Triển vọng mô hình trồng nấm linh chi kiểng
Một nông dân ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) đã trồng thử nghiệm thành công mô hình nấm linh chi kiểng. Sản phẩm độc đáo của ông nhanh chóng được thị trường đón nhận, mang lại lợi nhuận cao, mở ra hy vọng cho người trồng nấm linh chi.
Hướng đi mới
Ông Phan Châu Mỹ (khối phố 9, phường An Mỹ), chủ sở hữu mô hình trồng nấm linh chi kiểng chia sẻ, ông bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm từ năm 2011. Cơ sở của ông trồng cả nấm bào ngư thực phẩm và nấm linh chi dược liệu. Qua hơn 5 năm trồng nấm, ông đúc kết, nghề trồng nấm có thể mang lại lợi nhuận tương đối cho nông dân, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm, khiến họ không thể mở rộng quy mô. Sau nhiều đêm trăn trở, ông chợt nảy ra ý tưởng trồng nấm linh chi làm kiểng hoặc bonsai vì thấy nhiều cây nấm có hình dáng, thế rất đẹp, màu sắc, đường vân như vân gỗ rất bắt mắt. Thế là 100 phôi nấm linh chi kiểng tuyển chọn từ hàng ngàn phôi nấm, được đưa vào trồng thử nghiệm với chế độ chăm sóc đặc biệt. Đặc tính của nấm linh chi mọc hướng ngang, nên người trồng phải thay đổi vị trí túi giá thể (chứa phôi nấm) liên tục theo tạo hình mong muốn. Để có chất lượng nấm tốt nhất, các khâu chăm sóc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình, như: nhiệt độ phải luôn đảm bảo 22 - 30oC, độ ẩm 70 - 90%, phải thường xuyên phun sương, theo dõi, bắt sâu cho nấm…
Mô hình trồng nấm linh chi kiểng của ông Phan Châu Mỹ. |
Gần 4 tháng kể từ ngày cấy giống, túi giá thể chứa thân nấm linh chi đã trổ vân đỏ bắt mắt được cấy vào chậu tiểu cảnh, kết hợp với đá cuội trắng và mầm lá xanh đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt. Trong dịp tết vừa qua, một chậu hoa nấm linh chi như vậy bán với giá 100 - 250 nghìn đồng và được khách hàng rất ưa chuộng. Sau khi trừ các khoản chi phí, 100 phôi nấm cho thu lãi hơn 10 triệu đồng. Ông Mỹ cho biết thêm, vì bước đầu thử nghiệm nên chưa dám trồng nhiều, nhưng kể từ năm sau, ông sẽ đầu tư số lượng khoảng 1.000 phôi, đồng thời tìm tòi những mẫu tiểu cảnh mới như linh chi dáng tùng, linh chi sừng hươu… để làm phong phú thêm.
Một tiểu cảnh linh chi đẹp mắt của ông Phan Châu Mỹ. |
Triển vọng
Ông Đặng Vinh Hùng, một người chơi linh chi kiểng ở Tam Kỳ cho biết, nấm linh chi không chỉ làm kiểng chưng tết mà theo quan niệm về phong thủy nó còn đem lại may mắn, trường thọ cho người sử dụng, chưng kiểng. Ngoài ra, nấm linh chi có khả năng hút tia bức xạ từ màn hình máy tính, tivi giúp con người tránh được tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khi tiếp xúc quá lâu… Việc chăm sóc cây linh chi khá đơn giản. Người chơi chỉ cần tưới nước mà không cần phải bón bất cứ thứ gì cho cây.
Ông Phạm Việt Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Tam Kỳ đánh giá, cùng với giá trị dược liệu thì việc chuyển hướng sang trồng linh chi kiểng đã góp phần làm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây là một hướng đi rất có triển vọng và sắp tới, Hội Nông dân TP.Tam Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên mở rộng diện tích phát triển và đề xuất nhân rộng. |
Còn theo ông Phan Châu Mỹ, nấm linh chi được nuôi cấy hoàn toàn tự nhiên trong hỗn hợp gồm mùn cưa của các loại gỗ mềm, ủ với vôi và bột bắp, cám… Tuyệt đối không phun thuốc nên không có độc tố. Do đó, nếu bảo quản trong môi trường sạch thì sau khi nấm khô, người chơi kiểng có thể hái và cắt thành lát mỏng nấu nước uống. “Theo Đông dược, nấm linh chi có vị đắng, tính hàn, có nhiều công dụng đối với sức khỏe như hỗ trợ điều hòa huyết áp, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, thanh nhiệt giải độc và cải thiện bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, thần kinh suy nhược, chống béo phì, lão hóa...” - ông Mỹ nói.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở của ông Mỹ trồng khoảng 5.000 phôi nấm bào ngư thực phẩm và 2.000 phôi nấm linh chi dược liệu, theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Bình quân lợi nhuận thu được của nấm linh chi cao gấp 1,5 lần so với nấm bào ngư. Nhưng nếu trồng nấm linh chi kiểng thì lợi nhuận sẽ còn tăng gấp 2 lần so với trồng nấm linh chi dược liệu. Ông Mỹ phân tích, đối với nấm bào ngư phải thu hoạch, tiêu thụ tươi và thường gặp khó khăn về đầu ra, còn nấm linh chi có nhiều lợi thế hơn vì có thể sấy khô bảo quản nhiều năm. Nguyên liệu trồng nấm linh chi sau khi thu hoạch có thể tận dụng để làm phân bón trồng nấm khác, tiết kiệm được chi phí. “Về lợi nhuận, 2.000 bịch phôi nấm bào ngư cho lãi khoảng 12 triệu đồng, còn 2.000 bịch phôi nấm linh chi cho lãi đến 20 triệu đồng. Và 2.000 bịch phôi linh chi kiểng có thể cho lãi đến 200 triệu đồng. Mặt khác, nếu tạo dáng linh chi kiểng không như ý, có thể chuyển sang trồng nấm linh chi thương phẩm. Dù có nhiều ưu điểm nhưng quan trọng nhất là người trồng nấm phải kiên trì, am hiểu kỹ thuật và đặc tính của nấm thì mới thành công, những năm qua tôi đã hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho gần chục hộ nông dân ở Tam Kỳ nhưng hiện chỉ có vài hộ còn bám trụ được” - ông Mỹ chia sẻ thêm.
HOÀNG BIN