Chi trả hưởng lợi cho người dân trồng cao su: Cần có tiếng nói chung
Do không thống nhất việc chia lợi nhuận với Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang nên người dân trồng cao su ở thôn Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cương quyết không cho công ty khai thác mủ.
Không đúng cam kết
Hiện tại, có 31 hộ tại thôn Đồng Râm hợp tác trồng cao su với Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang, tổng diện tích là 43ha. Người dân khi góp đất trồng cao su sẽ được công ty hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha, trả công phát dọn 900 nghìn đồng/ha. Mới đây, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang tiến hành lấy mủ đợt 1 và 2 thì gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Bà Ngô Thị Hường (thôn Đồng Râm) cho biết, gia đình bà có 1,4ha đất giao cho công ty cao su trồng đã đến kỳ thu hoạch mủ. Tuy nhiên, bà chưa đồng ý để công ty vào khai thác vì cho rằng công ty mập mờ trong việc chi trả tiền như thỏa thuận ban đầu. “Công ty đã họp, đối thoại với chúng tôi nhưng cách giải thích của họ không rõ ràng. Lúc đầu, họ cam kết chúng tôi sẽ được hưởng theo doanh thu từ 35 đến 40% giá bán thị trường từng thời điểm trên sản phẩm mủ của công nhân, hộ giao khoán giao thành phẩm. Nhưng giờ họ lại cộng thêm tiền thuế, tiền vận chuyển vào số tiền đó thì không được. Đã là doanh nghiệp thì nghĩa vụ nộp thuế là của công ty, tại sao lại bắt chúng tôi gánh khoản tiền đó?” - bà Hường nói.
Cần sớm tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người dân để tiếp tục phát triển cây cao su ở Nam Giang. Ảnh: N.D |
Cũng theo bà Hường, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang buộc các hộ giao khoán đất phải cạo mủ cao su thì mới được hưởng số tiền phần trăm, còn nếu không thì công ty sẽ dùng số tiền đó để thuê nhân công tiến hành cạo mủ. “Gia đình tôi có 1,4ha trồng cao su, người nhà thì ít, lại lớn tuổi. Giờ bảo gia đình tôi tiến hành cạo mủ cho 1,4ha đó thì đến khi nào cho xong? Nếu thuê người thì với số tiền ít ỏi đó cũng chẳng đủ để trả cho người ta. Ròng rã 7 năm trời từ khi giao đất cho công ty, chúng tôi ai cũng muốn có ngày sẽ được hưởng lợi. Nhưng nếu làm như thế này thì chúng tôi lấy gì ăn? Nếu không giao đất trồng cao su, trong 7 năm đó chúng tôi vẫn có thể trồng đậu, tỉa bắp mà sống, giờ như thế thì làm sao chúng tôi chịu được…” - bà Hường nói thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quy chế hưởng lợi của người tham gia phát triển trồng cao su trong vùng dự án có ghi rõ: về tiền lương, công nhân hoặc hộ nhận khoán nhận chăm sóc, quản lý, bảo vệ vườn cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản thì được công ty trả lương theo đơn giá của từng khâu công việc. Nếu hộ nhận khoán chăm sóc, quản lý, bảo vệ vườn cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản thì được công ty trả lương theo đơn giá của từng khâu công việc. Hết thời hạn chăm sóc vườn cây cao su kiến thiết cơ bản, vườn cây đưa vào kinh doanh, công ty sẽ đào tạo tay nghề cạo mủ cho công nhân, hộ nhận khoán và được hưởng theo doanh thu 35 - 40% giá bán theo giá cả thị trường từng thời điểm trên sản phẩm mủ của công nhân, hộ nhận khoán giao thành phẩm… Như vậy, trong quy chế hưởng lợi này hoàn toàn không nhắc đến việc người dân phải chịu tiền thuế, tiền vận chuyển, tiền chế biến… “Chính điều này làm người dân thắc mắc, bức xúc. Chúng tôi đã họp và đề nghị phía công ty sớm làm rõ mọi chuyện để người dân được hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại” - bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết.
Nhiều khoản phát sinh
Theo ông Trương Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang, tiền lương được chi trả hiện nay của công ty đối với công nhân, lao động khai thác là 2.500 đồng/kg mủ nước. Mất 4,3kg mủ nước để chế biến thành 1kg mủ thành phẩm. Hiện nay giá trên thị trường là 25.800 đồng/kg mủ cao su thành phẩm, thuế VAT là 5%, chi phí vận chuyển và tiền chế biến 5.000 đồng/kg, tiền công bón phân là 800 đồng/kg. “Sau khi trừ tất cả khoản đó, công ty chi trả cho công nhân, người lao động 10.750 đồng/kg mủ thành phẩm. Như vậy chiếm trên 50% so với doanh thu của công ty. Do giá cả cao su bị giảm mạnh nên số tiền người dân được hưởng ít chứ thực ra chúng tôi hoàn toàn làm theo cam kết ban đầu, thậm chí chấp nhận phần lỗ về mình để đảm bảo đời sống của người dân…” - ông Thu nói.
Không đồng ý với quan điểm này, người dân thôn Đồng Râm cho rằng công ty không nên bắt người dân phải chịu tiền thuế, tiền vận chuyển và chế biến. “Trước đây, họ đâu có nói là chúng tôi phải chịu những khoản đó. Giờ họ trừ khoản này khoản nọ, lại bắt chúng tôi phải trực tiếp cạo mủ thì mới được hưởng, còn nếu không thì coi như mất trắng” - ông Hoàng Văn Ru (một người trồng cao su) cho biết. Trước phản ứng của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức họp đối thoại giữa hai bên để thống nhất phương án cụ thể nhưng vẫn chưa có được đáp án cuối cùng. Ông Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: “Phía công ty đưa ra nhiều khoản trừ chi phí cho mỗi ký mủ cao su thành phẩm mà trước đây chưa hề nhắc đến với người dân. Quy chế hưởng lợi trước đây cũng không rõ ràng, cụ thể, nên giờ rất khó” - ông Bình nói. Trong khi đó, ông Trương Thu cho rằng, người dân cần kiên nhẫn chờ đợi. “Đây mới chỉ là lần lấy mủ thứ 2 nên năng suất thấp, thêm nữa là giá cả thị trường tụt dốc nhanh nên doanh thu ít. Nhưng cây cao su đạt năng suất cao nhất từ khoảng năm thứ 10 trở lên. Khi đó người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn…”.
NGUYỄN DƯƠNG