Bám trụ với cây quế
Những năm qua, giá sản phẩm quế tuy có giảm nhưng các xã vùng cao huyện Nam Trà My vẫn duy trì và nhân rộng thêm nhiều diện tích cây quế. Đây cũng là chủ trương chung của huyện, bởi cây quế cho nguồn thu nhập ổn định đối với người dân.
Bên cạnh các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam… thì quế là loại cây đặc sản, chiếm diện tích khá lớn ở huyện Nam Trà My. Ông Nguyễn Văn Thành (trú thôn 1, xã Trà Leng) đã hơn 20 năm gắn bó với cây quế. Hiện vườn nhà của ông Thành có hàng trăm gốc quế 15 - 20 năm tuổi. Đến mùa thu hoạch, ông chọn những cây đủ tuổi để bán cho thương lái, giá mỗi ký quế loại 1 là 55 nghìn đồng, loại 2 là 45 nghìn đồng, còn lại quế vụn khoảng 35 nghìn đồng. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ cây quế trên 15 triệu đồng. Tuy nhiên, những hộ trồng quế như ông Thành vẫn mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ để giá thu mua nguyên liệu quế bình ổn, giúp người dân yên tâm trồng quế. Ông Thành nói: “Những năm trước đây, cây quế rất giá trị nhưng gần đây giá cả tụt giảm. Tuy nhiên, cây quế vẫn là nền tảng kinh tế chính của nhân dân xã Trà Leng chúng tôi. Cán bộ, các ngành, các cấp tại địa phương vận động người dân không phá bỏ cây quế”.
Nam Trà My vẫn là vùng trồng quế lớn nhất tỉnh. Ảnh: T.B |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, trên địa bàn huyện có hơn 1.500ha quế gốc với số lượng hơn 5 triệu cây, phân bố nhiều nhất tại các xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Tập và Trà Cang. Người dân ở các xã trên nhà nào cũng có quế, có cây hơn 30 năm. Hàng năm mỗi hộ khai thác số 10 - 20 cây chứ không khai thác nhiều. Một cây quế trưởng thành cho trữ lượng hơn 20kg, mang về khoản thu nhập gần 1 triệu đồng. Vì thế, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, trồng mới cây con tại vị trí đã khai thác. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Việt - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: “Dù khó khăn nhưng địa phương luôn vận động bà con không bỏ truyền thống trồng quế. Có thể khẳng định, cây quế đã góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Leng. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp ở địa phương bởi thế hệ đi trước trồng và để lại vườn quế cho đời con cháu”.
Trong năm 2016, huyện Nam Trà My tiếp tục gieo ươm hơn 260.000 cây quế giống để cung ứng cho nhân dân đưa vào trồng mới. Cạnh đó, các hộ dân cũng tự thu hoạch hạt quế giống gieo được hơn 15.000 cây. Huyện Nam Trà My đã quy hoạch khoảng 6.000ha đất lâm nghiệp để đưa vào trồng quế với mục tiêu trở thành địa bàn trồng quế lớn nhất trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến năm 2020. Cho dù giá cả hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, tuy nhiên với hướng đi bền vững thì cây quế Trà My vẫn là cây kinh tế chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào nơi đây. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Hiện nay chúng tôi có liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp mà đó là những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Các doanh nghiệp này cùng phối hợp với huyện bảo hộ sản phẩm quế của Nam Trà My. Tin tưởng rằng, trong thời gian không xa, khi Nhà nước cho cơ chế Nam Trà My là một vùng dược liệu của quốc gia thì sản phẩm quế này cũng được bảo hộ mạnh mẽ hơn nữa. Qua đó, giúp đảm bảo cho bà con về giá cả và đầu ra ổn định hơn”.
THÁI BÌNH