Tích tụ, tập trung ruộng đất: Cơ sở tạo nông sản hàng hóa
Hiệu quả từ việc sản xuất tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa theo mô hình “Tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất lúa tại xã Bình Đào” góp phần đưa nông sản theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Làm lợi cho nông dân
Triển khai chủ trương sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, UBND huyện Thăng Bình đã giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (gọi tắt là HTX Bình Đào) thí điểm thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để liên kết sản xuất lúa. Để tiến hành ngay trong vụ đông xuân 2015 - 2016, công tác tuyên truyền đã được ngành chức năng của huyện khẩn trương vào cuộc. “Chúng tôi gấp rút tổ chức 3 đợt họp nhằm tuyên truyền vận động các hộ dân cho HTX thuê lại đất để tích tụ, tập trung ruộng đất. Sau đó, tùy điều kiện, các hộ cho thuê đất có thể phối hợp với HTX để cùng sản xuất trên các diện tích đất đó. Tâm lý tiểu nông không muốn người khác “đụng” đến đất của mình hay lo sợ mất đất của các nông hộ được giải tỏa khi họ thấy được hiệu quả lợi nhuận sau chủ trương trên” - ông Võ Tấn Sanh - Chủ tịch HĐQT HTX Bình Đào cho biết. Theo đó, các cánh đồng Cồn Mùn, Mã Phiền, Bồ Bồ thuộc 2 thôn Trà Đóa 1 và Trà Đóa 2 có tổng diện tích 10ha là địa điểm triển khai mô hình. HTX Bình Đào đã thuê 4,7ha diện tích đất của 81 hộ dân với mức trả 67kg lúa/sào/năm cho nông hộ, hơn mặt bằng cho thuê đất lúa 5kg lúa/sào/năm. HTX Bình Đào đã ký hợp đồng mua giống lúa VN 121 để sản xuất và bán lúa sau thu hoạch với Công ty Giống cây trồng miền Nam, áp dụng vào vụ đông xuân 2015 - 2016.
Bà Cao Thị Năm cho rằng, sản xuất lúa hiệu quả hơn so với trước khi tập trung ruộng đất. Ảnh: N.Q.V |
Vụ sản xuất lúa diễn ra trong điều kiện bất lợi về thời tiết khi lúa đang trổ hạt thì mưa lạnh kéo dài vào cuối tháng 3 khiến cho năng suất giảm. Tuy vậy, bình quân trên mỗi héc ta, nông hộ thu hoạch được 57 tạ lúa, bán được 46,17 triệu đồng. Trong khi đó, năng suất lúa cao nhất ở xã Bình Đào trong nhiều năm qua chỉ mới dừng lại ở mức 52 tạ/ha. “Trước đây, sản xuất lúa luôn gặp khó khăn vì làm thủ công. Sau khi chuyển sang sản xuất trên các diện tích được tích tụ, tập trung thuận lợi hơn rất nhiều, hiệu quả sản xuất thu được cao hơn trước” - bà Cao Thị Năm (đội 6, thôn Trà Đóa 2) tham gia mô hình với 3 sào lúa nói. Ông Cao Văn Tuệ ở thôn Trà Đóa 1 cho biết: “Phối hợp cùng HTX Bình Đào sản xuất lúa, chúng tôi được bón phân, phòng trừ sâu bệnh đồng loạt, tránh lây lan bệnh từ ruộng khác đến lúa của mình. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và phơi sấy theo quy trình cũng thuận lợi hơn. Đáng nói nhất là tất cả dịch vụ có giá đều rẻ hơn mặt bằng chung 10%”.
Nhân rộng mô hình
“Sở NN&PTNT cần nghiên cứu phối hợp với các huyện, thành phố khác trong toàn tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao để người dân thấy được ý nghĩa, cái lợi của việc sản xuất hàng hóa trên cơ sở tích tụ, tập trung ruộng đất mà tiếp tục triển khai. Cơ chế khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa của trung ương, của tỉnh đã có, ngành nông nghiệp cần tiếp cận, lồng ghép, để có hỗ trợ xác đáng trong thời gian tới”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh) |
Hội thảo “Tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất lúa tại xã Bình Đào” diễn ra sôi động với nhiều thảo luận, nội dung chủ yếu là nghĩa vụ và quyền lợi của nông dân khi tham gia mô hình; vai trò của doanh nghiệp trong cung cấp giống, quy trình sản xuất và thu mua sản phẩm; cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện; làm gì để nhân rộng mô hình ra toàn huyện Thăng Bình và cả tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhận định, hiệu quả thu được từ mô hình trên rất lớn. Đây là cơ hội chỉnh trang đồng ruộng, cơ cấu lại sản xuất, canh tác lúa trên diện tích và quy mô lớn, dần xóa bỏ tập tục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết. Cơ giới hóa trên đồng ruộng đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Quan trọng nhất là tạo nên sản phẩm hàng hóa, qua đó tạo chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, ký kết được hợp đồng liên kết lớn với công ty cung cấp giống đồng thời thu mua sản phẩm. Vì thế, trong thời gian đến, tỉnh xem xét có hỗ trợ thiết thực để Thăng Bình nhân rộng mô hình này trên toàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai - Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam nói: “Chúng tôi tham vọng rất lớn khi mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Để có thể nhân rộng sản xuất ra khắp toàn tỉnh thì Quảng Nam cần đầu tư, hoàn thiện thêm các yếu tố hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhà kho bảo quản lúa, lò sấy lúa, máy gặt đập liên hợp, khay mạ cũng cần đầu tư thêm”. Ông Võ Tấn Sanh góp ý, khi nhân rộng mô hình cần phải bố trí cán bộ phụ trách nông nghiệp thường xuyên theo dõi, giúp bà con nông dân xử lý các phát sinh xấu trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, công tác lập bản đồ đất đai, định vị đo đạc, đóng cọc, phá bờ ruộng khi tập trung đất phải căn cơ, khoa học để nông hộ thấy được rằng, đất của họ do chính họ quản lý và sản xuất chứ không mất mát. Điều quan trọng nhất là làm sao để người dân tin tưởng, yên tâm cho thuê đất hoặc góp đất qua đó xác định nghĩa vụ để cùng hợp tác sản xuất hiệu quả.
NGUYỄN QUANG VIỆT