Đậu, ớt rớt giá
Những ngày này, nông dân trên địa bàn tỉnh bắt tay vào việc thu hoạch một số loại cây trồng cạn chủ lực, nhất là ớt và đậu cô ve. Mặc dù năng suất tăng mạnh nhưng giá bán sản phẩm giảm sâu.
Người trồng ớt lo lắng
Sáng 27.2, dẫn chúng tôi lội trên những ruộng ớt trĩu quả, bà Thái Thị Tiệm ở thôn Phú Bông (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) cho biết, vụ đông xuân 2015 - 2016 này gia đình bà trồng 5 sào ớt giống Ấn Độ. Thời gian qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi nhưng nhờ hạt giống chất lượng cao, nguồn nước tưới dồi dào và thực hiện bài bản quy trình kỹ thuật, nhất là trong khâu phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại nên năng suất bình quân 1 sào đạt 2 tấn quả tươi, tăng 15% so với những vụ trước. Tuy nhiên, bà Tiệm than phiền: “Hiện nay, toàn bộ 5 sào ớt của tôi đã đến kỳ thu hoạch rộ. Thế nhưng, thương lái thu mua sản phẩm với giá 1kg tươi chỉ 3.700 đồng, giảm 2.500 - 2.800 đồng so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nếu trong những ngày tới, giá ớt tươi trên thị trường không tăng lên thì nhiều khả năng mùa này sẽ huề vốn hoặc thua lỗ”.
Người trồng ớt ở nhiều nơi gặp khó khăn khi tình trạng được mùa mất giá tái diễn.Ảnh: H.NHI |
Nghe bà Tiệm nói vậy, bà Nguyễn Thị Ba – một hộ trồng ớt ở ngay bên cạnh liền tiếp lời: “Cả 4 sào ớt của nhà tôi bây giờ cũng đã đến kỳ hái quả. Thông thường, thương lái sẽ xuống tận nơi tranh nhau ngã giá và thu mua. Tuy nhiên, thời điểm này những ruộng ớt trĩu trái vẫn nằm im lìm, người mua thưa thớt lắm. Điều này khiến tôi hết sức lo lắng”. Theo bà Ba, trồng loại cây này tốn nhiều công sức và chi phí cho việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cũng rất cao. Mọi thứ nhà nông đều ghi nợ ở cửa hàng vật tư nông nghiệp và mong đến ngày thu hoạch, bán sản phẩm để thanh toán. Nay, giá ớt tươi thương phẩm giảm sâu so với vụ mùa năm ngoái làm họ khó khăn vì lo không đủ tiền trả các khoản nợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng hơn 57ha ớt, chủ yếu là giống Trang Nông và Ấn Độ, tập trung nhiều nhất tại các xã Duy Trinh, Duy Châu. Theo ông Ánh, qua thống kê ban đầu cho thấy, bình quân 1ha ớt nhà nông thu được 38 - 42 tấn quả tươi, tăng 10% so với các vụ trước. Thế nhưng, trước tình trạng giá bán sản phẩm giảm mạnh thì với chừng đó diện tích ớt, người dân Duy Xuyên sẽ thất thu ít nhất 5,7 tỷ đồng. Ông Ánh nói: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và đầu tư một nguồn kinh phí khá lớn để kéo hệ thống điện ra đồng nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới nên năng suất nhiều loại cây trồng cạn tăng lên đáng kể, trong đó nổi bật là cây ớt. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra của sản phẩm vẫn là một bài toán quá khó. Rất mong các ngành cấp trên có cơ chế hỗ trợ đặc thù, định hướng thông tin thị trường để người dân yên tâm sản xuất, tránh để tình trạng được mùa mất giá cứ liên tục tái diễn”.
Giá đậu cô ve cũng giảm mạnh
Những ngày này, về xã Điện Quang của thị xã Điện Bàn, đâu chúng tôi cũng thấy nhà nông tất bật thu hoạch đậu cô ve vụ đông xuân. Tuy nhiên, trên khuôn mặt của mỗi người dân đều hiện rõ vẻ buồn bởi chưa khi nào giá loại nông sản này rớt thê thảm như hiện nay. Vừa lom khom nhổ từng gốc đậu bỏ vào bao, bà Trần Thị Lệ ở thôn Xuân Đài vừa cho hay, đầu tháng 11 âm lịch năm ngoái gia đình bà tiến hành cải tạo đất rồi triển khai gieo trồng 6 sào đậu cô ve xen canh với cây ớt. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên thời gian qua cây đậu cô ve phát triển tốt, ra rất nhiều trái và không bị nấm bệnh tấn công. Do vậy, năng suất đạt rất cao, bình quân 1 sào trồng xen canh ớt thu hoạch được 80kg đậu khô, tăng 10kg so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa kịp mừng trước việc sản lượng đậu cô ve đạt cao thì bà Lệ đã phải buồn rầu vì giá bán sản phẩm chỉ 15 nghìn đồng/kg, bằng 60% so với vụ trước. “Bao nhiêu năm gắn bó với cây đậu cô ve, chưa vụ nào tôi chứng kiến giá bán tụt dốc không phanh như rứa. Mùa đậu này, bình quân 1 sào đất nhà nông chúng tôi mất tệ chi cũng 1,5 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với những người nông dân cứ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” - bà Lệ than.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, đông xuân 2015 - 2016 nông dân trên địa bàn thị xã gieo trồng 182ha đậu cô ve, tập trung chủ yếu ở 3 xã thuộc vùng Gò Nổi gồm Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang. Ông Chơi nói: “Qua khảo sát, đánh giá tại nhiều nơi thì vụ này năng suất đậu cô ve bình quân trên toàn thị xã đạt 130kg khô/sào, tăng 10 - 15kg so với đông xuân trước. Thế nhưng, những ngày qua, giá bán loại đậu này trên thị trường chỉ ở mức 14 nghìn đồng/kg, trong khi đó năm ngoái giá 1kg là 24 nghìn đồng. Sản lượng tăng mạnh nhưng giá bán giảm sâu khiến người trồng đậu không lấy gì làm vui”.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào cuối tuần qua, bà Lương Thị Thủy – Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN&PTNT) cho biết, đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh sản xuất khoảng 1.700ha đậu cô ve và 751ha ớt các loại. Thời điểm này, nhà nông đang tập trung thu hoạch 2 loại nông sản ấy và dù năng suất tăng nhưng trước tình trạng giá bán sản phẩm tụt giảm mạnh đã khiến hàng nghìn gia đình nông dân rầu lòng. Thêm một lần nữa, cái cảnh được mùa mất giá lại tái diễn, không biết đến khi nào người dân mới nắm thế chủ động trong vấn đề cung ứng hàng hóa nông sản và định đoạt giá cả thị trường?
HOÀI NHI