Nông dân Tam Kỳ ứng phó với biến đổi khí hậu: Linh hoạt chuyển đổi cây trồng
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với tình hình nắng hạn và nhiễm phèn, mặn do biến đổi khí hậu gây ra, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng TP.Tam Kỳ, nông dân ở một số nơi trên địa bàn đã dựa vào kinh nghiệm sản xuất của mình để trồng các loại cây phù hợp.
Ước tính mỗi năm, Tam Kỳ có hơn 2.500ha đất sản xuất bị thiếu nước và hơn 200ha không sản xuất được vì bị nhiễm mặn. Ngoài các giải pháp công trình để ngăn mặn và cung cấp nước ngọt cho bà con nông dân sản xuất, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu với nhiều giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tập trung hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp với những giống cây trồng cạn chống chịu được thời tiết cực đoan. Đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Tam Kỳ với các loại sản phẩm sạch, an toàn”.
Đưa giống mới vào sản xuất
Những năm gần đây, các đợt hạn hán, nắng nóng kéo dài liên tiếp xảy ra tại TP.Tam Kỳ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng, khiến cho nhiều diện tích lúa không thể sản xuất được và bị bỏ hoang hàng trăm héc ta. Cánh đồng Cải Tạo thuộc thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú) với hơn 80ha hầu như năm nào cũng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn trong cả vụ hè thu và đông xuân. Tỷ lệ mặn có năm lên đến 6 phần nghìn. Vì vậy, nông dân ở đây luôn chật vật với việc trồng lúa truyền thống. Ban kinh tế xã cũng đã đưa vào sản xuất các giống lúa chịu phèn, mặn như Khang dân 18, HT1, TH3-3, PC6… Nhưng trên thực tế, các giống lúa này cho năng suất không cao. Bắt đầu từ năm 2011, Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ đã đưa vào trồng thử nghiệm 2 giống lúa mới là 24SS và SH2. Kết quả cho thấy, hai giống lúa này không những chống chịu tốt với đất ruộng bị nhiễm phèn, mặn mà còn cho năng suất khá cao. Qua nhiều vụ mùa thử nghiệm vẫn chứng minh được tính năng vượt trội, 2 giống lúa trên là lựa chọn ưu tiên của nông dân Tam Kỳ trước tình hình nhiễm mặn có chiều hướng gia tăng như hiện nay. Ông Trần Anh Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ cho biết: “Đây là hai giống lúa chất lượng cao, sinh trưởng trong thời gian trung và ngắn ngày, cho năng suất 60 - 70 tạ/ha tùy theo mùa vụ, chân đất. Do vậy, có thể nhân rộng tại những khu vực đất lúa bị nhiễm mặn trên địa bàn”.
Giống đậu phụng LDH01 trồng trên đất gò đồi tại thôn Bình Hòa (xã Tam Ngọc) cho năng suất cao. |
Hạn hán kéo dài không chỉ làm tăng tỷ lệ xâm nhập mặn mà còn dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng đất gò đồi hay chân ruộng thiếu nước ngọt. Tại những vùng này, nhiều năm nay, người dân trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Vụ đông xuân 2014 - 2015, Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ đã đưa vào trồng thử nghiệm giống đậu phụng LDH01 trên 1ha đất gò đồi tại thôn Bình Hòa (xã Tam Ngọc) và 4ha chân đất ruộng thiếu nước tại khối phố Hương Sơn (phường Hòa Hương). Qua gần 100 ngày sản xuất và chăm bón, bà con nông dân rất phấn khởi vì giống đậu phụng này thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương, đồng thời chống chịu được nắng hạn, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt khá cao, hơn 140kg/sào. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - người dân khối phố Hương Sơn cho biết: “Thấy giống đậu phụng LDH01 đem lại hiệu quả kinh tế nên tôi và nhiều nông dân nơi đây đã giữ lại giống để tiếp tục trồng cho những vụ mùa tiếp theo”.
Nông dân chủ động chuyển đổi
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp cần thiết để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng TP.Tam Kỳ, người dân ở một số nơi trên địa bàn đã vận dụng những kinh nghiệm sản xuất của mình để tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cánh đồng Bàu thuộc thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú) trước đây người dân trồng lúa trong hai vụ đông xuân và hè thu, nhưng do không chủ động được nước tưới nên năng suất luôn bấp bênh. Trên kinh nghiệm thực tiễn, bà con nông dân đã quyết định chuyển sang trồng cây sắn trong vụ hè thu. Ông Nguyễn Đình Khâm - người dân thôn Ngọc Mỹ cho biết: “Trồng cây sắn ít tốn công, vốn đầu tư thấp, lại phù hợp với chân đất nơi đây và chịu được nắng hạn tốt nên đem hiệu quả kinh tế khá cao. Bình quân mỗi sào chúng tôi thu lãi được hơn 3 triệu đồng”.
Không chỉ chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như các địa phương khác, nông nghiệp phường An Phú còn bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, làm cho diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương này còn cần phải phù hợp với hình thức sản xuất nông nghiệp đô thị, làm ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mang giá trị kinh tế cao. Tại những khu vực bị hạn hán và thiếu nước ngọt, người dân đã chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây trồng cạn ngắn ngày như: dưa leo, dưa gang, ớt, bí đỏ, nén… dần hình thành nên các vùng chuyên canh nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Còn đối với những chân ruộng có diện tích nhỏ lại nằm sát khu vực sông Bàn Thạch thường xuyên bị nhiễm mặn, nhiều năm nay nông dân đã chuyển sang trồng cây rau muống nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trước đây. Bà Trần Thị Ngọc - người dân khối phố Phú Ân (phường An Phú) cho biết: “Cây rau muống nước chịu phèn, mặn rất tốt nên cho năng suất khá cao. Sản phẩm làm ra hiện nay cũng được tiêu thụ ổn định trên thị trường”.
Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân là chủ thể quan trọng. Vì hơn ai hết, họ nắm rõ những quy luật, kinh nghiệm về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… để chọn ra được những loại cây trồng phù hợp. Dựa trên cơ sở này, UBND phường An Phú thường xuyên tổ chức hội nghị, tọa đàm để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của người dân về việc sản xuất các loại cây trồng mới. Từ đó có giải pháp nhân rộng đối với các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch UBND phường An Phú nói: “Trước đây khi chưa có nước kênh Phú Ninh, đất nông nghiệp của phường bị thiếu nước và nhiễm mặn nghiêm trọng nên người dân cũng đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc trồng các loại cây phù hợp. Do vậy, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, chúng tôi luôn chú trọng và lắng nghe ý kiến của người dân để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả”.
TƯỜNG QUÂN - QUANG SƠN