Dồn điền đổi thửa ở Điện Bàn

CÔNG TÚ - PHẠM LỘC 06/04/2016 10:21

Những năm gần đây, thị xã Điện Bàn thực hiện công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã đem lại những kết quả khả quan.

Làm điểm dồn điền

Trước năm 2012, cánh đồng lúa 65ha ở thôn La Hòa (xã Điện Phước) có khoảng 900 thửa ruộng manh mún, nhiều bờ vùng bờ thửa, đám thấp, đám cao, gây khó khăn cho việc thâm canh, sản xuất. Thực hiện chủ trương DĐĐT, xã Điện Phước chọn thôn La Hòa làm thí điểm. Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động, tổ chức họp bàn, các hộ nông dân thấy được lợi ích thiết thực của việc “chỉnh trang” đất nông nghiệp. “Chúng tôi nói rõ với bà con,  DĐĐT không phải là chia lại đất mà là chuyển đổi để tránh tình trạng ruộng của từng hộ bị chia cắt nhỏ lẻ, rất khó khăn cho quá trình sản xuất, nhất là sử dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nhận được sự đồng thuận, địa phương tổ chức bốc thăm nhận đất rồi chỉnh trang bờ vùng bờ thửa thành đám ruộng lớn” - Trưởng ban nhân dân thôn La Hòa, ông Thái Đình Trúc cho hay. Nhìn cánh đồng lúa phát triển tươi tốt sau khi chuyển đổi còn 300 thửa lớn, bà con nông dân trong thôn rất vui mừng. Lão nông Nguyễn Văn Bông bày tỏ, đâu chỉ năng suất tăng, DĐĐT còn giúp cho khâu gieo sạ hàng lợi giống, giảm phân bón, hạn chế sâu bệnh. Nhờ thế, bà con còn tự nguyện hiến đất, góp công để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi khi sản xuất, vận chuyển phân bón, sản phẩm sau thu hoạch. Đến nay, xã Điện Phước đã triển khai DĐĐT ở các thôn Hạ Nông Tây, Hạ Nông Nam với tổng diện tích gần 160ha, năng suất lúa đạt trên 60tạ/ha.

Lãnh đạo tỉnh, đại diện các thôn, khối phố ở Điện Bàn tham quan mô hình DĐĐT tại thôn La Hòa. Ảnh: C.TÚ
Lãnh đạo tỉnh, đại diện các thôn, khối phố ở Điện Bàn tham quan mô hình DĐĐT tại thôn La Hòa. Ảnh: C.TÚ

Năm 2013, xã Điện Quang tập trung đẩy mạnh việc DĐĐT tại các thôn Phú Tây, Phú Đông, Thạnh Mỹ và Văn Ly với tổng diện tích hơn 172ha (gần 100ha đất sản xuất cây màu). Theo đó, hơn 2.710 thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ đã được dồn đổi thành 1.540 thửa, bình quân mỗi thửa rộng 1.200m2, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa vào đồng ruộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường liên danh, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, bao tiêu sản phẩm. Những năm về trước, bãi bồi Long Hội (thôn Kỳ Lam) có diện tích rộng hơn 100ha chủ yếu được nông dân trồng bắp lai, ớt và nhiều cây công nghiệp ngắn ngày khác. Nhưng do thiếu quy hoạch, thấy lợi bà con trồng ồ ạt, không có sự liên kết cần thiết giữa nông dân và doanh nghiệp nên thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Vụ đông xuân 2013 - 2014, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang đứng ra quy hoạch thành vùng chuyên canh trồng bắp nếp, đồng thời ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua 3.500 đồng/kg. Với năng suất 1 - 1,2 tấn bắp tươi/sào, tính ra mỗi héc ta đem lại hơn 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 60 triệu đồng/ha.

Tiếp tục thực hiện

Giai đoạn 2016 - 2020, Điện Bàn dự kiến DĐĐT hơn 3.560ha với kinh phí hơn 11,6 tỷ đồng. Riêng năm 2016, thị xã sẽ triển khai thực hiện 612ha tại 29 thôn, khối phố của 14 xã, phường với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Muốn xây dựng thành công nông thôn mới, Điện Bàn xác định trước hết phải quy hoạch lại đồng ruộng, sớm hoàn thành việc DĐĐT đất nông nghiệp và coi đây là khâu “mở đường” thực hiện một số tiêu chí khác. Do vậy, từ năm 2011 đến nay, thị xã có 5.314 hộ nông dân ở 27 thôn thuộc 5 xã phường là Điện Phước, Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ và Điện An tham gia DĐĐT được hơn 388ha. Các xã, phường này còn gắn với quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời hợp đồng liên danh, liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Có thể khẳng định, công tác DĐĐT mà thị xã Điện Bàn triển khai trong thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi, khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, hình thành những thửa ruộng lớn, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được cải tạo và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tạo thuận lợi trong quá trình phát triển sản xuất thành vùng chuyên canh tập trung, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác DĐĐT ở thị xã cũng gặp nhiều bất cập. “Những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ chưa được dồn đổi gây khó khăn cho khâu thâm canh nên năng suất thấp, dẫn đến tình trạng đất sản xuất bị bỏ hoang. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, phương án tổ chức thực hiện chưa cụ thể, chưa chủ động tham mưu đề xuất cấp trên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT còn chậm, gây ách tắc trong quá trình triển khai, ảnh hưởng tâm lý tiêu cực trong nông dân có diện tích đã tham gia hoặc chưa thực hiện ở địa phương” - ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết. Hiện nay, UBND thị xã triển khai thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trước mắt, Điện Bàn tập trung cho công tác DĐĐT, mỗi năm phấn đấu thực hiện hơn 700ha và gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, để làm được điều đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia. Và điều quan trọng nữa là, mỗi địa phương xây dựng cho được phương án DĐĐT ở từng cánh đồng tại từng thôn, từng xã… Có như thế, công tác này mới mang lại kết quả, góp phần đưa giá trị kinh tế ngành nông nghiệp ở Điện Bàn ngày càng tăng lên theo hướng bền vững.

CÔNG TÚ - PHẠM LỘC

CÔNG TÚ - PHẠM LỘC