Bấp bênh đầu ra sản phẩm dâu tằm

VĂN ĐẠT - MẠNH CƯỜNG 27/08/2016 07:53

Dù mong muốn khôi phục làng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống, nhưng gần đây, đầu ra của sản phẩm này bấp bênh khiến hàng trăm hộ dân tại xã Duy Trinh (Duy Xuyên) đang lo lắng và đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề.

Trứng tằm không nở được cũng là nguyên nhân làm cho nghề nuôi tằm truyền thống ở xã Duy Trinh đứng trước nguy cơ mai một. Ảnh: CƯỜNG ĐẠT
Trứng tằm không nở được cũng là nguyên nhân làm cho nghề nuôi tằm truyền thống ở xã Duy Trinh đứng trước nguy cơ mai một. Ảnh: CƯỜNG ĐẠT

Với diện tích trồng dâu nuôi tằm gần 15ha, xã Duy Trinh được xem là cái nôi dâu tằm của huyện Duy Xuyên. Nhưng mấy năm trở lại đây, nghề nuôi dâu tằm gặp khó khăn. Mặc dù huyện Duy Xuyên và xã Duy Trinh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân để khôi phục nghề này như trích quỹ đất, đầu tư phân bón và giống. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là đầu ra của sản phẩm thì lại quá bấp bênh nên đến nay, số lượng người dân còn sản xuất nghề truyền thống này rất ít.

Anh Đoàn Văn Hải (thôn Định An, Duy Trinh) cho biết: “Trước kia, gần như cả xóm nhà tôi, nhà nào cũng trồng dâu, nuôi tằm, là một làng lụa nổi tiếng ở xã Duy Trinh. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn gần 10 hộ tiếp tục theo nghề. Trước đây, giá kén làm ra bán được 30 - 40 nghìn đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 5 - 6 nghìn đồng/kg. Trong khi đó tiền trứng, giá nhân công tăng nên người làm không còn mặn mà với nghề”. Cũng theo anh Hải, nghề ươm tơ, dệt lụa này là nghề truyền thống của gia đình anh, cha anh cả đời theo nghiệp này, đến khi ông già, anh nối nghiệp cũng đã được vài năm, nhưng nếu cứ tình trạng đầu ra bấp bênh như hiện nay kéo dài, anh sẽ buộc phải bỏ cái nghề truyền thống để tìm đến những nghề khác có thu nhập ổn định hơn.

Ông Ngô Tấn Phước (thôn Định An), có thâm niên gần 20 năm nuôi tằm và cũng là người có tiếng một thời ăn nên làm ra từ nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ông kể, thời điểm trước năm 2012 về trước, chỉ với 2 sào dâu thôi, năm nào gia đình ông cũng ươm được từ 11 - 12 lứa tằm, mà hồi đó đa số bà con dùng giống dâu truyền thống để nuôi tằm, cho dù sản lượng không cao, nhưng không bị nhiễm bệnh, rất được thương lái ưa chuộng nên thu nhập hàng năm khá ổn định. Sau này bà con toàn dùng giống dâu cao sản của Trung Quốc, tuy lá nhiều và tốt hơn, chu kỳ nuôi cũng tăng lên gấp hai lần nhưng thường xuyên bị nhiều dịch bệnh gây hại hoành hành, chất lượng kém. Do vậy thường bị thương lái chê nên không mua, nếu có mua thì cũng mua với số lượng ít, phần lớn các hộ dân đành bán cho các quán nhậu với giá rẻ, vì vậy thu nhập hàng lứa của người nuôi tằm không ổn định. Mặt khác giá kén liên tục biến động, phần thì dịch bệnh hoành hành… khiến nghề trồng dâu, nuôi tằm của bà con nơi đây không còn hiệu quả như trước. “Năm ngoái gia đình tôi nuôi một hộp trứng, tằm đã ở tuổi 4, cả thảy 25 nong trên hai khung đuổi. Bình quân mỗi nong tằm lứa tuổi này khoảng 7 đến 8kg, đang thời kỳ ăn mạnh nên tằm con rất phát triển, hứa hẹn cho một vụ bội thu. Nhưng đùng một cái dâu bị nhiễm bệnh, gia đình tôi chạy đôn chạy đáo tìm thuốc đặc trị để cứu tằm nhưng không được. Vợ chồng tôi đành chấp nhận mất trắng và đưa hàng chục ký tằm đi tiêu hủy. Còn năm nay thì càng tệ hơn nữa, dù cho chăm sóc tốt nhưng tằm lại không nở” - ông Phước cho hay.

Ông Ngô Phi Long (cán bộ Ban nông nghiệp thôn Đông Yên, Duy Trinh) cho biết, với mong muốn khôi phục làng nghề truyền thống đã mất, lãnh đạo huyện và xã cũng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân phục dựng lại nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, đầu ra còn khó khăn khiến nông dân hoang mang, lo lắng. Lãnh đạo địa phương cũng đang nỗ lực tìm cách khắc phục những khó khăn này. Hiện tại, vẫn còn một số hộ dân làm nghề này, tuy nhiên tiền trứng cao, lại khó tìm nhân công làm việc nên nhiều nhà ươm đã chủ động từ bỏ. Một số hộ còn lại chủ yếu làm ra để bán cho các quán nhậu. Họ ngâm rượu, làm thuốc với giá tằm tươi 70 nghìn đồng/kg, giá kén 60 nghìn đồng/kg.

VĂN ĐẠT - MẠNH CƯỜNG

VĂN ĐẠT - MẠNH CƯỜNG