Bắc Trà My: Triển vọng từ những mô hình chăn nuôi tập trung

QUỐC TUẤN 18/03/2016 08:46

Do điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi để phát triển ngành trồng trọt, những năm qua Bắc Trà My tập trung mạnh vào chăn nuôi để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hỗ trợ nông dân

Bắc Trà My hiện có đàn gia súc lớn với khoảng 30.000 con, chủ yếu là trâu, bò, heo, dê. Ngoài ra, huyện cũng có đàn gia cầm khoảng 110.000 con, tăng thêm khoảng 22.000 con so với năm 2014. Triển khai Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh giai đoạn 2014 - 2015, trong năm 2015 Bắc Trà My đã xây dựng được 11 mô hình chăn nuôi bò, heo và dịch vụ thú ý trọn gói đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho các hộ tham gia mô hình.

Công tác tiêm phòng bệnh cho gia súc cũng được thực hiện rốt ráo, hiệu quả. Tổng cộng có khoảng 54 nghìn liều vắc xin được tiêm cho trâu, bò, heo nên trong năm vừa qua không có dịch bệnh xảy ra, nhất là lở mồm long móng như nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ông Phan Thành Phương - Phó phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Nhận thấy địa phương có nhiều đặc điểm và lợi thế để chăn nuôi gia súc nên vài năm gần đây, huyện đã hỗ trợ nhiều mặt cho bà con phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững. Quan điểm của địa phương là trao cần câu chứ không trao con cá và rất mừng là phần lớn các hộ dân đều chí thú làm ăn chứ không còn tư tưởng ỷ lại như trước”.

Nhiều hộ dân ở Bắc Trà My đang khấm khá nhờ nuôi bò. Ảnh: Q.T
Nhiều hộ dân ở Bắc Trà My đang khấm khá nhờ nuôi bò. Ảnh: Q.T

Trong năm 2015, từ nguồn vốn định canh định cư, 52 con bò với tổng trị giá gần 800 triệu đồng đã được cấp hỗ trợ cho người dân; từ nguồn vốn Chương trình 135, địa phương cũng cấp hỗ trợ cho nhân dân các xã 264 con bò giống để phát triển nhân rộng đàn bò. Ngoài ra, 134 con bò được hỗ trợ từ các tổ chức xã hội cũng giúp người dân nơi đây có kế sinh nhai. Để người dân tiếp cận được các kiến thức căn bản cũng như chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, huyện cũng đã mở 5 lớp đào tạo nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi cho 149 học viên. Người dân cũng đã hiểu được lợi ích từ việc xây dựng chuồng trại kiên cố, không thả rông gia súc, gia cầm như trước dẫn đến thiệt hại mỗi khi gặp thời tiết bất lợi. Nhiều hộ còn đầu tư máy ấp trứng để nhân rộng đàn gia cầm một cách nhanh chóng và chất lượng.

Đa dạng mô hình

Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi ở Bắc Trà My đang hướng đến sự quy củ và mở rộng quy mô trang trại, gia trại theo hướng chuyên canh kết hợp bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế… Như gia đình anh Lê Huy Hoàng (tổ Đồng Trường 1, thị trấn Trà My), trước đây chỉ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ thì hai năm gần đây anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi heo giá trị gần nửa tỷ đồng, nâng tổng đàn hơn 100 con và luôn có đầu ra ổn định. Mô hình của anh Hoàng còn xây dựng hệ thống biogas vừa bảo vệ môi trường vừa dùng phân để nấu rượu nên có nguồn thu kinh tế dồi dào.

Đến nay, Bắc Trà My đã có 17 trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng thâm canh. Không chỉ chăn nuôi những loại gia súc truyền thống, địa phương cũng đang tích cực nuôi thử nghiệm những vật nuôi có triển vọng, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao và bước đầu cho kết quả tích cực như mô hình nuôi gà vườn, gà đồi, dê… Do đất đồi ngày càng khan hiếm bởi diện tích trồng keo liên tục phát triển nên các hộ đang tận dụng tối đa khoảnh đất trống để trồng cỏ voi nuôi bò. Anh Phan Phước Hương (thôn 4, xã Trà Giang) cho biết: “Trước đây gia đình chỉ canh tác quảng canh, không chăn nuôi gì phải chạy vạy từng bữa ăn. Hiện tại, nhờ vừa nuôi bò đực phối giống vừa nuôi bò thịt nên gia đình đã sắm sửa được nhiều tiện nghi trong gia đình và có của ăn của để”.

Trong định hướng, Bắc Trà My ưu tiên phát triển chăn nuôi bò thịt, tăng số lượng đàn bò cái lai làm nền, tiếp tục phát triển chăn nuôi nạc hóa đàn heo gắn với trồng cỏ nuôi bò, tiến tới nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Có thể thấy, cùng với cây keo đóng vai trò chủ lực thì chăn nuôi cũng đang dần là một ngành kinh tế mũi nhọn để Bắc Trà My nhắm đến trong phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN