Đưa nước về ruộng đồng
Trước tình trạng nắng hạn kéo dài trong vụ sản xuất hè thu, chính quyền xã Bình Đào (Thăng Bình) cùng các đơn vị liên quan đã tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng.
Gia đình bà Trần Thị Hiền ở tổ 10 (thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) có 2 sào đất lúa trên cánh đồng Tràm. Tuy nhiên, do vùng này nước tưới không chủ động nên lâu nay mỗi năm bà Hiền chỉ canh tác được vụ lúa đông xuân, còn hè thu thì đành bỏ ruộng hoang hoặc trồng cây khoai lang theo kiểu được chăng hay chớ. Theo lời bà Hiền, để giúp nông dân địa phương có nguồn nước phục vụ sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào đã đầu tư 75 triệu đồng thi công 5 cụm giếng khoan với mục đích hút mạch nước ngầm đưa lên các tuyến kênh chính rồi cho chảy về những cánh đồng. Nhìn mấy chục bó đậu phụng trĩu trái, bà Hiền không giấu được niềm vui: “Đầu vụ hè thu 2016, có nước tưới từ các cụm giếng khoan nên tôi khẩn trương cày phơi ải và triển khai xuống giống đậu phụng trên 2 sào đất lúa này. Suốt 3 tháng qua, nhờ nguồn nước trên cánh đồng Tràm dồi dào, những loại sâu bệnh nguy hiểm ít xuất hiện nên ruộng đậu sinh trưởng rất tốt và tỷ lệ đậu quả chắc khá cao. Bây giờ tiến hành nhổ dây, tôi ước tính sau khi lặt trái và phơi phóng xong thì sẽ thu về 250kg đậu phụng khô. Với sản lượng vừa nêu, nếu bán đậu với giá 1kg là 30 nghìn đồng như mức thu mua trên thị trường hiện nay, sẽ kiếm được 7,5 triệu đồng”.
Tại xã Bình Đào, hàng loạt cụm giếng khoan phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được thi công. |
Cách ruộng đậu phụng của bà Hiền không xa, lão nông Nguyễn Quảng đang bưng mủng phân urê nặng trịch lội quanh ruộng để bón thúc cho mấy đám lúa xanh mướt đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Ông Quảng hồ hởi: “Những năm trước, hè thu nào 3 sào lúa của tôi cũng sống vất vưởng, còi cọc vì thường xuyên bị khô hạn nặng. Do đó, năng suất bình quân mỗi sào chỉ đạt chừng 180 - 200kg khô, thậm chí nhiều vụ phải chịu cảnh mất trắng hoàn toàn. Còn mùa này, nhờ có nguồn nước từ các cụm giếng khoan tải ra đồng nên cây lúa phát triển mạnh. Hy vọng, hè thu 2016 sẽ gặt được ít nhất 300kg lúa khô/sào”.
Nhờ chủ động nước tưới nên vụ hè thu này nông dân thôn Vân Tiên rất phấn khởi vì đậu phụng được mùa.Ảnh: VĂN SỰ |
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Võ Tấn Sanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào cho biết, trên địa bàn 4 thôn của xã gồm Trà Đóa 1, Trà Đóa 2, Phước Long, Vân Tiên có tổng cộng 390ha đất sản xuất lúa và hoa màu. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ vụ hè thu là 130ha đất lúa và 50ha đất màu ở 2 thôn Phước Long, Vân Tiên bị khô hạn khốc liệt nên không dưới 70% diện tích phải bỏ ruộng hoang. Theo ông Sanh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm hàng loạt ao hồ cạn kiệt nước, trong khi đó do hệ thống kênh mương chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ nên không nhận được nguồn nước từ kênh chính Bắc Phú Ninh. Ông Sanh nói: “Những năm gần đây từ nguồn kinh phí do cấp trên hỗ trợ, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào cùng một số đơn vị liên quan ở địa phương đã đầu tư 630 triệu đồng khoan 42 cụm giếng đóng rồi lắp đặt mô tơ, đường ống dẫn và kéo điện ra nhiều khu vực để bơm nước ngầm đưa về các cánh đồng qua những tuyến kênh. Có thể khẳng định, nếu không tập trung mọi nỗ lực cho việc thực hiện khâu trọng yếu này thì mỗi vụ hè thu nông dân thôn Phước Long và Vân Tiên của xã Bình Đào sẽ bị thất thu khoảng 14 tỷ đồng vì 180ha đất lúa, hoa màu ở 2 thôn ấy không gieo trồng được hoặc sản xuất mang lại hiệu quả thấp do không có nước tưới”.
NGUYỄN SỰ