Hiệu quả từ cánh đồng kỹ thuật
Vụ đông xuân 2015 - 2016, huyện Núi Thành triển khai thành công mô hình cánh đồng kỹ thuật hướng đến hình thành cánh đồng mẫu lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Núi Thành đã thực hiện mô hình cánh đồng kỹ thuật trong vụ đông xuân 2015 - 2016 nhằm đánh giá kết quả và nhân rộng ra địa bàn. Mô hình được thực hiện trên diện tích 15ha tại cánh đồng thôn Bình An (xã vùng cát Tam Hòa). Với việc sử dụng giống PC6 nguyên chủng, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Núi Thành hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 100% giống cho nông dân, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa từ khâu làm đất đến khi thu hoạch, cạnh đó nông dân ứng dụng công cụ sạ hàng trên 95% diện tích. Kết quả, năng suất dự kiến trong mô hình đạt 59,52 tạ/ha, tăng hơn 1,32 tạ/ha so với lúa sản xuất đại trà trên cùng diện tích. Ông Đặng Văn Quang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện nhận xét: “Dù năng suất lúa trong mô hình cánh đồng kỹ thuật chỉ hơn 1,32 tạ/ha so với năng suất lúa sản xuất đại trà nhưng hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội rất lớn. Quan trọng hơn là sản xuất theo mô hình cánh đồng kỹ thuật hướng đến cánh đồng mẫu lớn sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Thực hiện cánh đồng kỹ thuật góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa. |
Một ưu thế nổi trội là sản xuất lúa theo mô hình kỹ thuật, lượng giống giảm được 1,5kg/sào so với sản xuất ngoài đại trà, tương đương với giảm 25.500 đồng/sào. Với con số tiết kiệm được này, ở quy mô gia đình có thể không lớn nhưng xét trên toàn huyện không phải là nhỏ. Theo tính toán, huyện Núi Thành thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng kỹ thuật, áp dụng phương pháp sạ hàng khoảng 80% của tổng diện tích 3.700ha lúa/vụ thì sẽ tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng. Ông Phan Văn Cường - nông dân thôn Bình An (xã Tam Hòa) nói: “Chúng tôi tham gia mô hình cánh đồng kỹ thuật đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, cạnh đó, việc sạ hàng dễ dàng và lợi công lao động nên không gây áp lực nhiều về việc nhờ vả lao động, vì hiện nay lao động nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu là người già và trẻ em nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm lao động”.
Cũng theo ông Quang, việc đầu tư xây dựng các mô hình cánh đồng kỹ thuật, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng IPM... gắn với chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất cây lúa là hết sức cần thiết. Qua hiệu quả từ cánh đồng kỹ thuật tại xã Tam Hòa vụ đông xuân 2015 - 2016, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành đề nghị các địa phương và bà con nông dân nhân rộng mô hình, xây dựng cánh đồng kỹ thuật thành cánh đồng mẫu lớn. Đây là một trong những mục tiêu nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
VĂN PHIN