"Vựa bò" bên dòng Vu Gia
Những năm gần đây, vùng bãi bồi trồng hoa màu ven sông Vu Gia qua thôn Mỹ Phiếm (thôn 10), xã Đại Cường, Đại Lộc được ví như “bầu sữa” ngọt nuôi nấng đàn bò khổng lồ, đem lại cuộc sống no ấm nơi đất nghèo.
Ngôi làng nhỏ Mỹ Phiếm nằm ven sông Vu Gia mát mẻ, những cánh đồng cỏ, cánh đồng hoa màu xanh rờn là nguồn thực phẩm dồi dào để phát triển chăn nuôi. Mỗi năm, cứ từ tháng 6 âm lịch, khi những vụ mùa đã thu hoạch xong, những cánh đồng lại nhường chỗ cho cỏ mơn mởn, trải dài tít tắp, là nơi để đàn bò mặc sức gặm cỏ. Rồi cuối tháng 10 âm lịch, khi vụ mùa mới lại bắt đầu thì những cánh đồng cỏ lùi dần, nhường chỗ cho cây hoa màu. Sản phẩm lẫn nguồn phụ phẩm từ cây bắp, đậu cũng lại là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò.
Chuyện một thôn chỉ tròm trèm 200 hộ dân nhưng đã có 60 - 70% số hộ đầu tư nuôi bò bên cạnh trồng cây màu chuyên canh nghe đã thán phục. Trên đường về sau một ngày cần mẫn tỉa hạt, xuống giống rau màu đông xuân, nhiều nông dân của làng đã vui vẻ kể, chính nhờ con bò mà dân trong làng trở nên khấm khá, có thể nuôi con ăn học đàng hoàng, nhiều người đã tạo dựng được nhà cửa khang trang và có trong tay chút vốn liếng. Thấy các giống bò lai sind, bò siêu nạc được thị trường ưa chuộng, giá cả tốt, nhiều người đã thay con bò vàng, du nhập giống bò mới vào địa phương, rồi tìm kiếm, sưu tầm các giống cỏ voi, cỏ tím nhằm tạo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi. Nhờ không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nuôi cũng như làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin, tiếp cận dịch vụ thú y trọn gói, đàn bò của thôn hiện phát triển lên tới 650 con.
Sau những ngày mùa, những cánh đồng cỏ là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò của làng Mỹ Phiếm. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Trưởng thôn 10 - ông Lê Thanh Bình chia sẻ, chăn nuôi bây giờ đã khác xưa rồi, bò được nuôi trong chuồng sạch sẽ, thoáng mát, có hộ còn đầu tư hầm biogas để giảm ô nhiễm môi trường. Thấy được giá trị đàn vật nuôi, nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng để làm chuồng, kết hợp chòi tránh lũ cho bò. Bởi sống ở vùng trũng ven sông Vu Gia này quanh năm luôn phải đối mặt với lũ lụt, mùa lũ phải di cư người và tài sản, đàn bò cũng phải được di tản đến những nơi cao ráo. Từ khi có chòi tránh lũ cho bò, làng này không còn cảnh người người í ới dắt bò chạy lũ nữa. Nhiều hộ đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ kết hợp cả chăn nuôi và trồng trọt. Nhà ít thì có 4 con bò, nhà có nhân công thì nuôi hàng chục con, có hộ nhẩm tính tổng giá trị đàn bò lên tới 300 triệu đồng. “Đàn bò là cả tài sản lớn của gia đình, là nguồn xoay xở khi có chuyện đại sự, còn trồng trọt thì chỉ đắp đỗi qua ngày thôi” - ông Bình tâm sự.
Đàn bò nơi đây khỏe mạnh, phát triển tốt, thịt ngon là nhờ có một thời gian dài trong năm chăn thả rông trên “thảo nguyên”. Việc kết hợp cả hai hình thức chăn nuôi chốt chuồng vỗ béo, tránh mưa lũ và thả rông là sự linh hoạt của nhà nông Mỹ Phiếm. Nhiều hộ còn tìm cách cải thiện môi trường bằng việc tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho cây màu, cải tạo đất hoặc nếu dư dả thì bán đi các nơi khác. Nếu trước, nghe nói tới làng Mỹ Phiếm, nhiều người lo ngại bởi con đường từ làng dẫn tới xã chỉ là đường đất nhỏ mưa lầy nắng bụi thì nay, đường sá đã được bê tông chạy dài tới tận đầu thôn. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay chăm chỉ, sở hữu trong tay đàn bò lớn bé lên tới hàng trăm triệu đồng, ví như hộ ông Nguyễn Được, Huỳnh Khánh, Lê Phước Xá, Cao Quốc Hùng… Với hộ ông Nguyễn Được, ngoài bám trụ 1 mẫu đất màu, vợ chồng ông còn sở hữu đàn bò cả chục con. Chính con bò đã giúp gia đình ông Được đổi đời, nhà cửa xây dựng khang trang hơn trước, vợ chồng ông còn đủ sức lo cho 2 con ăn học, lại chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi già.
Theo ông Trần Quốc Đạt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường, hiện tỷ trọng ngành chăn nuôi toàn xã chiếm 45% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn bò toàn xã có khoảng 2.000 con thì riêng thôn 10 đã có tới 650 con. Với điều kiện của một xã thuần nông, địa phương đã khuyến khích nông dân chú trọng phát triển chăn nuôi để ổn định kinh tế, bên cạnh cây rau màu. Nhưng để có được thành tựu trong chăn nuôi, phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, cải tạo giống, cho tới khâu chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng thâm canh. Địa phương cũng khuyến khích nông dân tiếp tục đầu tư chuồng trại kiên cố, đảm bảo phòng tránh lũ; tạo điều kiện để hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ đầu tư nuôi bò, có cơ hội thoát nghèo bền vững.
HOÀNG LIÊN