Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 1: Nguy cơ từ đồng ruộng
Chưa khi nào tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trở thành nỗi lo của cả cộng đồng như hiện nay. Từ người sản xuất đến tiêu dùng đều có nguy cơ là nạn nhân của thực phẩm bẩn, trong khi đó công tác quản lý trên lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn…
Phun thuốc trừ sâu quá nhiều, chất lượng hạt gạo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Ảnh: HOÀI NHI |
BÀI 1: NGUY CƠ TỪ ĐỒNG RUỘNG
Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh - sạch, an toàn, bền vững là mục tiêu quan trọng đã và đang được ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, con đường đi đến thành công vấp phải rất nhiều khó khăn bởi thực tế cho thấy đại bộ phận nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất thường chú trọng năng suất, sản lượng mà chưa quan tâm đến sức khỏe con người.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Đông xuân năm nay, ông Đặng Cận ở thôn Liễu Trì (Bình Nguyên, Thăng Bình) sản xuất 5 sào lúa trên cánh đồng Chim Chim. Ông Cận cho biết, từ giữa đến cuối vụ số diện tích này liên tục bị bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ gié, đạo ôn cổ bông và rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Để mùa màng không bị mất trắng, ông Cận phải mua một lượng lớn thuốc đặc hiệu về phun trừ, thế nhưng việc ngăn chặn và dập tắt những loại dịch bệnh ấy vẫn không mang lại hiệu quả cao. Ông nói: “Chẳng biết sao vụ này đồng ruộng bị sâu bệnh tấn công dữ quá. Khi 5 sào lúa của tôi đã cận kề ngày thu hoạch thì thêm một lần nữa bệnh đạo ôn lại bùng phát mạnh. Loại bệnh đó rất nguy hiểm, nếu không kịp thời phun thuốc bảo vệ thực vật thì tất cả ruộng lúa sẽ bị cháy trụi, đến rơm cũng không lấy được chứ nói gì đến chuyện kiếm hạt gạo. Tôi thừa biết, nếu xịt thuốc trừ sâu nhiều và liên tục thì sản phẩm gạo sẽ rất độc hại, nhưng nếu không phun thuốc thì chắc chắn mùa vụ sẽ thất bát”. Theo ngành nông nghiệp Thăng Bình, đông xuân 2015 - 2016 toàn huyện gieo sạ 8.400ha lúa. Từ đầu tháng 3 dương lịch đến nay bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng… xuất hiện và gây hại trên hàng loạt cánh đồng khiến rất nhiều diện tích xảy ra hiện tượng cháy chòm. Trước tình trạng đó, nông dân ở hầu hết địa phương của huyện buộc phải phun thuốc đặc hiệu với tần suất cao và liều lượng lớn.
Sản xuất rau quả theo cách truyền thống, nông dân thường lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: HOÀI NHI |
Thời gian qua, nông dân ở nhiều nơi khác của huyện Duy Xuyên cũng thường lạm dụng và sử dụng các loại thuốc đặc hiệu không đúng cách trong việc đối phó với sâu bệnh gây hại lúa. Ông Trần Hưng – Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Duy Xuyên cho biết, thực tế nhiều năm qua cho thấy nhà nông thường không tuân thủ theo hướng dẫn ghi trên bao bì mà phần lớn sử dụng thuốc theo thói quen, cụ thể là tự pha tăng nồng độ thuốc để diệt trừ tận gốc mà không biết dư lượng thuốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Ông Hưng nói: “Vụ đông xuân 2015 - 2016 toàn huyện canh tác 3.800ha lúa. Trong lúc nhiều đồng lúa đang bước vào giai đoạn trổ đòng rộ thì bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié phát sinh và gây hại mạnh. Ngay lập tức, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nhà nông cách sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ như Beam 75WP, Fuji-one 40WP, Filia 525SE… Tuy nhiên, thực tế thì nông dân dùng hỗn hợp nhiều loại thuốc và lượng nước pha với thuốc cho 1 sào chỉ khoảng 15 - 16 lít, trong khi đó theo đúng quy định phải từ 32 - 40 lít. Rõ ràng, pha chế thuốc với liều lượng mạnh như vậy thì sức khỏe con người và cả động vật sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Đông xuân này, nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất tổng cộng 43.000ha lúa. Do rất nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm ào ạt tấn công nên hàng loạt đồng lúa của xứ Quảng phải “bội thực” thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng lo, khi ruộng lúa đã cận kề ngày thu hoạch nhưng nhà nông vẫn cứ dùng thuốc đặc hiệu với liều lượng cao để phun trừ, mùi hôi của thuốc bay khắp nơi, ai đi ngang qua các cánh đồng cũng phải dùng tay hoặc khẩu trang bịt kín miệng mũi. Ông Nguyễn Định - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho rằng, khi ruộng lúa sắp gặt, nếu bị nhiễm sâu bệnh, nông dân dùng thuốc đặc hiệu phun thì sẽ không mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc nông dân phun thuốc trừ sâu bệnh sát ngày thu hoạch lúa là vấn đề đáng báo động hiện nay. Ông Muộn nói: “Trước khi gặt lúa 7 - 15 ngày, tuyệt đối không được dùng thuốc đặc hiệu phun trừ. Nếu phun, hẳn nhiên thuốc sẽ thấm vào hạt gạo, tuy rằng không xảy ra ngộ độc cấp tính nhưng chắc chắn là chất độc sẽ tích tụ, gây bệnh cho người dùng gạo”. Theo nhiều ý kiến, lâu nay cơ quan chuyên môn chủ yếu khuyến cáo nông dân chứ việc họ phun thuốc trừ sâu bệnh một cách vô tội vạ là không thể ngăn chặn được.
Chạy theo lợi nhuận
Bà L.T.H. ở thôn Lang Châu Bắc (Duy Phước, Duy Xuyên) có gần 3 sào đất màu chuyên trồng các loại rau quả như bí đao, mướp, mồng tơi. Bà H. nói, nếu trước kia làm theo quy trình kỹ thuật VietGAP thì nhà nông phải thực hiện đúng theo hướng dẫn từ khâu chuẩn bị hạt giống, bón phân đến cách sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh và thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Còn bây giờ, bỏ quy trình VietGAP, quay trở về với phương thức canh tác cũ thì người nông dân được tự do, thoải mái trong vấn đề bón phân và phun thuốc, hơn nữa còn giảm được số công lao động, chi phí sản xuất... Tuy nhiên, ngược lại với những “cái được” mà nhà nông “thấy rõ trước mắt” ấy là chất lượng sản phẩm làm ra bán trên thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Bà H. thật thà chia sẻ: “Nếu làm đúng theo tiêu chuẩn VietGAP thì quãng thời gian từ lúc phun thuốc trừ sâu bệnh cho rau quả đến khi thu hái bán ra thị trường cách nhau ít nhất là 1 tuần. Nhưng bây giờ chỉ cần 4 ngày, thậm chí ngắn hơn là đã cắt rau và hái quả đưa ra chợ, dẫu biết rằng vẫn còn tồn dư lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật”. Đâu chỉ vậy, theo quan sát, khi cắt hái xong, không ít người dân tiện thể múc nước dưới cái mương ở gần đó rửa rau quả rồi bán cho thương lái chở đi tiêu thụ.
Sản phẩm bí đầu ra, nhà sơ chế rau quả an toàn ở xã Duy Phước (Duy Xuyên) phải bỏ hoang lâu nay.Ảnh: HOÀI NHI |
Ông Lê Trung Ba – Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, cách đây gần 3 năm, địa phương phối hợp với các ngành liên quan thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Lang Châu Bắc với tổng cộng 21 thành viên. Nhằm giúp các thành viên trong tổ sản xuất đúng theo quy trình, cơ quan chuyên môn đã mở nhiều khóa tập huấn để hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới cũng như khâu thu hoạch, đóng gói sản phẩm… Lúc đầu, một số doanh nghiệp tìm đến hợp tác, thu mua rau quả đưa đi tiêu thụ tại các thành phố như Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ khiến nông dân phấn khởi. Thế nhưng, sau đó các doanh nghiệp lần lượt “bỏ chạy” vì nghịch lý là rau sạch khó tiêu thụ, còn rau không mang nhãn hiệu VietGAP thì lại được thị trường ưa chuộng. Suốt một thời gian dài rau quả sạch bí đầu ra, để có nguồn thu nhập buộc người dân nơi đây phải quay lại sản xuất theo kiểu truyền thống. Ông Ba nói: “Bây giờ, chỉ nông dân nào có cái tâm thì sản phẩm rau quả họ làm ra mới cơ bản đảm bảo vấn đề vệ sinh ATTP”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài vùng rau sạch Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình) thì hiện nay tại các vùng chuyên canh rau củ quả trên địa bàn tỉnh, nhà nông vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Vì thế, dẫn đến dư lượng của một số loại hóa chất độc hại tồn đọng trong nhiều loại nông sản vượt quá mức cho phép, gây tác hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, ngành chức năng không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh ở khắp các vựa rau quả trong tỉnh cũng như tất cả sản lượng mà nông dân đưa ra tiêu thụ trên thị trường hằng ngày. Do vậy, những bà nội trợ khi đến chợ mua rau củ quả đành phải chấp nhận “nhắm mắt đưa chân” theo cái kiểu may nhờ rủi chịu.
-------------------------
Bài 2: “Bẩn” từ đầu vào đến đầu ra
HOÀI NHI