Điểm nhấn nông nghiệp đô thị Tam Kỳ

NGUYỄN SỰ 19/08/2016 08:44

  • Về sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ (Tiếp theo và hết)
  • Về sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ
  • Phát triển Đảng trong học sinh THPT ở Tam Kỳ: Hiệu quả, chất lượng
  • Hội thảo khoa học 100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ (1916-2016)

Những năm qua, TP.Tam Kỳ rất chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp theo định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị bền vững.

Nhiều mô hình sản xuất

Ông Bùi Viết Thiên ở khối phố Trường Đồng, phường Tân Thạnh hồ hởi: “Những năm gần đây, vụ nào người dân vùng này cũng phấn khởi vì lúa trúng mùa. Nếu năm 2006 trở về trước, bình quân 1 sào ruộng chỉ đạt năng suất 280kg lúa khô thì nay tăng lên 350kg”. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT Tam Kỳ cho biết, mỗi vụ nông dân thành phố gieo cấy 1.274ha lúa, trong đó hơn 90% chủ động nước tưới. Theo ông Tuấn, bên cạnh cải tạo đồng ruộng, thời gian qua Tam Kỳ cũng tập trung giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ từ cơ chế 33 của tỉnh nhằm giúp nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện mua sắm hàng chục máy cày loại lớn và máy gặt đập liên hợp phục vụ khâu làm đất, thu hoạch để giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Ông Tuấn chia sẻ: “Với mục đích phát triển ngành nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, lấy chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế làm thước đo chính, thời gian qua chúng tôi cũng chú trọng đến việc tập huấn quy trình sản xuất lúa theo gói kỹ thuật IMP kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng cho nông dân. Áp dụng mô hình này, mỗi héc ta lúa sẽ giảm được 50% lượng hạt giống, 30% lượng phân hóa học và 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó năng suất lại tăng không dưới 20%”.

Tam Kỳ đang hướng đến sản xuất nông nghiệp đô thị theo mô hình chuỗi giá trị, và con tôm là một trong những lựa chọn.  Ảnh: VĂN SỰ
Tam Kỳ đang hướng đến sản xuất nông nghiệp đô thị theo mô hình chuỗi giá trị, và con tôm là một trong những lựa chọn. Ảnh: VĂN SỰ

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất nên những năm qua Tam Kỳ cũng hình thành được hàng loạt mô hình luân canh, xen canh, gối vụ các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị cao. Như ở khối phố An Hà Nam, phường An Phú, người dân đang chuẩn bị gieo trồng 15ha nén theo phương thức chuyên canh. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - chuyên viên Phòng Kinh tế Tam Kỳ cho biết, trước đây nông dân An Hà Nam chủ yếu trồng mè, khoai lang, sau thấy nhiều nơi cây nén cho thu nhập khá nên đồng loạt chuyển đổi, với khoảng 100 hộ. Bà Loan cho hay: “Sản phẩm nén do người dân An Hà Nam làm ra rất được thị trường ưa chuộng vì chất lượng cao. Sản lượng đạt khá, giá bán hấp dẫn nên mỗi mùa nén, 1 sào đất mang về cho nhà nông 20 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư chỉ tốn chừng 1 triệu đồng. Như vậy, mỗi vụ nén 1ha sản xuất có thể cho mức lãi ròng 380 triệu đồng”. Tương tự, tại các phường Tân Thạnh, Trường Xuân, Hòa Thuận, xã Tam Phú… đã hình thành được rất nhiều vùng chuyên canh rau củ quả an toàn. Bình quân hàng năm mỗi héc ta đất sản xuất đạt trị giá 200 triệu đồng trở lên. Cần nói thêm, thời gian qua trên địa bàn 2 xã Tam Ngọc, Tam Thăng và 2 phường An Mỹ, Trường Xuân cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng hoa ly ly, chuông kép, cúc Đà Lạt, lan Dendro, lan Monkara… bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Bên cạnh việc tạo cú hích mạnh cho lĩnh vực trồng trọt, Tam Kỳ cũng đặc biệt quan tâm phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo thống kê, tính tới giữa tháng 8.2016 địa phương đã xây dựng được 9 trang trại, 37 gia trại chăn nuôi heo hướng nạc, gà thịt thả vườn, gà lấy trứng với quy mô lớn và rất nhiều mô hình trồng cỏ nuôi bò lai thâm canh mang lại hiệu quả khá cao...

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Mặc dù nông - lâm - thủy sản của Tam Kỳ có mức tăng trưởng đáng kể về sản lượng cũng như giá trị nhưng nhìn chung quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và đầu ra của sản phẩm quá bấp bênh khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình trạng này và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, chính quyền thành phố đang tập trung xây dựng hoàn chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp đô thị theo mô hình chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây được xem là giải pháp có tính đột phá và bền vững, phù hợp với yêu cầu tất yếu của xã hội. Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế Tam Kỳ cho biết, nếu phương án này được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong giai đoạn 2016 - 2020 thành phố sẽ triển khai thí điểm 5 chuỗi giá trị từ quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Minh, những chuỗi giá trị mà Tam Kỳ nhắm đến là thịt gà, thịt heo, rau củ quả, hoa cây cảnh, tôm nuôi.

Tính đến thời điểm này Tam Kỳ có 2 tổ hợp tác, 4 trang trại, 24 gia trại chuyên nuôi gà với tổng đàn hàng năm khoảng 250.000 con và hiện nay tiếp tục phát triển mạnh. Khi thực hiện chuỗi giá trị thịt gà, các cơ quan có trách nhiệm sẽ chọn mắt xích trọng tâm là tổ hợp tác nuôi gà ta thả vườn Mười Tín ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng. Bởi, đây là mô hình có số lượng thả nuôi thường xuyên 20.000 - 25.000 con với diện tích đất sử dụng 10ha, nằm trong quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư, hạ tầng thiết yếu đảm bảo. Đặc biệt, trang trại này đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2012.

Giai đoạn 2007 - 2015, Tam Kỳ đã chi hơn 41 tỷ đồng để thực hiện đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp địa phương đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 5%, giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích gần 72 triệu đồng/ha/năm… Giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện mô hình 5 chuỗi giá trị, Tam Kỳ sẽ phải đầu tư ít nhất 8,3 tỷ đồng.

Tam Kỳ có hơn 200ha đất phục vụ những mô hình canh tác rau củ quả, hàng năm thu về tổng sản lượng 6.600 - 7.600 tấn sản phẩm. Khi triển khai thí điểm chuỗi giá trị này, địa phương sẽ chọn các vùng sản xuất chính ở Trường Xuân, Hòa Thuận, Tam Phú, Tam Thanh làm điểm nhấn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 12.200 con heo, trong đó heo ngoại chiếm 30% tổng đàn. Thời gian qua, tại Tam Ngọc, Trường Xuân, Tam Phú, An Phú đã hình thành 2 trang trại và 13 gia trại chuyên nuôi heo hướng nạc với quy mô mỗi năm xuất chuồng 200 - 1.000 con/mô hình. Đây là lợi thế khá lớn để Tam Kỳ thực hiện chuỗi giá trị thịt heo với trục chính là trang trại của ông Dương Văn Phú ở phường Trường Xuân… Đối với con tôm, hiện nay có 267ha mặt nước chuyên nuôi tại Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng, Hòa Hương, An Phú. Khi triển khai chuỗi giá trị, Tam Kỳ sẽ lấy vùng đã quy hoạch phát triển nghề nuôi tôm theo hướng VietGAP ở xã Tam Phú làm trọng điểm rồi sau đó nhân rộng ra các nơi khác…

Ông Đỗ Văn Minh cho rằng, để những chuỗi giá trị vừa nêu mang lại thành công lớn, thời gian tới Tam Kỳ cần thực hiện hiệu quả khâu quy hoạch. Đồng thời ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và hỗ trợ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã mua sắm những loại máy móc hiện đại phục vụ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng giống cây trồng, con vật nuôi và chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt, yêu cầu mang tính bắt buộc là phải đẩy mạnh việc liên doanh liên kết với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho các loại sản phẩm…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ