Liên kết sản xuất cây trồng cạn

Q.VIỆT - V.SỰ 18/12/2015 09:46

Liên kết sản xuất trong nông nghiệp giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Đã có nhiều mô hình liên kết tại các địa phương trong thời gian qua, tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong đợi.

Trồng dưa leo Nhật Bản

Vụ hè thu năm nay, UBND phường An Phú (TP.Tam Kỳ) phối hợp với Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Việt Thắng (gọi tắt là Công ty Việt Thắng) triển khai mô hình trồng dưa leo Cho Ka Nhật Bản trên 3ha đất trồng lúa thiếu nước tưới ở khu vực rạch Bà Lựu, thuộc khối phố Ngọc Nam. Hai mươi hộ dân tham gia mô hình được Công ty Việt Thắng cung cấp giống dưa leo Cho Ka, các vật tư thiết yếu, quy trình kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm. Trong khi đó, UBND phường An Phú thực hiện đóng 5 giếng bơm nước, kéo 1 nghìn mét dây điện ra đồng để bơm nước cũng như hoàn thiện giao thông nội đồng để người dân thuận tiện sản xuất. “Mô hình trồng dưa leo Nhật Bản ngắn ngày đem lại giá trị kinh tế ổn định cho các hộ nông dân vốn sản xuất bấp bênh, thu lợi ít do trồng lúa mà không chủ động được nước tưới. Qua khảo sát cho thấy dưa leo Cho Ka phù hợp với điều kiện canh tác của người dân khối phố Ngọc Nam nên chúng tôi kỳ vọng thành công của mô hình sẽ mở ra hướng mới trong sản xuất vào mùa khô ở các địa bàn khác của phường” - ông Nguyễn Thành Lệ, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú nói.

Thu hoạch sắn ở xã Bình Quý. Ảnh: Q.VIỆT
Thu hoạch sắn ở xã Bình Quý. Ảnh: Q.VIỆT

Nhờ sản xuất tập trung, chuyên canh và áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật đã được tập huấn trước đó nên năng suất dưa leo thu hoạch đạt mức tương đối cao. Ông Nguyễn Ngọc Tín canh tác dưa leo trên 10 sào, cho biết: “Từ khi bắt đầu sản xuất cho đến lúc thu hoạch, gia đình chúng tôi không gặp trở ngại chi. Năng suất ổn định ở mức hơn 3 tấn/sào. Với giá bán 2 nghìn đồng/kg, gia đình thu được hơn 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lợi được hơn 30 triệu đồng”. Tuy nhiên, theo ông Tín, mặc dù Công ty Việt Thắng cung cấp giống và hỗ trợ vật tư nhưng giá thành sản xuất mà họ trừ ra khi thu mua sản phẩm là 3 triệu đồng/sào, cao hơn thực tế rất nhiều. Ngược lại trên thị trường, giá các loại dưa ổn định ở mức 8 nghìn đồng/kg mà doanh nghiệp chỉ thu mua với mức 2 nghìn đồng/kg là quá thấp. “Ở vụ sản xuất tới, chúng tôi dự định sẽ trồng dưa gang nếu Công ty Việt Thắng không nâng giá mua dưa leo Cho ka. Vì rằng, chung quy mô hình ni cũng chỉ lấy công làm lời. Nếu năng suất không đạt như hiện tại thì sẽ không thu lợi nhiều” - ông Tín nói.

Trồng sắn ở vùng khô hạn

Tháng 4.2015, Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình triển khai mô hình liên kết sản xuất sắn và bao tiêu sản phẩm ở 4 xã Bình Quý, Bình Định Nam, Bình Định Bắc và Bình Trị với tổng diện tích 200ha thuộc những chân ruộng lúa thiếu nước sản xuất. Tham gia mô hình, các nông hộ được ngành chức năng của huyện Thăng Bình hỗ trợ 100% hom sắn giống KM94 còn Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam hỗ trợ 100% phân hữu cơ, tập huấn quy trình sản xuất. Thời điểm này, các nông hộ ở 4 xã tham gia mô hình đang bắt đầu thu hoạch sắn. Bà Trương Thị Lộc (thôn Quý Xuân 1, xã Bình Quý) cho biết: “Tham gia mô hình, tôi trồng sắn trên 4 sào. Khu vực này thiếu nước tưới từ bao lâu nay nên không còn trồng lúa nước được, chừ trồng sắn mà được bao tiêu đầu ra thì rất vui vì có thêm nguồn thu nhập dù không lớn lắm”. Sau 8 tháng sản xuất, gia đình bà Lộc được Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam đến thu mua sắn ngay tại vùng sản xuất, thu được 8 triệu đồng. Còn ông Đỗ Tấn Sang ở cùng thôn với bà Lộc thì cho hay: “Mặc dù thời điểm bắt đầu trồng sắn thì phải cung cấp đủ nước tưới để sắn sinh trưởng tốt nên cũng vất vả nhưng sau đó thì chỉ chăm sóc đơn thuần, ít tốn công. Chừ thì gia đình thu được 4 triệu đồng sau khi trồng sắn trên 2 sào, không nhiều nhưng cũng phấn khởi”.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, từ hiệu quả bước đầu của mô hình liên kết trồng sắn có bao tiêu sản phẩm, huyện sẽ nhân rộng trong thời gian tới. “Tiếp tục trồng sắn KM94 trên những chân ruộng không chủ động nước tưới là điều cần thiết. Sản xuất sắn KM94 sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu về giống, cây trồng tại địa phương, tạo ra những vùng thâm canh sắn theo hướng sản xuất bền vững thay thế trồng lúa nước mà chỉ chờ nước trời. Chúng tôi đề nghị Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam hỗ trợ phân bón vi sinh và định giá cụ thể, ký hợp đồng trước để nông hộ yên tâm sản xuất” - ông Vũ nói.

Ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam cam kết sẽ thu mua toàn bộ lượng sắn của nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình sản xuất được trong thời gian đến theo giá thị trường. Ông Khoa khuyến cáo các nông hộ nên chọn lấy hom sắn giống ở những cây đủ già, đặc ruột, sạch sâu bệnh, tránh tổn thương lớp vỏ. Sau khi chặt hom sắn giống, nông hộ đem trồng ngay thì tốt nhất. Nếu chưa đúng thời gian sản xuất thì nên bảo quản bằng cách để nơi râm mát, dùng bẹ chuối buộc xung quanh hoặc dùng rơm rạ phủ lên hom sắn. Khi trồng sắn, cần cắm hom thẳng đứng, chiếm khoảng 1/3 chiều dài hom sắn.

Q.VIỆT - V.SỰ

Q.VIỆT - V.SỰ