Hiệu quả từ gói kỹ thuật IPM
Vụ đông xuân 2015 - 2016, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên phối hợp với chính quyền xã Duy Thành tổ chức thực hiện mô hình IPM quy mô thôn áp dụng trên cây lúa. Thực tế cho thấy, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm gạo chất lượng.
Nhiều cái lợi
Ông Võ Tấn Lựu ở thôn Vân Quật (xã Duy Thành, Duy Xuyên) cho biết, vụ đông xuân này gia đình ông canh tác tổng cộng 5 sào lúa. Nếu thời điểm năm 2014 trở về trước, bình quân mỗi sào ông sử dụng hơn 6kg giống để gieo sạ thì nay giảm còn 4kg. Trước đây, đa số bà con nông dân trong vùng thường xuyên sạ với mật độ rất dày và bón phân không cân đối khiến ruộng thừa nhiều đạm, cây lúa quang hợp yếu nên sinh trưởng, phát triển kém. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sâu bệnh bùng phát mạnh và hoành hành trên diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Gần đây, thông qua việc học tập và áp dụng mô hình IPM, tiếp nhận được những kiến thức, kỹ năng cơ bản của quá trình sản xuất lúa như trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, sử dụng các loại giống kháng sâu bệnh, kỹ thuật làm đất, gieo sạ, tưới tiêu hợp lý… Nhờ vậy, qua thu hoạch cho thấy, năng suất lúa đạt bình quân 60 tạ/ha, tương đương đông xuân năm ngoái. “Đây được xem là thắng lợi lớn mặc dù vụ này thời tiết diễn biến hết sức bất lợi, nhất là mưa lạnh kéo dài nhiều đợt khiến hàng loạt cánh đồng lúa ở xứ Quảng có bị tụt giảm sản lượng” - ông Lựu hồ hởi nói.
Sử dụng công cụ sạ hàng với mật độ gieo vừa phải sẽ giúp cây lúa quang hợp tốt, phát triển mạnh. Ảnh: H.NHI |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Thư – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, trước tình trạng nông dân nơi đây sản xuất lúa chủ yếu dựa theo kinh nghiệm với kiểu gặp giống gì thì sử dụng giống nấy và thường gieo sạ mật độ dày, quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên vụ đông xuân 2015 - 2016 này Trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, ứng dụng mô hình IPM quy mô thôn trên cây lúa. Bước đầu, các đơn vị liên quan chọn 30 hộ dân tiêu biểu trong thôn Vân Quật tham gia khóa học để rồi hướng dẫn lại cho những hộ khác ở địa bàn dân cư triển khai thực hiện mô hình với tổng diện tích hơn 100ha, chủ yếu là các giống như HT1, OM8017, OM4900, VN121, Thiên ưu 8. Qua khảo sát đánh giá cho thấy, áp dụng mô hình IPM, mỗi sào ruộng nông dân giảm được 2kg lúa giống so với phương thức canh tác cũ. Mặt khác, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đi rõ rệt nhưng vẫn đảm bảo tính cân đối, hài hòa. Vì thế, hầu hết ruộng lúa của mô hình ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm tấn công, nhất là bọ trĩ, sâu cuốn lá, bọ xít đen, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, tương đương vụ sản xuất năm ngoái và tăng nhiều so với những vùng lân cận không thực hiện gói kỹ thuật mới này. Điều đáng mừng là, áp dụng mô hình IPM, 1ha nhà nông tiết kiệm được 1,6 triệu đồng tiền mua vật tư nông nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng thêm xanh - sạch - đẹp.
Tham quan cánh đồng IPM ở thôn Vân Quật, xã Duy Thành. |
Tiếp tục nhân rộng
Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết, trước hiệu quả hết sức thiết thực của mô hình IPM trên cây lúa, trong vòng 5 năm trở lại đây đơn vị đã tổ chức ít nhất 100 khóa tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn phương thức sản xuất trên đồng ruộng cho không dưới 20 nghìn lượt hộ nông dân ở rất nhiều địa phương. Nhờ vậy, trong tổng số 43.000ha đất canh tác lúa hằng vụ của tỉnh thì có khoảng 5.000ha ứng dụng mô hình này. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay mỗi vụ nông dân trên địa bàn xã Duy Thành sản xuất 330ha lúa, mấy năm gần đây năng suất bình quân toàn xã đạt khoảng 60 - 70 tạ/ha. Tuy nhiên, với điều kiện đồng ruộng luôn được bồi đắp những lớp phù sa màu mỡ, hàng loạt cánh đồng bằng phẳng, rộng mênh mông nhờ làm tốt khâu cải tạo và dồn điền đổi thửa thì mức năng suất đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trước những ưu điểm nổi trội của mô hình IPM, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và chính quyền xã Duy Thành đang tính chuyện nhân rộng gói kỹ thuật canh tác mới ấy ra các thôn còn lại. Ông Lê Trung Thưởng - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Thành nói: “Ngoài thôn Vân Quật, trong vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017 chúng tôi sẽ cùng với ngành chuyên môn cấp trên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình IPM cho nông dân ở 3 thôn khác là Nhơn Bồi, An Lạc, Thi Thại để ứng dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất lúa. Bởi, đây thực sự là lối mở trong việc xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch và phát triển theo hướng bền vững”.
Trong khi đó, ông Trần Hưng - Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên cho hay, trước tình trạng các loại hàng hóa nông sản kém chất lượng tràn ngập trên thị trường, công tác kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn thì việc áp dụng mô hình IPM là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái. Mặt khác, trước việc giá cả vật tư nông nghiệp luôn biến động và có chiều hướng ngày càng tăng thì ứng dụng mô hình này để giảm chi phí đầu vào là khâu hết sức cần thiết đối với nhà nông. Ông Hưng nói: “Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã triển khai thực hiện mô hình IPM quy mô thôn trên cây lúa với tổng diện tích khoảng 400ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương gồm La Tháp Đông của xã Duy Hòa, Câu Lâu Đông thuộc xã Duy Phước, Trà Kiệu Tây ở xã Duy Sơn và Vân Quật của xã Duy Thành. Thực tế cho thấy, những nơi áp dụng mô hình đó đều mang lại thành công rất lớn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra các thôn, khối phố còn lại trên địa bàn huyện, trước mắt vụ hè thu 2016 sắp đến sẽ thực hiện tại thôn Phú Bông, xã Duy Trinh để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm gạo, giúp nhà nông tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
HOÀI NHI