Hồ chứa Suối Tiên không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp: Chủ đầu tư nói gì?

NGUYỄN SỰ - PHAN VINH 22/08/2016 08:33

Ngày 16.8.2016, Báo Quảng Nam có bài “Nỗi lo hồ chứa Suối Tiên”, phản ánh về việc suốt 6 năm nay hồ chứa Suối Tiên ở xã Quế Hiệp (Quế Sơn) không cung cấp đủ nguồn nước cho nông dân nơi đây sản xuất. Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế, hồ Suối Tiên có sức chứa gần 1 triệu mét khối nước, mỗi vụ sẽ đảm bảo phục vụ tưới cho 250ha lúa trên địa bàn các thôn Lộc Đại, Nghi Thượng, Nghi Trung, Nghi Hạ của xã Quế Hiệp. Thế nhưng, thực tế những năm qua cho thấy hồ chứa này thường chỉ đạt mức 650 nghìn mét khối nước nên mỗi mùa chỉ cung ứng cho khoảng 134ha lúa. Tuy nhiên, trong số 134ha lúa do hồ chứa Suối Tiên đảm nhận tưới, từ năm 2010 đến nay vụ hè thu nào cũng có 65 - 70ha bị khô hạn nặng, buộc ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn và chính quyền xã Quế Hiệp phải triển khai nhiều giải pháp giải cứu lúa.

Lượng lớn đất đá đang bồi lấp nghiêm trọng lòng hồ chứa nước Suối Tiên. Ảnh: VĂN SỰ
Lượng lớn đất đá đang bồi lấp nghiêm trọng lòng hồ chứa nước Suối Tiên. Ảnh: VĂN SỰ

Để tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cuối tuần qua phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc làm việc với ông Võ Văn Điềm - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phụ trách lĩnh vực thủy lợi, hiện giờ là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Suối Tiên). Khi chúng tôi đề nghị cung cấp hồ sơ thiết kế, biên bản nghiệm thu, hồ sơ thanh quyết toán công trình hồ chứa nước Suối Tiên, ông Võ Văn Điềm nói do các loại giấy tờ liên quan đến công trình thủy lợi này nằm chung với các hồ sơ chứa trong kho của đơn vị nên rất khó tìm và từ chối cung cấp. Tuy nhiên, ông Điềm thừa nhận rằng, sau khi hồ chứa Suối Tiên được đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Quế Hiệp, dung tích nước chứa của hồ ít hơn so với thiết kế nên 6 năm nay số diện tích đất canh tác chủ động tưới thấp hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu. Theo ông Điềm, sở dĩ có tình trạng đó là do việc xây dựng hồ chứa Suối Tiên bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ gặp rất nhiều khó khăn, suất đầu tư của công trình này tương đối lớn nên không thể thi công bài bản các hạng mục, dẫn tới dung tích chứa nước thực tế của hồ Suối Tiên thấp hơn so với thiết kế.

Khi được hỏi về phương án khắc phục, ông Võ Văn Điềm cho rằng để nâng cao khả năng phục vụ tưới của hồ chứa Suối Tiên trong thời gian đến, có rất nhiều giải pháp. Theo ông Điềm, nguồn nước về hồ Suối Tiên tương đối lớn, năm nào cũng đều chảy qua tràn nên muốn tăng dung tích chứa là chuyện không khó. Trước mắt, hằng năm, sau lũ chính vụ, triển khai biện pháp tạm thời là dùng bao tải đựng đất cát để nâng trên mức tràn từ 0,8 - 1m. Về lâu dài, có thể tính toán, cân đối lại khả năng nguồn vốn và nguồn nước rồi thực hiện nâng cấp hồ chứa, nâng đập, nâng tràn nhằm tăng quy mô trữ của hồ chứa này. Nói về giải pháp nạo vét một lượng lớn đất đá đang bồi lấp nghiêm trọng lòng hồ chứa Suối Tiên như đề xuất của Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn và Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Hiệp, ông Điềm nêu ý kiến: “Đây là biện pháp tốn khá nhiều kinh phí, ngân sách tỉnh khó gánh nổi. Nếu chính quyền huyện Quế Sơn - đơn vị đang trực tiếp quản lý công trình hồ thủy lợi Suối Tiên - tìm kiếm được nguồn xã hội hóa thì rất khả thi. Nếu có doanh nghiệp nào đó xin nạo vét để tận dụng lượng lớn đất đá trong lòng hồ nhằm phục vụ việc khác nhưng không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình thì sẽ đem lại hiệu quả tích cực”.

NGUYỄN SỰ - PHAN VINH

NGUYỄN SỰ - PHAN VINH