Đậu phộng mất mùa, nông dân điêu đứng
(QNO) - Đang vào mùa thu hoạch đậu phộng nhưng nông dân trồng đậu phộng ở Gò Đình (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) không mấy vui vì mất mùa. Giữa người nông dân và các cơ quan chức năng đang có những cách lý giải khác nhau về thực trạng này.
Giống kém chất lượng?
Cánh đồng Gò Đình tuy thuộc sự quản lý của xã Điện Phong nhưng là một bãi biền bị chia cắt bởi dòng sông Thu Bồn. Diện tích cánh đồng vào khoảng 90ha, trước đây quanh năm trù phú các loại cây trồng bởi được phù sa từ các cơn lũ bồi đắp nhưng hiện tại, hàng chục hecta đậu phộng của người dân đang bị mất mùa nghiêm trọng.
Gốc đậu nhổ lên trái rất nhiều nhưng hầu hết bị lép. Ảnh: Q.T |
Lão nông Nguyễn Văn Củng (trú thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong) trầm ngâm: “Nhà tôi thuê 7 sào đất để trồng giống đậu L14 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) duyên hải Nam Trung Bộ lần đầu tiên khuyến khích áp dụng trên cánh đồng mẫu. Nhưng hiện thu hoạch chỉ đạt 20 - 30% sản lượng so với mọi năm, không đủ trả tiền thuê đất và công cán thu hoạch”.
Không chỉ ông Củng, hầu hết các hộ dân khác trồng giống đậu phộng L14 này cũng cùng chung cảnh ngộ khi 1 sào đậu chỉ thu chừng 1 triệu đồng, thậm chí nhiều diện tích đậu người dân cũng chẳng màng thu hoạch bởi sợ không đủ trả tiền công. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các gốc đậu được người dân nhổ lên có rất nhiều trái và trái khá to nhưng bên trong thì hạt bị lép.
Nông dân Nguyễn Hữu Hà (người địa phương) chua chát nói: “Nhà tôi có 3 sào đậu phộng, mọi năm thu hoạch có thể ép được hơn 150 lít dầu nhưng mùa này sợ không đủ tiền giống, phân bón và công hái. Nói vậy nhưng cũng phải hái bởi nếu không thu hoạch thì không có đất canh tác đậu xanh cho vụ tiếp theo”. Thêm nữa, hầu hết người nông dân ở đây mỗi lần canh tác, chăm sóc hay thu hoạch hoa màu đều phải tốn 5.000 đồng/ngày, càng khiến họ chật vật.
Người dân đổ đậu phơi ngay trên đồng vì không bán tươi được. Ảnh: Q.T |
Bắt đầu từ vụ vừa rồi, nông dân được khuyến khích chỉ trồng mỗi cây đậu phộng để hình thành cánh đồng mẫu lớn về hoa màu. Vậy nên người nông dân càng bế tắt bởi thông thường mọi năm họ xen canh một số loại hoa màu khác, nếu mất mùa cây này thì còn cây kia. Một số nông dân than vãn, họ được đối tác cung cấp giống đậu L14 và hứa hẹn sẽ bao tiêu đầu ra với giá thị trường nhưng hiện nay, phía công ty hiện không mua đậu tươi nữa mà đề nghị phơi khô mới vào lấy sản phẩm. Chính vì thế, người nông dân e ngại và không mặn mà với các giống bắp, đậu xanh sản xuất vụ hè thu tiếp theo do Viện KHKTNN duyên hải Nam Trung Bộ cung cấp.
Kỹ thuật canh tác không đảm bảo
Về vấn đề này, ông Phạm Thành Chung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn cho biết: “Do các vụ trước người dân trồng giống cũ không vấn đề gì nên khi xảy ra sự việc này, họ quy kết cho giống L14 không tốt. Nhưng thực tế, trên các diện tích trồng đậu khác không sử dụng giống L14 cũng chịu cảnh mất mùa tương tự”. Ông Chung dẫn chứng thêm, cũng với giống đậu L14, nông dân một số địa phương của huyện Thăng Bình xuống giống sớm hơn và chăm sóc đầy đủ nên thu hoạch vẫn đạt sản lượng cao.
Nhiều diện tích đậu người dân không mặn mà thu hoạch bởi sợ không đủ trả công. Ảnh: Q.T |
Được biết, giống đậu mới này dài ngày hơn và cần lượng nước tưới gấp đôi giống đậu phộng cũ. Thời tiết năm nay tuy không nóng bức nhưng rất hanh khô khiến tâm lý người dân ở đây chủ quan không chủ động tưới tiêu đầy đủ, dẫn đến đậu lép hạt. Ông Dương Hiển Công - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, đến cận ngày thu hoạch, chính quyền vẫn quan tâm sâu sát, liên tục thông báo qua loa phóng thanh để người dân tưới nước đậu. Ai chẳng muốn đem giống cây tốt để hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế nhưng thực tế, ba năm nay địa phương không có lũ lớn nên lượng phù sa bồi đắp và độ ẩm ở khu vực Gò Đình giảm sút nghiêm trọng. Do đó đất đai không được màu mỡ như trước, các cây trồng khác như lúa, dưa hấu,… cũng mất mùa nghiêm trọng chứ không riêng gì cây đậu.
Về khâu bao tiêu sản phẩm, ông Công khẳng định phía đối tác vẫn làm đúng như giao kết, vấn đề ở chỗ người dân thu hoạch lẻ tẻ với số lượng hạn chế. Như đợt vừa qua chỉ được hơn 4 tấn, trong khi xe chở hàng của công ty dù đã chờ 4 ngày nhưng vẫn không tập kết đủ 10 -12 tấn đậu để chở hàng đi. Thêm nữa, dù phía công ty đã chấp nhận mua theo giá trị trường nhưng một số nông dân bị tiểu thương kích giá lên cao (nhưng các đối tượng này chỉ mua nhỏ giọt) khiến người trồng đậu không chịu bán cho đối tác với mức giá như đã giao kèo khiến tình hình thêm lộn xộn.
Trước tình hình mùa màng thất bại, phía UBND xã Điện Phong cũng đã có những động thái cụ thể như chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Phong thu mua toàn bộ số nông sản cho người dân kể cả số đậu không đạt yêu cầu, sau đó mới sàng lọc bán lại cho phía đối tác và chấp nhận bù lỗ. Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã cũng tích cực tìm giải pháp hỗ trợ như tăng mức hỗ trợ từ 50% tiền giống lên 60%, xã chịu 20% và người dân chỉ phải chịu 20% còn lại, chấp nhận mua cao hơn 1 đến 2 giá so với giá thị trường để bù tổn chi phí cho nông dân,… Về vụ hè thu sắp tới, chính quyền vẫn khuyến khích người dân trồng bắp từ loại giống mà Viện KHKTNN duyên hải Nam Trung Bộ cung cấp nhằm hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa với việc cơ giới hóa từ khâu xuống giống đến thu hoạch rồi bao tiêu sản phẩm góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho người nông dân.
QUỐC TUẤN