Khấm khá nhờ trồng cỏ Nhật

TRIÊU NHAN 04/07/2016 09:15

Trồng cỏ ngoại để có thu nhập là nghề được cư dân phường Cẩm An (Hội An) biết tới hàng chục năm nay. Và nghề không phụ người khi nhiều gia đình ở xứ này đã dần trở nên khấm khá.

Theo tìm hiểu, giống cỏ mà hàng chục hộ tại phường Cẩm An hiện trồng là giống cỏ nhung Nhật. Ông Nguyễn Thế Dũng là người đầu tiên có công đưa giống cỏ này vào trồng nhân rộng tại Cẩm An. Cách đây cả chục năm về trước, sự xuất hiện ồ ạt của nhiều khách sạn, resort, biệt thự… ở Hội An đã tạo việc làm cho người dân phố Hội, đặc biệt là nhu cầu về giống cỏ Nhật để trang trí sân vườn, sân golf. Ông Dũng cùng một số người dân được một resort thuê nhân giống cỏ Nhật, khi ấy giống này còn ít được biết tới, được chủ resort vận chuyển về bằng máy bay. Sau 3 tháng trồng thử nghiệm thành công, thay vì nhận thù lao, ông Dũng đã đề nghị xin nhận lại 10% số cỏ này làm giống trồng nhân rộng trong đất vườn. Ông Dũng cho biết: “Loại hình thổ nhưỡng với đất cát pha là rất thuận lợi để trồng cỏ Nhật. Sau khi làm đất mịn, lên luống, xẻ rãnh, hàng cách hàng 15cm và rải phân chuồng hoặc phân vi sinh để tạo dinh dưỡng cho cỏ. Khâu làm cỏ, tưới nước đều đặn là hết sức quan trọng để cỏ xanh tốt, màu sắc đẹp. Ngày nắng tưới 2 lần, ngày nhiệt độ xuống thấp thì chỉ cần tưới 1 lần. Ban đầu, giống vô cùng khan hiếm, gia đình ông Dũng bán giống với giá 150.000 đồng/m2, về sau giảm dần còn 100.000 đồng/m2, rồi 40 - 50.000 đồng/m2.

Nhiều hộ dân ở Cẩm An (Hội An) cải thiện thu nhập gia đình từ việc trồng và bán cỏ Nhật. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nhiều hộ dân ở Cẩm An (Hội An) cải thiện thu nhập gia đình từ việc trồng và bán cỏ Nhật. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Giữa cái nắng oi ả của ngày hè, ông Nguyễn Tri (60 tuổi, khối An Tân, Cẩm An) vẫn cần mẫn bên ruộng cỏ đang bén đất xanh um. Ông Tri cho hay, ngày trước ông đi biển và thu nhập từ nghề biển rất bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng cỏ, cuộc sống gia đình ông được cải thiện rõ rệt và công việc trồng cỏ cũng nhàn nhã, đỡ nặng nhọc hơn trước. Ông Tri đã trồng giống cỏ này khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện, mỗi mét vuông cỏ ông bán giá 40.000 đồng. Với 3 sào đất màu được chuyển sang trồng cỏ, mỗi năm, ông thu về khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cây màu. “Sau làm đất, đặt giống cỏ, khoảng 5 ngày là cây bén rễ, lúc này cho phân, làm cỏ dại, tưới nước thường xuyên sẽ nhanh có cỏ để bán. Tùy theo yêu cầu của bên đặt hàng, có thể cắt xén với kích thước 16 miếng/1 thước đất hay 11 miếng/thước đất. Cứ sau mỗi lứa thu hoạch, cần chăm lại đất, bón phân để trồng lứa khác” - ông Tri cho hay.

Thường, thời điểm cuối năm là dịp các resort, nhà hàng, cà phê sân vườn, công viên... triển khai sửa sang, cải tạo cảnh quan nên nhu cầu về cỏ rất lớn, có thời điểm nhiều vườn không có cỏ để bán. Khách hàng không chỉ ở Hội An, mà còn ở Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh. Nhiều khách quen chỉ cần gọi điện đặt hàng. Ông Nguyễn Huệ (khối Tân Thịnh, Cẩm An) chia sẻ, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng, nhờ đó kinh tế có phần cải thiện so với trước.

Từ một vùng đất cát nghèo nắng cháy, phường Cẩm An dần khoác lên mình diện mạo mới. Dọc hai bên đường từ phường Cẩm An kéo dài đến biển An Bàng, Cửa Đại, nhiều resort, nhà hàng, khách sạn với những vườn cỏ Nhật xanh biếc. Không chỉ người trồng cỏ có thu nhập, nhiều người dân khu vực này còn có việc làm từ nghề trồng và chăm sóc cỏ trong các khu vườn, các bồn trồng hoa, cỏ ven đường. Tuy nhiên, từ vùng rộng lớn chuyên cung ứng giống cỏ trang trí với hàng trăm hộ cải tạo đất hoa màu, đất vườn để trồng, hiện Cẩm An chỉ còn chừng 10 hộ còn duy trì nghề bởi đất sản xuất dần bị thu hẹp. Dẫu tiếc nuối, nhiều gia đình phải chia tay với nghề bởi không có đất. Trong số chục gia đình còn duy trì, hộ có diện tích nhiều từ 3 - 5 sào, như hộ ông Nguyễn Tri (3 sào), ông Tống Lắm (5 sào); hộ ít chỉ trồng khoảng vài chục mét vuông vườn nhà. Trước nhu cầu phát triển của các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi - giải trí, quảng trường, công sở, đường sá… nhu cầu về giống cỏ trang trí này vẫn rất lớn trên thị trường.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN