Tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Bài cuối: Hướng nào để tạo cú hích?
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT và chính quyền một số địa phương để cùng mổ xẻ những nguyên nhân khiến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong 3 năm qua không mang lại kết quả như mong đợi. Đồng thời bàn thảo các giải pháp trọng tâm nhằm tạo bước đột phá trong thời gian đến…
|
Mổ xẻ nguyên nhân
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra chậm và còn ở diện hẹp. Cụ thể, xuất phát điểm nông nghiệp của tỉnh thấp, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ nên thời gian qua gặp không ít khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đây được xem là rào cản lớn đối với vấn đề tái cơ cấu. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, giá cả hợp lý của nước ngoài cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong nước, trong đó có Quảng Nam. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều nông sản và thực phẩm chủ lực của Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà. Còn theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, do Quảng Nam nằm ở vùng địa lý thường xuyên bị thiên tai gây hại và được dự báo là địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.
Phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ |
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, mặc dù khâu tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng những năm gần đây nhận thức về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của nhiều cán bộ và đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở vẫn còn hết sức hạn chế, chưa xác định được thị trường là động lực cho phát triển sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Một số ý kiến khác cho rằng, việc tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách đã ban hành và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả ở nhiều địa phương trong thời gian qua chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, chính sách về đất đai còn hạn chế làm cản trở quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, gây ảnh hưởng lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt, những cơ chế khuyến khích liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị chưa đủ sức hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư. Còn một vấn đề quan trọng nữa, mặc dù các chính sách của trung ương và của tỉnh rất quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn nhưng nguồn lực đầu tư từ ngân sách lại chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng của lĩnh vực này. Cụ thể, những năm qua kinh phí dành cho phát triển sản xuất nông nghiệp và thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu còn quá thấp. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch và quản lý chất lượng nông sản, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Theo nhiều đại biểu tham dự cuộc họp, ngoài những nguyên nhân nêu trên thì đội ngũ cán bộ nông nghiệp ở cơ sở còn thiếu về lực lượng và yếu về trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ…, cũng là trở ngại rất lớn cho việc xây dựng mô hình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành. Mặc khác, số lao động nông nghiệp trong độ tuổi tại nhiều vùng nông thôn ngày càng giảm và tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt thấp, năm 2015 mới chỉ chiếm 39,6%.
Giải pháp
Các phương án cần sát thực tế, thích ứng với biến đổi khí hậu Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vì thế đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt. Thời tiết ngày càng cực đoan nên việc tái cơ cấu cần tính toán cụ thể các phương án, trong đó phát triển sản xuất nhất thiết phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài những giải pháp trọng tâm mà lãnh đạo ngành liên quan, chính quyền một số địa phương đã nêu ra, cần lưu ý đến việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách và làm tốt khâu lồng ghép những chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, từng bước hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Không chỉ vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm cũng phải hết sức quan tâm… |
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tạo cú hích cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, những năm tới phải nỗ lực thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Ông Lê Muộn nói: “Theo tôi, ngay từ bây giờ ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt sâu rộng chủ trương, chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến từng cán bộ, đảng viên, toàn thể nhân dân. Đặc biệt, thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả cao, mang tính bền vững”. Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình, nút thắt cần phải nhanh chóng tháo gỡ là khâu quy hoạch. Bởi, nếu không có một quy hoạch chi tiết và bài bản về phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chắc chắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ hết sức khó khăn. Ông Vũ nói: “Trong thời gian đến cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương. Tuy nhiên, phải xác định thứ tự ưu tiên thực hiện quy hoạch để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng. Cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành và lĩnh vực với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và quy hoạch xây dựng nông thôn mới”.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Lên - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh đề nghị phải đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung và gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn và thường xuyên tập huấn chuyển giao các tiến bộ của khoa học kỹ thuật; tích cực giải quyết công ăn việc làm nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho cư dân nông thôn, tạo tiền đề và nội lực vững chắc để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, thực tế những năm gần đây cho thấy tại một số địa phương thuộc vùng đông Điện Bàn, tình trạng nông dân bỏ bê ruộng đồng và suy giảm thâm canh là rất đáng báo động. Ông Chơi nói: “Trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay tìm đất để đầu tư xây dựng những mô hình sản xuất theo phương thức hàng hóa thì một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở những khu vực gần các khu - cụm công nghiệp lại rất lơ là chuyện đồng áng nhưng họ kiên quyết không trả đất vì muốn giữ lại để chờ đền bù. Trước vấn đề bức xúc ấy, chính quyền thị xã Điện Bàn đã có hướng giải quyết, đó là trong thời gian tới nếu hộ dân nào bỏ ruộng hoang, không sản xuất 2 vụ liên tiếp thì lập biên bản thu hồi”. Xung quanh ý kiến của ông Chơi, nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt khâu dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ ruộng đất có sự liên kết với doanh nghiệp về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tích cực vận động, khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng và điều kiện canh tác thực hiện việc cho thuê hoặc góp cổ phần với doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất để hình thành những vùng sản xuất tập trung...
NGUYỄN VĂN SỰ