Vào mùa kiệu tết

19/01/2016 15:12

(QNO) - Dù có biến động về giá hay thời tiết không mấy thuận lợi thì kiệu vẫn được xem là “cây ăn tết” của bà con vùng cát Bình Phục, Bình Giang (Thăng Bình).Người dân hối hả thu hoạch kiệu. Ảnh: Đông DươngCả thôn Tất Viên, xã Bình Phục có đến hơn 90% hộ trồng kiệu. Người ít nhất cũng trồng hai sào, người trồng nhiều có thể lên đến bảy, tám sào. Theo những người nông dân ở đây, kiệu thích hợp với đất cát, mưa nhiều. Năm nay, nắng kéo dài nên bắt đầu từ tháng 8 bà con mới xuống giống. Thời điểm thu hoạch này, trời mưa, người thu mua không phơi sấy được nên giá kiệu giảm. Kiệu to đầu mùa là 20.000 đồng/kg giờ giảm còn 18000 đồng/kg. Kiệu nhỏ giá khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg. Lái buôn Nguyễn Thảo nói: “Kiệu to thị trường Đà Nẵng ít chuộng nên mình cũng bị ép giá. Ngược lại, thị trường cánh trong, xuất vào TP.Hồ Chí Minh lại chuộng kiệu to nhưng cạnh tranh gay gắt với kiệu Bình Định, Nha Trang. Còn kiệu nhỏ, giá thơ nên ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng dễ bán hơn”. Ông Thảo cũng cho biết thêm, từ đầu tháng 12 âm lịch thị trường kiệu đã bắt đầu sôi động, đến rằm sẽ là cao điểm. Hiện nay, mỗi ngày ông Thảo thu mua tại địa phương và xuất khoảng 5 - 6 tấn vào TP.Hồ Chí Minh.Phụ gia đình cắt kiệu. Ảnh: Đông DươngNăm nay, thời tiết khô hạn cộng với sâu bệnh nên năng suất giảm gần một nửa so với năm ngoái, trung bình người nông dân thu được từ 2 - 4 triệu đồng/sào. Hàng chục năm nay, kiệu đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vào dịp tết. Dù mất mùa, rớt giá thì đây vẫn được xem là cây trồng chủ lực của người dân vùng cát.Mùa kiệu năm nay, bà Ngô Thị Nhung, thôn Tất Viên, xã Bình Phục mặc dù đã 75 tuổi lại là lao động duy nhất trong nhà nhưng vẫn canh tác 2 sào kiệu. Bà cho biết: “Khi trồng thì trời nắng, phải chờ có mưa mới trồng; đến khi thu hoạch thì trời lại mưa, không phơi sấy được, khó bán. Nhưng dù ít dù nhiều thì nhờ kiệu mới có đồng vào đồng ra dịp tết”.Còn ông Trần Ngọc Sơn, xã Bình Phục chia sẻ: “Có rớt giá cũng không bỏ kiệu được, nguồn thu chính để tiêu tết mà. Hơn nữa, mặc dù sâu bệnh nhưng đất cát ở đây chỉ thích hợp với kiệu. Bỏ cây kiệu thì biết trồng cây gì, hàng chục năm nay trồng kiệu rồi”. Trước đó, một số hộ dân cũng thử thay bằng ớt, môn; tuy nhiên các loại cây này không dễ chăm sóc như kiệu và thường bị nấm nên không đưa vào trồng đại trà. Thay vào đó, người dân tiến hành trồng xen canh các loại cây như: đậu đen, bí, bắp, thu hoạch kiệu xong bà con tiến hành chăm bón và khoảng tháng 1, tháng 2 âm lịch thì thu hoạch các loại cây này.THU SƯƠNG - ĐÔNG DƯƠNG