Sâu đo gây hại cây sưa

MINH THỰC – MAI NHI 01/07/2016 08:21

Những ngày gần đây, sâu đo xuất hiện và gây hại rất nhiều cây sưa ở 2 xã Bình Quế, Bình Phú của huyện Thăng Bình khiến nông dân lo lắng. Bởi, sưa là loại cây được trồng để làm choái cho cây tiêu leo.

Ông Nguyễn Chức ở thôn Bình Quang (xã Bình Quế, huyện Thăng Bình) cho biết, cách đây khoảng một tuần ông thấy sâu đo xuất hiện trên hơn 30 cây sưa đã 5 năm tuổi của gia đình mình. Chỉ 2 ngày sau khi phát hiện thì vườn sưa của ông Chức đã bị sâu đo cắn trụi toàn bộ phần lá. Ông Chức than phiền: “Khi cắn phá lá cây sưa xong, loài sâu này lần lượt rơi xuống đất rồi bò vào nhà với số lượng rất nhiều khiến việc sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn. Suốt mấy hôm nay đêm nào tôi cũng phải thức giấc giữa chừng để dùng chổi quét sâu ra vì chúng bò khắp nhà”.

Cách nhà ông Chức không xa, vườn sưa của ông Nguyễn Kiềng cũng trơ trụi lá chỉ sau 4 ngày loài sâu đo xuất hiện. Ông Kiềng cho biết, gia đình ông trồng 400 gốc sưa trên diện tích gần 2ha đất vườn với mục đích chính là để làm choái cho cây tiêu leo. “Hiện nay, vườn tiêu của tôi đã được 3 năm tuổi, chỉ một thời gian ngắn nữa là sẽ tiến hành thu hoạch lứa đầu. Những ngày qua, sâu đo bùng phát với số lượng khá nhiều khiến cây sưa bị trụi lá, không còn khả năng che bóng mát và giữ ẩm cho cây tiêu trong thời điểm nắng nóng kéo dài. Điều tôi lo lắng nhất là thời gian tới loài sâu ấy có gây ảnh hưởng đến vườn tiêu sắp thu hạt của mình không” - ông Kiềng nói.

Ngoài việc sâu đo bò vào nhà làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường nhật thì vấn đề khiến người dân xã Bình Quế và Bình Phú lo ngại là sau đợt gây hại này, khi vườn sưa ra lá non trở lại, nếu loại sâu đó tiếp tục tấn công thì sẽ dễ làm cho cây sưa bị chết. Bà Phạm Thị Ân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết, nhận được tin báo của người dân, chính quyền địa phương khẩn trương làm việc với Trạm Trồng trọt & bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình để sớm đưa ra các biện pháp xử lý nhằm nhanh chóng ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, theo bà Ân, cây sưa chủ yếu được nông dân nơi đây trồng gần nhà nên việc phun thuốc để diệt trừ sâu đo sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, hiện giờ các đơn vị liên quan ở địa phương chưa dám cho người dân thực hiện khâu phun trừ bằng những loại thuốc đặc hiệu...

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều 29.6, ông Võ Duy Anh – Trưởng trạm Trồng trọt & bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình cho biết, ngoài cây sưa, những năm qua sâu đo cũng thường xuyên cắn phá lá cây quế và cây keo tai tượng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ở các xã Bình Quế và Bình Phú, sâu đo đang gây hại cục bộ một số khu vườn trồng cây sưa trắng để làm choái cho cây tiêu leo. Mật độ sâu đo xuất hiện rất cao và có khả năng tiếp tục gây hại trong thời gian đến. Ông Anh nói: “Chúng tôi đã hướng dẫn đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và người dân ở 2 địa phương trên những biện pháp diệt trừ sâu đo. Theo đó, khi phát hiện sâu đo cắn phá cây sưa, nông dân nên dùng các loại thuốc đặc hiệu như Vibamec, Reasgant, Dylan… để phun trừ. Tuy nhiên, khi phun thuốc cần phải sử dụng đồ bảo hộ lao động và chú ý hướng gió, nhất là trên những cây có tầm cao. Việc phun thuốc có thể sử dụng bình bơm tay có gắn ắc-quy, cải tiến hệ thống dây phun và cần phun để đạt hiệu quả cao”.

Theo cơ quan chuyên môn, ngoài việc phun thuốc đặc hiệu, người dân cũng cần xới xáo vùng đất quanh gốc cây sưa khoảng 3 - 5cm để tiêu diệt nhộng nhưng tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến vùng rễ của cây tiêu. Bên cạnh đó, nên sử dụng bẫy đèn để thu hút và tiêu diệt con sâu trưởng thành. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, về lâu dài, khi thiết kế vườn tiêu bằng cây choái sống, nông dân cần trồng xen kẽ các loại cây choái trong một khu vườn như cây lồng mức, muồng, bút, keo đậu… chứ không nên trồng mỗi cây sưa.

MINH THỰC – MAI NHI

MINH THỰC – MAI NHI