Chuyên canh cây ăn quả: Vẫn chưa bài bản
Là địa phương hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các loại cây ăn quả, thế nhưng các vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá rời rạc và chưa tạo hiệu quả cao.
Chưa tạo được sức bật
Quảng Nam là tỉnh có diện tích rộng, thổ nhưỡng khá đa dạng nên thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả. Tuy vậy, với thói quen canh tác và sản xuất lâu nay, phần lớn các diện tích trồng cây ăn quả được người dân trồng xen tạp và chủ yếu trong vườn nhà. Một số loại trái cây như lòn bon, bưởi Tiên Phước; bưởi trụ lông Đại Bình (Nông Sơn)… chất lượng rất tốt, nức tiếng nhiều nơi nhưng chưa đem lại giá trị kinh tế cao bởi chưa có một chiến lược phát triển hợp lý. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.700ha canh tác cây ăn quả tập trung ở các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Duy Xuyên, Đông Giang… với các loại trái cây chủ lực là lòn bon, thanh trà, chuối, măng cụt, cam,…
Các vườn chuối chuyên canh đang tạo được hiệu quả rõ nét.Ảnh: Q.TUẤN |
Điểm sáng trong các mô hình trồng tập trung cây ăn quả trong vài năm qua là việc chuyên canh cây chuối ở huyện Đông Giang, địa phương hiện có hơn 700ha chuối. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, chuối ở Đông Giang khi chín có màu vàng đỏ, có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng ưa thích. Hơn nữa, việc chỉ chuyên canh cây chuối trên diện tích rộng giúp cho việc tập trung nông sản thuận lợi để các thương lái đánh xe tải vào tận nơi đưa đi tiêu thụ thay vì gom hàng lẻ tẻ rất bất tiện. Bà Zơ Râm Thị Nép - Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây (Đông Giang) cho biết: “Vài năm gần đây xã đã phát triển được 25ha chuối, cùng với cây keo thì đây là cây trồng chủ đạo ở địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn để giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo hiệu quả”.
Nhiều lực cản
Nhiều địa phương đang hướng đến việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nhóm cây ăn quả có vai trò chủ đạo, nhưng điều này vẫn còn xa vời khi phải đối mặt với khá nhiều điều bất cập và khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, vấn đề thời tiết cực đoan có tác động rất lớn đến việc sinh trưởng và chất lượng của các loại cây ăn trái, nhất là trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Đơn cử như cây lòn bon ở Tiên Phước, nếu trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6, thời tiết khô hạn, nắng nóng liên tục kèm theo gió Lào thì hoa sẽ không phân hóa mầm trong vụ chính dẫn đến mất mùa. Qua theo dõi thực tế trên địa bàn, cứ 3 - 4 năm thì cây lòn bon ở Tiên Phước mới có một năm được mùa, sản lượng lên đến 1 nghìn tấn, các năm còn lại trái rất ít hoặc ra vụ phụ chỉ thu hoạch được khoảng 250 - 300 tấn.
Các vựa trái cây phần lớn nằm ở vùng trung du, vùng sâu vùng xa, giao thông khó khăn, diện tích tưới tiêu ít chủ động cũng là một lý do khiến các mặt hàng nông sản này chưa đạt được chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ông Tống Phước Thuần - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Tưới nước chủ động là biện pháp tiên quyết để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng của nhiều loại trái cây, thế nhưng hiện tại diện tích được tưới chủ động chỉ dưới 1% nên cứ tới mùa hạn là gặp thiệt hại nặng về sản xuất”. Thêm nữa, thói quen canh tác quảng canh, sản xuất manh mún vẫn còn tồn tại trong bộ phận lớn nông dân khiến các vườn cây ăn quả khó có thể phát triển như kỳ vọng. Theo kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng (Sở KH&CN), chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống và trồng cây ăn quả chất lượng cao phục vụ chương trình nông thôn mới ở Quảng Nam”, chỉ có khoảng 7,5ha chuyên canh tập trung một loại cây ăn quả và số này cho hiệu quả rất cao. Còn lại, nhiều hộ dân có diện tích vườn khá lớn, lên đến vài héc ta nhưng lại trồng xen tạp quá nhiều loại cây và chưa có chiến lược phát triển căn cơ dẫn đến các vườn cây ăn quả không tạo được sức bật lớn nhất là ở vùng đồng bằng.
Ngoài ra, việc quảng bá xây dựng thương hiệu nông sản vẫn còn rất hạn chế, các hợp tác xã, tổ hợp tác gần như không có vai trò trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nên các sản phẩm trái cây thường trông cả vào thương lái và hay bị ép giá. Dọc đường ĐH616 qua địa bàn xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc là người dân bày bán đủ loại trái cây như vú sữa, mít, cam… cho khách vãng lai. Bà Nguyễn Thị Tư (trú xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) bộc bạch: “Nhà tôi trồng năm cây vú sữa, năm nào cũng cho trái sum sê nhưng chưa bao giờ liên hệ thương lái hoặc các đầu mối lấy hàng. Cách hữu hiệu nhất là chỉ còn biết bày ra trước nhà bán và chờ khách đi đường tiêu thụ mỗi ngày được chừng vài chục ký mà thôi”.
QUỐC TUẤN