Trồng sâm mua nhà cho con ăn học

HOÀNG THỌ 01/08/2016 09:28

Gần đây, người dân trồng sâm ở vùng cao Nam Trà My đã biết tích lũy thành quả lao động để lo cho việc học và tương lai của con em mình, không chạy theo thói quen “chơi trội” của người dân địa phương.

Ông Hồ Văn Bông (40 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Linh) vừa mua lại ngôi nhà xây kiên cố tại trung tâm huyện Nam Trà My với giá 500 triệu đồng. Nhà có diện tích hơn 150m2, khá rộng rãi cùng toàn bộ đồ dùng sinh hoạt của chủ cũ chuyển nhượng lại. Ông Bông mua ngôi nhà này không phải để ổn định cuộc sống cho bản thân mà xuất phát từ việc học hành của con em. Gia đình ông có 4 người con đang trong độ tuổi đi học. Nhận thức được việc học cái chữ là rất quan trọng nên ông cho 3 người con lớn xuống các trường trung tâm huyện để có điều kiện học hành tốt hơn. Tuy nhiên, do xa nhà, các con lại học khác trường nên việc bọn trẻ dạy bảo, chăm sóc nhau hết sức bất cập. Cách đây khoảng một tháng, khi nghe chủ ngôi nhà này có ý định chuyển nhượng, ông Bông từ Trà Linh xuống mua để các con có nơi ăn ở ổn định, yên tâm học hành. Ông cho biết: “Nhiều người nói mua nhà này giá hơi cao nhưng tôi nghĩ không quan trọng. Vấn đề chính là nhà còn sử dụng tốt. Mưa nắng chi cũng không sợ. Như vậy các con mới yên tâm sinh sống, học hành. Dù không học giỏi lắm nhưng các con đều chăm ngoan, lo học nên mình phải lo cho tới nơi, tới chốn”.

Gia đình ông Bông trong ngôi nhà mới mua với giá nửa tỷ đồng.  Ảnh: H.T
Gia đình ông Bông trong ngôi nhà mới mua với giá nửa tỷ đồng. Ảnh: H.T
Đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 8 vườn ươm cây sâm giống
UBND tỉnh vừa có chủ trương đầu tư dự án vườn sản xuất cây giống tại Trạm dược liệu Trà Linh (huyện Nam Trà My). Dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô 8 vườn ươm cây sâm giống (100m2/vườn) và các công trình, trang thiết bị phụ trợ kèm theo. Từ đó, sẽ cung cấp 250 nghìn cây sâm giống thành phẩm/năm. Đến năm 2020, sản xuất cây sâm giống gốc sâm Ngọc Linh đạt 9 triệu cây bảo tồn nguồn gen, quản lý nguồn giống đảm bảo yêu cầu cung cấp giống sâm có chất lượng phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư cho dự án là 3 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.(B.NGUYÊN)

Công việc chính của vợ chồng ông Bông là hằng ngày trồng và chăm sóc sâm trên núi Ngọc Linh. Hiện nay gia đình ông có trong tay gần 10 nghìn gốc sâm từ 5 đến 10 tuổi. Để có tiền mua ngôi nhà này, gia đình ông Bông đã bán 6 nghìn cây sâm giống loại 1 năm tuổi cùng 5kg củ sâm loại 6 năm tuổi. Ông khẳng định mặc dù sâm rất có giá trị nhưng nếu ta chỉ biết dừng lại ở chuyện làm giàu là chưa đủ mà thay vào đó là dành tiền để chăm lo việc học hành để con em có tương lai tốt hơn. Và việc bỏ nửa tỷ đồng ra mua nhà ở huyện để các con có điều kiện học tập cũng vì lý do đó. “Hai vợ chồng tôi quanh năm suốt tháng ở trong núi, trong rừng giữ sâm. Mình đâu có lo được nhiều cho các con đâu. Nhưng khi có nhà rồi, anh em tụi nó đùm bọc, dạy bảo nhau thì mình mới yên tâm trồng sâm được. Cuối tuần thì hai vợ chồng chạy xe máy xuống huyện để kiểm tra tình hình ăn ở, học tập của các con nên cũng không mấy bất cập. Sau này các con xuống học dưới Tam Kỳ thì mình cũng sẽ mua nhà hoặc mua đất làm nhà để tụi nó học hành thuận tiện nhất”.

Hiện tại củ sâm Ngọc Linh loại 10 năm tuổi có giá bán hơn 70 triệu đồng/kg. Như vậy với số lượng gần 10 nghìn cây đang có trong tay trị giá gần 100 tỷ đồng thì việc mua nhà dưới phố cho con ăn học đối với gia đình ông Bông là chuyện trong tầm tay. Trưởng thôn 2, xã Trà Linh - Hồ Văn Do cho biết, việc người dân biết lấy hiệu quả kinh tế từ cây sâm để chăm lo cho tương lai con cái như ông Bông là rất đáng quý và cần nhân rộng. Đáng tiếc là ở thôn 2 hiện cũng có khá nhiều hộ rất giàu từ cây sâm nhưng con em họ lại nghỉ học giữa chừng. “Tấm gương biết lo cho con cái như vợ chồng anh Bông luôn được chúng tôi nhắc nhở bà con trong thôn học tập. Cây sâm đem lại cuộc sống ấm no là chưa đủ mà phải lấy đó làm tiền đề để gây dựng những thế hệ con cháu có tri thức để sau này về phục vụ quê hương”.

Ở Trà Linh, ngoài ông Bông thì hiện cũng có nhiều hộ đã mua ô tô, xây nhà kiên cố dưới huyện hoặc mua đất để chuẩn bị làm nhà. Tất cả đó là nhờ cây sâm Ngọc Linh quý hiếm cộng với tinh thần lao động cần cù, quyết tâm làm giàu của đồng bào Xê Đăng nơi đây.

    HOÀNG THỌ

HOÀNG THỌ