Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Bàn: Thực hiện nhiều giải pháp
Để đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Điện Bàn chuyển động đúng hướng, chính quyền thị xã đã đặt ra nhiều giải pháp cần phải thực thi.
Cán bộ các thôn trên địa bàn thị xã tham quan một cánh đồng mẫu lớn tại xã Điện Phước.Ảnh: C.T |
Xuất phát thực tế
Sản xuất nông nghiệp ở Điện Bàn những năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giúp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2015. Đó là nhờ địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, do tác động của yếu tố khách quan và chủ quan, sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ sự thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành bình quân 5 năm (2010 - 2015) chỉ đạt 3,01%. Quy mô sản xuất hộ chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu quảng canh; chi phí sản xuất cao mà giá bán nông sản chưa tương xứng. Vùng khai thác ven bờ chiếm tỷ lệ lớn, nhưng nuôi thủy sản mặn - lợ hiệu quả chưa như mong muốn.
Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là hệ thống kênh tiêu. Nhiều hợp tác xã (HTX) lúng túng trong khâu tổ chức, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh; trong đó không ít “bà đỡ” hoạt động hình thức. Chưa kể, thu nhập của người dân từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác. Phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng sử dụng vô tội vạ đã tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm...
Xuất phát từ thực tế trên, chính quyền Điện Bàn xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tìm ra những sản phẩm cây trồng, con vật nuôi có giá trị hàng hóa mang tính đặc trưng và có khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống. Mục tiêu trọng tâm là phải duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng gắn với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3 - 3,5%/năm (so với năm 2010). Đến năm 2020, thu nhập hộ nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2015; giá trị thu nhập/ha canh tác trồng trọt và thủy sản 100 triệu đồng. Được biết, kinh phí phục vụ đề án cho giai đoạn 2016 - 2020 là 94,22 tỷ đồng, trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp 75,18 tỷ đồng và sự nghiệp hỗ trợ là 19,04 tỷ đồng. Về định hướng, vùng nông nghiệp ngoại thị được xác định bao gồm các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Minh, Điện Phương, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam có tổng diện tích tự nhiên 14.130,54ha (đất sản xuất nông nghiệp 6.828,81ha); vùng nông nghiệp nội thị gồm các phường Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện An và Vĩnh Điện có tổng diện tích tự nhiên 7.340,46ha (đất sản xuất nông nghiệp 2.649,91ha).
Thực thi nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, để đề án được hiện thực hóa, thị xã đặt ra nhiều giải pháp cần thiết phải triển khai thời gian đến. Theo đó, công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh nhằm quán triệt nội dung đề án với mong muốn tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cộng đồng dân cư. Từ đó, thay đổi nhận thức, sản xuất theo hướng hàng hóa; liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư, đảm bảo tính bền vững, gắn với xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng quy hoạch đã phê duyệt; rà soát, điều chỉnh và tăng cường công tác quản lý phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành gắn xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên vùng phát triển chăn nuôi tập trung, vùng trồng cỏ chăn nuôi bò, vùng chuyên canh lúa, bắp, đậu phụng, ớt… Thị xã sẽ tiếp tục chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất bằng việc chỉ đạo dồn điền đổi thửa, phấn đấu bình quân 2 - 3 thửa/hộ. Đồng thời khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất thì cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa. Có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn; gắn với đào tạo nghề, chuyển đổi và giải quyết việc làm, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang hoạt động khác.
Thị xã cũng sẽ từng bước hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xem việc thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, xử lý rác thải, giết mổ… là rất cần thiết. Cạnh đó, các xã có điều kiện tương đồng thì phải đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm có cùng lợi thế; tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng; xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh. Củng cố, thành lập mới các HTX, nhất là các loại hình HTX sản xuất, dịch vụ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực sự là “đầu tàu”, “bà đỡ” cho nông dân, là cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Quan tâm đào tạo, bố trí nguồn nhân lực; nâng cao năng lực hoạt động hệ thống bảo vệ thực vật, khuyến nông, thú y, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.
Thị xã sẽ mở rộng đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề cho lao động ở các địa phương. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như gạo Phong Thử, dầu phụng đất Quảng, bê thui Cầu Mống, bánh tráng Phú Triêm. Lồng ghép, khuyến khích huy động các nguồn lực đầu tư xã hội xây dựng NTM, coi trọng các nguồn lực tại chỗ. Thị ủy Điện Bàn cũng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện hiệu quả đề án được coi là có tác động quyết định đến hướng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn thị xã ở giai đoạn mới này.
CÔNG TÚ