Điểm sáng phát triển kinh tế

25/01/2016 09:55

Thay đổi mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập là hướng đi mới đã và đang được nhiều hộ dân ở Bình Chánh (Thăng Bình) thực hiện đạt hiệu quả.  Anh Đoàn Văn Như (tổ 2, thôn An Bình, xã Bình Chánh) đang là chủ một gia trại chăn nuôi heo tại địa phương. Sau một thời gian làm nghề xây dựng, chuyên thiết kế, xây dựng các trang trại chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh, anh Như đã quyết tâm trở về địa phương để thực hiện ước mơ mở gia trại nuôi heo. Mô hình của anh được đầu tư khép kín, với khu chuồng trại, hầm biogas và hồ điều hòa nước thải. Anh Như cho biết, vấn đề anh quan tâm đầu tiên khi xây dựng gia trại chăn nuôi heo là môi trường. Do đó, mặc dù số lượng heo khá lớn, (khoảng 120 con heo) nhưng vẫn đảm bảo môi trường sạch, không có mùi hôi. Sau một thời gian mua heo giống về nuôi, đến nay anh Như đã đầu tư thêm 20 con heo nái nhằm trực tiếp phục vụ con giống cho gia trại của mình. Hiện nay, mô hình nuôi heo của gia đình anh Như phát triển rất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hộ dân tìm đến học tập. Trung bình cứ 4 tháng là anh Như xuất một lứa heo 100 con, trừ các khoản đầu tư, mỗi năm gia đình thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng.Chị Phan Thị Thủy với mô hình làm bún, phở khô. Ảnh: VINH ANHThương hiệu bún, phở khô Thành Mỹ của vợ chồng chị Phan Thị Thủy (thôn An Bình, xã Bình Chánh) hiện rất nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa thích. Sản phẩm này đang được giới thiệu, trưng bày tại Hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam 2016. Đây là một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu của xã Bình Chánh. Cách đây 5 năm, gia đình chị Thủy được địa phương lựa chọn đưa đi học tập kinh nghiệm làm bún, phở khô tại Hà Tây (Hà Nội), sau đó được hỗ trợ kinh phí để đầu tư mua máy móc mở cơ sở. Hiện nay, cơ sở của chị Thủy vừa được đầu tư thêm máy sấy với công suất lớn, đảm bảo sấy bún, phở hiệu quả và an toàn vệ sinh. Chị Thủy cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở sử dụng khoảng 2,5 - 3 tạ gạo để sản xuất khoảng 180 - 200kg bún, phở; cho thu nhập 15 – 20 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, vừa để trang trải cho cuộc sống, vừa có tiền nuôi con ăn học. Ngoài ra, cơ sở của chị Thủy còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương. Hiện nay, sản phẩm không chỉ có mặt trên địa bàn huyện Thăng Bình mà còn được xuất đi nhiều địa phương khác trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh, như tỉnh Gia Lai, Bình Phước…Ngoài cơ sở của vợ chồng chị Thủy, hiện nay trên địa bàn xã Bình Chánh còn có thêm một cơ sở làm bún, phở khô và một số cơ sở khác làm bún tươi. Đây là mô hình sản xuất có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương từ nông nghiệp qua tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.ANH ĐÔNG