Nông nghiệp Đại Lộc: Triển vọng từ nhóm cây thực phẩm
Trong sự phát triển của nền nông nghiệp huyện Đại Lộc, nhóm cây thực phẩm là một trong những điểm nhấn chính và nhiều triển vọng đem lại sinh kế ổn định cho nông dân.
Trong nhóm cây thực phẩm, những loại cây được canh tác chủ yếu trên địa bàn huyện Đại Lộc là ớt, dưa hấu và rau các loại. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, trên toàn huyện có khoảng 2.463ha canh tác rau, đậu các loại, ớt, dưa hấu và dứa. Tuy diện tích có phần bị thu hẹp do sạt lở, chuyển mục đích sử dụng… nhưng năng suất và sản lượng của các loại cây trong nhóm cây thực phẩm vẫn tăng trưởng ổn định và đạt gần 50 nghìn tấn trong vụ vừa qua. Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết: “Những năm gần đây, các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp tốt với nông dân trong viêc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn cho ngành trồng trọt nói chung và nhóm cây thực phẩm nói riêng nên đem lại thu nhập khá cho người dân”.
Đặc biệt trong vài năm gần đây, cây ớt đang nổi lên là loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao khi người dân canh tác bằng giống nước ngoài theo phương thức mới chứ không còn sản xuất manh mún, được chăng hay chớ như trước. Trong vụ đông xuân 2015 - 2016, khoảng 200ha ớt ở Đại Lộc đã cho sản lượng gần 5.000 tấn, bình quân ước đạt 250 tạ/ha trái tươi. Trong khi đó, giá ớt luôn ở mức cao, có lúc đạt đến 25 nghìn đồng/kg, gấp đôi so với giá bình quân mọi năm nên người trồng càng trúng lớn.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của ông Nguyễn Tám (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc). Ảnh: Q.T |
Theo ông Nguyễn Văn Tươi - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đại Lộc, nông dân cần duy trì việc trồng dưa hấu, rau, đậu các loại trong vụ hè thu để cung cấp nhu cầu rau, quả tươi rất lớn trong bối cảnh thời tiết nắng nóng vẫn duy trì. Ông Tươi cũng cho rằng việc hình thành vùng chuyên canh cây thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa là mục tiêu còn quá xa vời, nên trước mắt ngành nông nghiệp Đại Lộc đang hướng nông dân đến việc tận dụng các diện tích đất màu mỡ dọc hai bên các con sông để canh tác theo hướng luân canh, xen canh, thâm canh nhằm tăng giá trị và hiệu quả sản xuất.
Hơn một năm nay, nhà máy sơ chế rau Bàu Tròn của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại An, huyện Đại Lộc đi vào hoạt động khá ổn định và khẳng định sự đúng đắn trong việc hình thành thương hiệu cho làng rau Bàu Tròn. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy sơ chế khoảng 8 - 10 tấn rau hàng hóa cung cấp cho các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Do sản phẩm rau đã được sơ chế và dán nhãn thương hiệu nên tạo được sự tin cậy với người tiêu dùng, giúp giá cả luôn ở mức ổn định, có lợi cho nông dân.
Hiện nay, mô hình trồng rau trong nhà lưới vẫn còn khá xa lạ với nông dân địa phương. Mô hình của ông Nguyễn Tám (trú thôn Đông Lâm, xã Đại Quang) được xem là khả thi để nghiên cứu, nhân rộng khi hướng tới nền nông nghiệp sạch, hàng hóa. Cách đây hơn một năm, sau khi đi tìm hiểu ở một số nơi, ông Tám quyết định đầu tư khoảng 60 triệu đồng để xây nhà lưới kiên cố trên diện tích khoảng 200m2 trồng rau các loại. Canh tác trong nhà lưới giúp rau tránh được phá hoại của côn trùng, sâu bọ, tác động xấu của thời tiết. Hơn nữa rau trong vườn của ông hoàn toàn không dùng thuốc, phân hóa học. Cũng theo ông Tám, nếu trồng trên một diện tích lớn hơn, khoảng 10 - 20 sào thì số tiền đầu tư cũng không nhiều hơn 60 triệu đồng nếu biết cách bố trí hợp lý và sử dụng vật liệu thích hợp.
QUỐC TUẤN