Mô hình trồng lan của cựu chiến binh
Với niềm đam mê hoa lan cộng với sự cần cù, ham học hỏi, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Thuật (khối phố Nam Đông, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng loại cây này.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Thuật xuất ngũ về quê. Xuất phát từ niềm đam mê, với ít chậu hoa phong lan làm kiểng quanh nhà, ông quyết định đầu tư gần 50 triệu đồng phát triển mô hình trồng hoa phong lan. Ông cho biết, nhận thấy lan là một trong những cây cho thu nhập cao và ổn định hơn các cây trồng khác, đồng thời giúp mình thư giãn tinh thần nên quyết định đầu tư. Với diện tích đất vườn nhà hơn 1.500m2, ông đầu tư xây dựng hàng rào, nhà lưới và mua hơn 300 gốc lan Dendro, hơn 100 gốc lan Mokara. Sau khoảng một năm chăm sóc, hoa lan bắt đầu cho hoa. Trong quá trình trồng, ông vừa học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng lan của những người đi trước và tìm hiểu thông tin qua tài liệu, sách báo để nắm vững kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa, tách mầm nhân giống cho ra hoa lan với nhiều sắc màu đẹp hơn. Đến nay vườn lan của người cựu chiến binh này có khoảng 700 gốc các loại, giá mỗi chậu lan cho hoa đẹp dao động 200 - 300 nghìn đồng; trong dịp Tết Bính Thân, ông đã bán được khoảng 30 triệu đồng.
Ông Thuật bên các giỏ lan rừng tại điểm trưng bày nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Phú Ninh. Ảnh: X.NGHĨA |
Trao đổi với chúng tôi, ông Thuật cho biết, trồng phong lan, đặc biệt là giống lan Mokara không khó, chỉ cần người trồng biết kiên nhẫn và chịu khó. Trồng lan chỉ mất chi phí ban đầu, nhưng sau một năm, người trồng có thể thu hồi vốn và từ năm thứ 2 trở đi, vườn hoa có thể cho thu nhập cao. Để hoa lan ra được nhiều nhánh, nhiều bông và có màu sắc tươi, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm chọn giống, tạo môi trường thông thoáng, đủ ánh sáng và độ ẩm thích nghi, nhiệt độ trung bình 25 - 32oC, nên theo dõi và phun thuốc phòng trừ nấm bệnh cho hoa. “Tôi dự định sẽ liên kết với một số doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh để cung cấp giống cho hội viên có nhu cầu trồng lan, đồng thời đảm bảo đầu ra hoa lan một cách ổn định về số lượng cũng như giá cả” - ông Thuật cho hay.
Ông Phan Thanh Thám - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết, mô hình trồng hoa lan của ông Nguyễn Văn Thuật là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, tạo ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hội viên có hướng đầu tư trồng lan và thành lập câu lạc bộ trồng lan, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện và xóa đói giảm nghèo.
VĂN CÔNG