Khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống: Tạo cú hích từ khâu nào?
Sản phẩm có chất lượng cao nhưng giá bán thấp là trở lực lớn khiến các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Duy Xuyên bị mai một dần. Để khôi phục và phát triển các làng nghề, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực tìm hướng đi phù hợp...
Một thời vang bóng
Chỉ tay về phía mấy khung cửi gỗ chất trên giàn bếp, ông Đoàn Bốn ở thôn Đông Yên (xã Duy Trinh) cho biết, trước đây vùng đất này từng là “chiếc nôi” của nghề trồng dâu nuôi tằm. Vào thời hưng thịnh, diện tích trồng dâu của địa phương lên đến 160ha với gần 200 hộ dân tham gia dệt vải. Trải qua thời gian, cái nghề truyền thống ấy cứ mai một dần. Các loại hoa màu chủ lực như ớt, thuốc lá, dưa hấu, đậu phụng… ngày càng thu hẹp những biền dâu xanh ngắt, rộng mênh mông nằm dọc bờ sông Thu Bồn. Ông Bốn chua xót: “Bây giờ, người ta dệt vải, dệt lụa toàn bằng công nghệ máy móc hiện đại nên nghề trồng dâu nuôi tằm không còn chỗ đứng. Mặt khác, sản phẩm người dân trong làng làm ra rất khó tiêu thụ, lại còn rớt giá thê thảm. Vì thế, nếu cứ bám với nghề thì làm sao có tiền trang trải cuộc sống gia đình”. Tại xã Duy Vinh - nơi có nghề chiếu cói Bàn Thạch vang bóng một thời, bây giờ cũng chỉ còn 630 hộ dân tham gia dệt chiếu, giảm 300 hộ so với thời điểm năm 2011 trở về trước. Cùng với đó, diện tích đất trồng cói nguyên liệu từ 200 - 250ha cũng giảm xuống còn 50 - 60ha. Theo tìm hiểu, nhiều hộ dân đã chuyển sang các ngành nghề khác như đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp và kinh doanh, buôn bán tại TP. Hội An.
Người dân làng nghề chiếu cói Bàn Thạch dệt chiếu bằng máy móc hiện đại. Ảnh: HOÀI NHI |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện đã bị mai một. Theo thống kê mới nhất, tính đến đầu tháng 7.2016 này, địa phương có tổng cộng 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm làng nghề dệt vải, tơ lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước), làng nghề dệt vải Phú Bông - Thi Lai (xã Duy Trinh), làng nghề dệt chiếu cói Bàn Thạch (xã Duy Vinh), làng nghề dệt chiếu An Phước (xã Duy Phước), làng nghề chế biến hải sản An Lương (xã Duy Hải), làng nghề chổi đót (xã Duy Trinh). “Hiện nay, tại các làng nghề của những địa phương nêu trên có khoảng 1.400 hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất, giảm không dưới 50% so với cách đây 5 năm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là nguồn thu nhập quá thấp, đầu ra của sản phẩm hết sức bấp bênh” - ông Giang chia sẻ.
Nỗ lực tìm “múi gỡ”
Để khôi phục và phát triển những làng nghề truyền thống, thời gian qua người dân ở huyện Duy Xuyên vẫn tự tìm cho mình hướng đi là chính. Ông Đỗ Văn Phú ở thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh cho biết, vợ chồng ông đã mạnh dạn đầu tư 8 máy dệt hiện đại, xây dựng lò hấp, sấy và mua nguyên liệu từ các nơi khác về dự trữ để phục vụ cho việc sản xuất chiếu cói với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Hằng tháng, cơ sở của ông Phú dệt được khoảng 1.200 chiếc chiếu đủ kích cỡ, màu sắc, hoa văn cung ứng ra thị trường. Ông Phú chia sẻ: “Thấy dệt chiếu cói bằng phương thức thủ công năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp nên cách đây vài năm tôi quyết định mở cơ sở dệt chiếu bằng trang thiết bị máy móc hiện đại này. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí tôi thu về lãi ròng ít nhất 12 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của tôi còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động nông nhàn ở địa phương với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng”. Được biết, hiện nay xã Duy Vinh có 3 hộ dân dệt chiếu bằng máy gồm 22 khung, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhiều người dân ở làng nghề chổi đót thuộc thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) cũng tự tìm kiếm nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở sản xuất chổi đót của ông Phạm Văn Sơn thuê thêm 5 nhân công vẫn không cung ứng đủ sản phẩm ra thị trường. Ông Sơn cho biết, cơ sở của ông tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 2,8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cơ sở của ông sản xuất 9 - 10 nghìn cây chổi các loại, sau khi trừ chi phí, lãi ròng không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT Duy Xuyên, việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống là yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm giải quyết bài toán về việc làm để nâng cao nguồn thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới một cách bền vững và gìn giữ nét văn hóa của làng quê. Ông Trần Châu Giang cho hay, những năm qua các ngành liên quan ở huyện thường xuyên mở những lớp đào tạo nghề, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tham gia hội chợ thương mại, xúc tiến giới thiệu sản phẩm nhưng nhìn chung vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Theo ông Giang, thời gian tới địa phương quy hoạch phát triển các làng nghề theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp - nông thôn. Tiếp tục rà soát, chỉnh trang, thi công bài bản hệ thống đường dân sinh gắn với phát triển du lịch làng nghề bằng việc lấy Khu Di tích Mỹ Sơn làm trung tâm kết nối du khách đến tham quan, mua sắm. Đồng thời chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch làng nghề và tích cực phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc xúc tiến thương mại, phát triển những cửa hàng bán đồ lưu niệm ở các làng nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với một số sản phẩm có uy tín trên thị trường.
HOÀI NHI