Triển vọng cây keo nuôi cấy mô
Qua hơn một năm triển khai trồng thí điểm, những ưu điểm vượt trội của cây keo nuôi cấy mô mang lại tín hiệu lạc quan cho người trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Phát triển vượt trội
Gia đình bà Lê Thị Sương (thôn 1, xã Tiên Phong, Tiên Phước) là một trong 3 hộ dân xã này được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ trồng cây keo nuôi cấy mô của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh. Bà Sương cho biết, keo được trồng theo hình thức nhóm hộ với tổng diện tích 2,9ha tại khu Gò Mè, và cây keo nuôi cấy mô phát triển vượt trội so với các loại keo giâm hom hay tai tượng. Bà Sương nói: “Khi nhận giống về trồng, tỷ lệ cây sống rất cao, đạt gần như 100%. Nếu cây keo cứ phát triển nhanh như thế này, trong vòng 3 năm có thể khai thác được”. Bà Sương dẫn chúng tôi mục sở thị những vạt keo nuôi cấy mô trồng từ đầu năm 2015, sát cạnh bên là vạt keo hom cùng trồng một thời điểm để đối chiếu, đánh giá. Những thân cây keo nuôi cấy mô to gấp nhiều lần so với keo hom, chiều cao cũng vượt trội hơn hẳn.
Sau khi đưa khỏi phòng thí nghiệm, keo con được ươm vào bầu đất tại vườn ươm Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam. Ảnh: VĂN HÀO |
Ông Nguyễn Hồng Quân - cán bộ Ban nông nghiệp xã Tiên Phong cho hay, để lựa chọn các hộ dân hưởng lợi từ chương trình trồng keo nuôi cấy mô thí điểm, địa phương xét những hộ nào có diện tích rừng gần đường giao thông để tiện tham quan mô hình. Hơn nữa, các gia đình đó phải có nhân lực lao động để đảm bảo việc chăm sóc, theo dõi thường xuyên. “Tiên Phong là xã duy nhất của huyện Tiên Phước được hỗ trợ cây giống, phân bón trồng thử nghiệm keo nuôi cấy mô với 3 hộ tham gia. Qua quá trình đối chiếu độ phát triển của các loại cây keo thì có thể ước tính đến khi thu hoạch, nếu keo hom đạt khoảng 70 triệu đồng/ha thì keo nuôi cấy mô có thể lên đến 100 - 120 triệu đồng/ha” - ông Quân nói. Còn theo ông Võ Xuân Anh - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, đây là giống keo mới, tiềm năng, sinh trưởng vượt trội và người dân muốn được tiếp cận giống vì địa phương có lợi thế diện tích đất rừng khá lớn.
Tháng 1.2015, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ các địa phương Tiên Phước, Bắc Trà My, Đại Lộc, Núi Thành, Tây Giang và Đông Giang trồng thí điểm keo nuôi cấy mô với tổng diện tích 45ha thuộc cơ chế khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% cây giống, 50% tiền phân bón. Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết, hiện các diện tích keo trồng trình diễn ở các địa phương trên đều phát triển vượt trội, bước đầu mang đến tín hiệu khả quan cho người trồng rừng.
Cần thay đổi tập quán
Theo cơ chế khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí thực hiện hơn 21,5 tỷ đồng. Dự kiến tổng diện tích trồng rừng bằng giống keo nuôi cấy mô là 12 nghìn héc ta, được triển khai tại 15 huyện. Mục tiêu của cơ chế là đến năm 2020 đưa tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trên địa bàn tỉnh lên 1 triệu mét khối/năm; đưa diện tích trồng rừng bằng giống keo nuôi cấy mô do Nhà nước hỗ trợ giống và chủ đầu tư tự bỏ vốn trồng chiếm 30% diện tích rừng trồng keo toàn tỉnh. Năm nay, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm 35ha (khoảng 77 nghìn cây giống) tại 5 huyện: Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và Đông Giang (mỗi địa phương 7ha). Trong khi đó, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam phấn đấu năm 2017 sẽ sản xuất 1 triệu cây giống keo nuôi cấy mô; đến năm 2020 đạt 3 - 5 triệu cây con. |
Ông Phan Đăng Danh - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết, giống keo nuôi cấy mô có giá 2 nghìn đồng/cây; trong khi đó giống keo giâm hom hay tai tượng giá khoảng 500 - 700 đồng/cây. “Nếu với những người chưa tham gia trồng giống keo này cho rằng giá cây giống cao thì các nhóm đối tượng được hỗ trợ trồng trình diễn sẽ có suy nghĩ ngược lại. Ở những địa phương trong khu vực như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định…, giống keo nuôi cấy mô được phổ biến trồng rộng rãi, trong khi Quảng Nam có cơ chế khuyến khích trồng chỉ mới vài năm trở lại đây” - ông Danh nói. Keo nuôi cấy mô do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam sản xuất giống cung cấp. Trước đó người dân được các Trạm Khuyến nông - khuyến ngư phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng.
Keo nuôi cấy mô có quy trình lấy các giống cây đầu dòng từ Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam tuyển chọn, chuyển giao về các trại giống. Sau khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ tiến hành nhân giống qua nhiều công đoạn để tăng số lượng. Mất khoảng 6 tháng cây mới cho ra rễ trong ống nghiệm, sau đó đem ra cho vào bầu đất, làm cho thích nghi với môi trường bên ngoài. Và khoảng 4 - 5 tháng tiếp theo cây mới đủ tiêu chuẩn xuất đi trồng rừng sau khi được Sở NN&PTNT công nhận là giống cây con. Với ưu điểm cây sinh trưởng đồng đều, nhanh, trong không gian hẹp, không phụ thuộc vào biến đổi khí hậu… và được trồng hiệu quả ở nhiều địa phương khác, keo nuôi cấy mô hứa hẹn nhiều tiềm năng cho người trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Phan Hùng Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam, để giống cây mới này được phổ biến rộng rãi, người trồng rừng nên thay đổi tập quán sản xuất. “Tâm lý người nông dân cho rằng giá cây giống cao, chưa mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, chưa chứng kiến quá trình phát triển so với các loại keo khác nên tỏ ra dè dặt. Dù vậy, qua khoảng hai năm trở lại đây, số lượng cây con chúng tôi ươm vẫn không đủ cung cấp cho chương trình dự án và nhu cầu người dân một vài nơi. Năm 2016 này, chúng tôi dự kiến tạo 200 nghìn cây con” - ông Vĩnh nói.
Theo ông Vĩnh, thực ra những năm 2006 - 2007, đơn vị đã nhân giống, cung ứng 50 nghìn cây keo nuôi cấy mô phục vụ các dự án. Tuy nhiên, thời điểm đó do khó khăn về tiềm lực như kinh phí, nhà nuôi cấy mô, máy móc thiết bị, nhân lực… khiến việc tạo giống bị “nghẽn” trong một thời gian dài và đi chậm hơn so với các tỉnh khác. Đến năm 2014, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT có cơ chế khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 - 2020 nên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ.
VĂN HÀO