Đầu ra ổn định cho cây sắn

BẢO HOÀNG 05/01/2016 10:36

Hơn 4 năm trở lại đây, những diện tích trồng sắn của nông dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đến vụ mùa thu hoạch đều được thu mua hết, không còn lượng sắn tồn đọng, góp phần đem lại thu nhập cho người dân.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lài ở thôn Thọ Tân (xã Tam Ngọc) có 4 sào đất trồng sắn xen canh đậu phụng. Hàng năm vào tháng 10 dương lịch, gia đình bà bắt đầu tỉa đậu và trồng sắn, đến tháng 10 năm sau thì thu hoạch. Tính đến thời điểm này, bà đã thu hoạch được 4 tấn sắn trên diện tích 2 sào. Với giá bán cho nhà máy hiện nay là 1.450 - 1.500 đồng/kg thì bà Lài đã thu lãi được gần 6 triệu đồng. Trong khi đó công chăm sóc không bao nhiêu, choái dùng để trồng sắn đã có sẵn ở gia đình nên không tốn chi phí mua. Bà Lài cho biết: “Cây sắn trồng ra thu mua được giá nên rất ổn định cho đời sống người dân. Cây sắn tuy trồng dài ngày nhưng đến tháng mưa dân không có tiền nên có sắn bán gia đình tui cũng đỡ chi phí mua đậu giống, mua sắn cho mùa sau”.

Điểm tập kết thu mua sắn ở Tam Ngọc. Ảnh: B.H
Điểm tập kết thu mua sắn ở Tam Ngọc. Ảnh: B.H

Hầu hết sắn do các hộ dân của xã Tam Ngọc trồng sau khi thu hoạch đã được bà Nguyễn Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Ngọc Bích đứng điểm thu mua. Được biết cách đây 4 năm, nhận thấy sản lượng sắn của địa phương trồng nhiều nên bà Hồng đã liên hệ với các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Quế Sơn và các tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Việc thu mua bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 1 dương lịch năm sau. Nhà máy điều xe tải, bà Hồng thuê nhân công chuyên chở và bốc vác. Thời điểm này, mỗi ngày bà Hồng thu mua của các hộ dân xã Tam Ngọc 20 tấn sắn. Trung bình mỗi hộ 5 - 6 tấn, hộ nhiều nhất 8 - 10 tấn. Không chỉ mua ở xã Tam Ngọc, bà Hồng còn mở rộng ra các địa phương lân cận như các xã Tam Xuân, Tam Trà (huyện Núi Thành), Tam An (huyện Phú Ninh). Việc thu mua đã góp phần tiêu thụ lượng sắn trên địa bàn. Bà Hồng nói: “Cây sắn thu hoạch vào mùa mưa nếu không được thu mua thì nhân dân đều bỏ thối hết. Đợt này tôi mua mỗi nhà từ 5 đến 7 triệu đồng. Người dân có thêm vốn để lo cho vụ sau”.

Xã Tam Ngọc hiện có gần 30ha trồng sắn rải đều ở 7 thôn. Trong khi đó nhu cầu của các nhà máy chế biến luôn cao. Nhận thấy việc thu mua của bà Hồng có tính lâu dài, Hội Nông dân xã đã phối hợp với bà Hồng cùng nhiều hộ trên địa bàn thực hiện tốt hơn công tác thu mua; đảm bảo các diện tích sắn sau khi thu hoạch đều bán hết cho nhà máy. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn khuyến khích bà con trồng giống sắn cho năng suất cao. “Những năm trước, người dân không dám trồng sắn nhiều vì không có đầu ra. Thời gian gần đây, Hội Nông dân xã có hội viên đứng ra thu mua cây sắn ổn định nên nông dân tin tưởng để phát triển cây trồng này” - ông Trương Vĩnh Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngọc cho biết.

Trước đây cây ớt tại xã Tam Ngọc cũng được Công ty Quế Quảng Nam (thuộc Cụm công nghiệp Trường Xuân) thu mua ổn định. Tuy nhiên, vì không đáp ứng được sản lượng từ yêu cầu của doanh nghiệp nên hợp đồng đã dừng. Để tránh tình trạng này lặp lại, Hội Nông dân xã Tam Ngọc đã định hướng để diện tích trồng sắn của nông dân có thể mở rộng, tìm đầu ra ổn định. Ông Trương Vĩnh Bá cho biết thêm: “Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ liên hệ với doanh nghiệp thu mua cây sắn ngay từ đầu năm, đồng thời thành lập tổ hợp tác để thu mua, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa cho nông dân. Đối với nông dân, một khi sản phẩm làm ra được tiêu thụ, có giá bán ổn định thì họ yên tâm sản xuất. Và có một điều quan trọng, để doanh nghiệp tìm đến với sản phẩm của mình thì chính những người dân phải nhanh nhạy tự liên hệ tìm đầu ra; đồng thời có sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể địa phương. Có như vậy, người dân mới không phải đối mặt với chuyện sản phẩm làm ra không có ai mua”.

BẢO HOÀNG

BẢO HOÀNG