Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp: Chưa đáp ứng nhu cầu

NGUYỄN SỰ - QUANG VIỆT 24/11/2015 08:54

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã tập trung nhiều kênh vốn để xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều nơi cho thấy, nguồn lực đầu tư vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…

Bê tông hóa hệ thống kênh trên cánh đồng Xuyên Đông ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên). Ảnh: VĂN SỰ
Bê tông hóa hệ thống kênh trên cánh đồng Xuyên Đông ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên). Ảnh: VĂN SỰ

Nỗ lực thi công

Trước yêu cầu bức thiết của thực tiễn sản xuất, tại cuộc làm việc với các ngành liên quan mới đây, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thống nhất với đề xuất của Sở NN&PTNT kiến nghị HĐND tỉnh xem xét cho tiếp tục thực hiện chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương trong 5 năm tới theo hướng ưu tiên hỗ trợ kinh phí những xã thuộc diện về đích nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang cũng yêu cầu Sở NN&PTNT khi xây dựng cơ chế trình HĐND tỉnh phải nâng mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho khu vực miền núi lên 90% thay vì 80% như trước, còn vùng đồng bằng vẫn giữ nguyên mức 60%.

Hàng chục năm nay, 25ha lúa và 2ha hoa màu trên cánh đồng Xuyên Đông, thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) luôn cho năng suất thấp vì nguồn nước tưới bấp bênh. Trước thực trạng đó, cách đây không lâu, ngành nông nghiệp Duy Xuyên cùng chính quyền xã Duy Vinh triển khai bê tông hóa 2km kênh mương để đảm bảo cung ứng nước tưới cho Xuyên Đông. Công trình này có vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 90%, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, để chủ động phục vụ sản xuất, từ năm 2012 đến nay với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương đã đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng tiến hành kiên cố hóa gần 6km kênh mương. Nhờ vậy, trong tổng số 244ha đất nông nghiệp trên toàn xã, đến thời điểm này đã có ít nhất 83% bảo đảm nguồn nước tưới.

Những năm qua, rất nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 160 (ngày 22.4.2010) và Nghị quyết số 61 (ngày 14.12.2012) của HĐND tỉnh về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa kênh mương, giai đoạn 2011 - 2015, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Quảng Nam đã đầu tư hơn 742 tỷ đồng cho chương trình này. Trong đó, ngân sách tỉnh 215 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi 45 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách trung ương, vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 106 tỷ đồng và xấp xỉ 376 tỷ đồng do các địa phương, đơn vị tranh thủ lồng ghép nhiều kênh vốn hợp pháp khác.

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015 các địa phương đã tiến hành xây mới, nâng cấp, sửa chữa 176 công trình thủy lợi nhỏ với kinh phí đầu tư gần 168 tỷ đồng, trong đó tỉnh phân bổ xấp xỉ 85 tỷ đồng. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có thêm hơn 3.157ha đất sản xuất lúa chủ động nguồn nước tưới. Toàn tỉnh cũng đã triển khai thi công 89 công trình thủy lợi hóa đất màu đảm bảo phục vụ tưới cho 2.157ha chuyên canh, xen canh các loại rau đậu và cây trồng cạn chủ lực với kinh phí 74,24 tỷ đồng, trong đó tỉnh phân bổ 38,16 tỷ đồng. Đồng thời kiên cố hóa 370km kênh mương loại 3 để tưới ổn định cho hơn 11.200ha đất canh tác với tổng số tiền đầu tư 368,36 tỷ đồng, trong đó tỉnh phân bổ 197,11 tỷ đồng. Bằng nguồn ngân sách tập trung của tỉnh và các nguồn vốn ODA, trong 5 năm qua các đơn vị liên quan cũng đã kiên cố thêm 69km kênh mương loại 3 với kinh phí 131,73 tỷ đồng, trong đó tỉnh phân bổ 46,16 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện còn 2.000km kênh mương chưa được kiên cố hóa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Toàn tỉnh hiện còn 2.000km kênh mương chưa được kiên cố hóa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đánh giá về hiệu quả của chương trình này, ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Kết quả đạt được thể hiện sự quan tâm rất lớn của các ngành ở tỉnh, sự vào cuộc hết sức quyết liệt của chính quyền các cấp; đặc biệt là tinh thần hưởng ứng của nhân dân. Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, những năm qua năng suất nhiều loại cây trồng tăng lên đột biến. Hàng loạt địa phương đã tạo dựng được những cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nông dân. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới”.

Nhu cầu còn quá lớn

Tiếp tục đầu tư

Theo mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp 192 công trình thủy lợi nhỏ, thi công 109 công trình thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa 119km kênh mương loại 2. Thế nhưng, qua 5 năm triển khai, chỉ thực hiện được 176 công trình thủy lợi nhỏ, 89 công trình thủy lợi hóa đất màu và 69km kênh mương loại 2.

Ông Lê Muộn cho biết, nếu được HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Nam sẽ tiếp tục kiên cố hóa ít nhất 400km kênh mương loại 3 với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 280 tỷ đồng. Đồng thời kiên cố hóa 100km kênh mương loại 2 với tổng số tiền 200 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn của các dự án ODA. Đối với thủy lợi hóa đất màu, sẽ thi công thêm 60 công trình, trong đó bình quân mỗi năm tỉnh hỗ trợ 12 tỷ đồng. Còn về thủy lợi nhỏ, cũng sẽ xây mới, nâng cấp, sửa chữa thêm 60 công trình (90 tỷ đồng) bằng nguồn vốn lồng ghép từ một số chương trình như 30a, 135, nông thôn mới… (MAI NHI)

Những năm qua, mặc dù ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương huyện Tiên Phước đã nỗ lực rất lớn trong vấn đề thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi, nhưng xem ra việc đầu tư vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong tổng số 2.400ha đất lúa của Tiên Phước, tính đến cuối tháng 11.2015 mới có gần 40% diện tích chủ động nước tưới. Đáng nói hơn, trong 3.600ha đất sản xuất các mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại của địa phương, hiện giờ cũng chỉ có 5% được phục vụ tưới ổn định. Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả canh tác, thời gian tới huyện phải tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, trong đó ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp 5 hồ chứa và đập dâng ở các xã Tiên Lãnh, Tiên Châu, Tiên Sơn, Tiên Phong, Tiên Lập. Tuy nhiên, để triển khai thi công những công trình trọng yếu đó, đòi hỏi phải có trong tay 350 - 400 tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, khả năng ngân sách huyện không thể kham nổi, vì thế rất cần sự tiếp sức của cấp trên.

Tại Điện Bàn, mỗi vụ nông dân trên địa bàn thị xã sản xuất 5.650ha lúa và 4.000ha rau màu các loại. Nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng, từ năm 2011 - 2015 Điện Bàn đã đầu tư gần 131 tỷ đồng kiên cố hóa 120km kênh mương và thi công rất nhiều công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu tại hàng loạt địa phương. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn nói: “Dù đã tập trung mọi nguồn lực, nhưng phải thừa nhận rằng việc đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi của địa phương vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các vùng quy hoạch sản xuất theo phương thức hàng hóa. Từ nay đến năm 2020 Điện Bàn đặt ra mục tiêu kiên cố hóa hơn 92km kênh mương, kéo thêm ít nhất 20km đường dây điện để phục vụ thủy lợi hóa đất màu; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 10 trạm bơm điện… với tổng giá trị đầu tư ước tính 124 tỷ đồng. Tuy nhiên, muốn mục tiêu ấy trở thành hiện thực, chỉ riêng ngân sách của thị xã không đủ sức gánh mà cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía”.

Đâu riêng 2 địa phương vừa nêu, nhiều nơi khác cũng đang rất cần tiền để tiếp tục thi công hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Muộn nói: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay nhu cầu xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương và thủy lợi hóa đất màu của các địa phương còn rất lớn. Theo thống kê mới nhất, trong tổng số 3.500km kênh mương loại 2 và loại 3 trên phạm vi toàn tỉnh, đến thời điểm này mới chỉ kiên cố hóa được 1.500km. Không chỉ vậy, hơn 150 công trình thủy lợi nhỏ và 30 công trình thủy lợi hóa đất màu cũng chưa thể triển khai đầu tư”.

NGUYỄN SỰ - QUANG VIỆT

NGUYỄN SỰ - QUANG VIỆT