành vô phân. Tránh tình trạng vô phân theo kiểu xới ván quanh gốc, sẽ làm đứt rễ, si cây, mà cần giao phân theo hướng đông - tây, khi cây phát triển tiếp tục vô phân hướng nam - bắc để giúp cây có đủ dưỡng chất phát triển” - ông Chín chia sẻ kinh nghiệm.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN