Nỗ lực cứu lúa hè thu

HOÀI NHI 04/08/2016 09:06

Nhiều cánh đồng lúa ở Duy Xuyên đã bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng nhưng đang ngắc ngoải vì thiếu nước tưới…

Lắp đặt máy bơm dã chiến ở thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn) để lấy nước ngọt cứu những đồng lúa bị khô hạn nặng. Ảnh: HOÀI NHI
Lắp đặt máy bơm dã chiến ở thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn) để lấy nước ngọt cứu những đồng lúa bị khô hạn nặng. Ảnh: HOÀI NHI

Đến cánh đồng Cây Dối và Bàu Tròn thuộc thôn Trà Châu của xã Duy Sơn, ông Nguyễn Trường Hổ - người dân địa phương cho biết, hè thu 2016 gia đình ông canh tác tổng cộng 10 sào lúa, chủ yếu sử dụng các loại giống như Xi 23, Xuyên Hương 178, Thiên ưu 8, ĐV 108. Thế nhưng, từ đầu vụ đến nay nắng hạn liên tục kéo dài khiến hầu hết ruộng lúa sinh trưởng và phát triển rất kém. Ông Hổ nói: “Toàn bộ diện tích lúa này đều phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ đập dâng 3.2 nhưng khổ nỗi lâu nay con đập ấy cứ luôn trong tình trạng khô đáy. Trước tình hình đó, Hợp tác xã Duy Sơn 2 đã khẩn trương đầu tư kinh phí khoan giếng và lắp đặt đường ống dẫn nước để đối phó với nắng hạn. Thấy vậy, người dân trong vùng ai cũng phấn khởi nhưng được vài hôm thì giếng bơm không hoạt động nữa vì mạch nước ngầm cạn kiệt”. Không riêng gì ông Hổ, hiện nay rất nhiều xã viên khác của Hợp tác xã Duy Sơn 2 cũng hết sức lo lắng vì hàng loạt ruộng lúa đã bước vào thời kỳ làm đòng - trổ bông đang bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Sợ mùa màng mất trắng, những ngày qua một số hộ dân tự bỏ tiền ra thuê người đóng giếng ngay trên ruộng để bơm nước tưới cho các chân đất lúa của mình nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi vì mạch nước ngầm ở đây đã tụt giảm mạnh.

Đề phòng rầy nâu, bệnh khô vằn gây hại diện rộng trên lúa vụ hè thu

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, chiều tối có mưa như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng rầy nâu, bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên diện rộng. Để bảo vệ lúa hè thu, Trạm Bảo vệ thực vật Núi Thành đề nghị các địa phương và bà con nông dân kiểm tra kỹ ruộng lúa ngay trong giai đoạn trước trổ để phát hiện rầy. Khi rầy có mật độ bình quân từ 2 con/dãnh lúa (khoảng 1.000 con/m2) trở lên thì dùng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu phun trừ. Đối với các ổ rầy cần khoanh vùng và phun kỹ để tiêu diệt triệt để. Đối với bệnh khô vằn, khi tỷ lệ bệnh hại trên 10% thì dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Ngoài ra, nông dân cần chú ý theo dõi để phòng trừ kịp thời đối với sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông cổ gié (trên các giống nhiễm), bệnh lem lép thối hạt... trên trà lúa muộn. (VĂN PHIN)

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Du - Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn 2 cho biết, vụ hè thu năm nay xã viên của đơn vị triển khai canh tác gần 280ha lúa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 thôn gồm Kiệu Châu, Trà Châu, Chiêm Sơn, Trà Kiệu Tây. Theo ông Du, từ đầu tháng 8 dương lịch này tại các địa phương vừa nêu đã có ít nhất 160ha lúa thiếu nước tưới trầm trọng, trong đó khoảng 25% diện tích đang đối diện với nguy cơ mất trắng. Trước tình hình nguy cấp đó, Hợp tác xã Duy Sơn 2 quyết định chi hơn 80 triệu đồng khẩn trương thiết lập 2 máy bơm dầu dã chiến và 16 trạm bơm điện loại nhỏ tại nhiều khu vực để tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải cứu các ruộng lúa bị khô hạn nặng. Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành kéo hệ thống điện ra một số cánh đồng, khoan nhiều giếng bơm và lắp đặt hàng trăm mét đường ống dẫn nước phục vụ công tác chống hạn. Thời gian qua, mặc dù Hợp tác xã Duy Sơn 2 đã nỗ lực triển khai thực hiện rất nhiều khâu nhưng xem ra việc đối phó với nắng hạn vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Hiện nay, toàn bộ các trạm bơm dã chiến và giếng đóng đều trong cảnh hoạt động cầm chừng vì nơi nào ao hồ cũng cạn kiệt, mạch nước ngầm thì thường xuyên thiếu hụt. “Biện pháp khả thi nhất lúc này là mong muốn Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam mở nước từ hồ chứa Phú Lộc để cứu những cánh đồng lúa của Hợp tác xã Duy Sơn 2 đang sống vất vưởng. Còn về phía đơn vị, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương và hồ đập trọng yếu nhằm khơi thông dòng chảy, dẫn nước về đồng một cách nhanh nhất. Đồng thời tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ thủy nông viên cơ sở và yêu cầu lực lượng này điều tiết nước tưới một cách tiết kiệm, hiệu quả theo phương thức ướt khô xen kẽ…”.

Trong khi đó, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho hay, qua khảo sát, đánh giá tình hình khô hạn và việc triển khai các biện pháp ứng phó của Hợp tác xã Duy Sơn 2 thì vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là làm thế nào để hồ chứa Phú Lộc đảm nhận tưới thêm một số diện tích lúa của địa phương này. Ông Năm nói: “Chúng tôi đã lập tức làm tờ trình gửi các ngành liên quan ở tỉnh đề nghị quan tâm cân đối nguồn nước của hồ chứa Phú Lộc để sớm hỗ trợ nước tưới cho những diện tích lúa hè thu đang ngắc ngoải ở Hợp tác xã Duy Sơn 2, tránh để xảy ra tình trạng mất mùa nghiêm trọng”.

HOÀI NHI

HOÀI NHI