Kinh tế trang trại: Vẫn còn nhỏ lẻ
Kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) được xem là hướng đi quan trọng để tạo bước đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn như kỳ vọng.
Thực ra KTV, KTTT đã manh nha tại Quảng Nam hàng chục năm trước, nhưng lúc đó người dân chủ yếu mới chỉ thực hiện một cách tự phát bằng những cây trồng, vật nuôi tự có nên chất lượng không cao và ít đem lại hiệu quả kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2015, KTV, KTTT thực sự chuyển mình khi HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 66/2012/NQ-HĐND và UBND tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển loại hình kinh tế này. Phong trào khai hoang, vỡ hóa đất trống, đồi núi trọc để đầu tư, cải tạo vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng được thực hiện mạnh mẽ, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có 294 trang trại, giá trị hàng hóa dịch vụ từ KTTT đạt khoảng 60 tỷ đồng/năm, bình quân doanh thu đạt khoảng 2,65 tỷ đồng/trang trại. Trong đó, trang trại chăn nuôi chiếm tới hơn 80%, còn lại là nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết: “KTV, KTTT đã có bước phát triển đột biến kể từ năm 2012 và hướng đến chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng hàng hóa. Trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ hơn để phát triển các mô hình kinh tế này, giúp nhiều nông dân thoát nghèo”.
Một trang trại nuôi heo có quy mô lớn ở Tam Vinh (Phú Ninh). Ảnh: Q.T |
Tuy có nhiều khởi sắc nhưng KTV, KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Theo ông Trương Minh Bộ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, người dân khi bắt tay vào làm KTV, KTTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trăn trở để mở rộng quy mô như thiếu đất, thiếu vốn và khoa học kỹ thuật. Quy mô của KTV, KTTT vẫn còn nhỏ bé và không nhiều trang trại đạt chuẩn theo quy định của Bộ NN&PTNT. Đơn cử như ở Tiên Phước, địa phương được định hướng phát triển KTV, KTTT để làm động lực của nền nông nghiệp huyện, nhưng chỉ có 3 mô hình kinh tế được công nhận đủ chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT về trang trại, còn lại chủ yếu chỉ là kinh tế gia trại với quy mô nhỏ lẻ. Diện tích vườn của huyện Tiên Phước là 7.500ha với nhiều loại sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu như tiêu, lòn bon, thanh trà, cau… nhưng đa số mỗi hộ đều chỉ có khoảng 2 - 3 sào canh tác, nhiều lắm là 5 - 7 sào. Một số trường hợp nông dân e ngại và còn mơ hồ về việc đăng ký trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27. Ông Tống Phước Thuần - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước chia sẻ: “Trên địa bàn huyện còn có một số trang trại khác đủ tiêu chuẩn để được công nhận theo Thông tư 27 nhưng chủ trang trại lại e ngại và không có nhu cầu đăng ký vì sợ những phát sinh về dịch bệnh, chi phí từ các đoàn tham quan, học tập sau khi được công nhận”.
Một khó khăn khác là việc thiếu vốn, thiếu đất canh tác và cơ chế giao, cho thuê đất sản xuất. Nhiều trường hợp nông dân sản xuất rất hiệu quả nhưng lại không dám tái đầu tư lớn vì đất thuê có thời hạn ngắn. Nhiều trang trại ở Điện Quang (Điện Bàn) thuê đất dọc triền sông Kỳ Lam chỉ có thời hạn trong 5 năm, vì vậy dù rất muốn mở rộng quy mô để tăng thu nhập nhưng người dân đành bỏ cuộc vì sợ không đấu thầu giữ lại được đất thuê sau khi đáo hạn. Ngoài ra nông dân còn vướng bởi vòng luẩn quẩn là nhiều chủ trang trại muốn mở rộng quy mô thì thiếu vốn nhưng khi muốn vay vốn để phát triển sản xuất thì lại gặp nhiều thủ tục vướng mắc, ngặt nghèo do không đủ điều kiện vay vốn tối đa 500 triệu đồng theo chuẩn trang trại quy định trong Thông tư 27. Mặt khác, kiến thức về quản lý trang trại, kỹ thuật, thông tin giá cả thị trường… của người dân vẫn còn hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả sản xuất.
Điều khiến nhà nông lo lắng lâu nay là nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá vì không có đầu ra ổn định. Dọc đường từ xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) về đến xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) có thể nhận thấy hàng chục hộ dân đem nông sản của mình như thanh trà, quýt, cam… bày bán trực tiếp, rải rác bên lề đường nhằm phục vụ khách vãng lai với mức giá khá rẻ. Một người dân bán ven đường cho biết, cây trái đến kỳ thu hoạch số lượng rất nhiều nhưng thương lái mua một cách dè dặt, vì vậy đành bày bán thêm trước mặt nhà để tiêu thụ bớt một phần nông sản, tránh ứ đọng.
Rõ ràng, phát triển KTV, KTTT là hướng đi đúng để tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn ở Quảng Nam, nhưng đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Hy vọng, trong thời gian tới những khó khăn sẽ dần được giải quyết để nền nông nghiệp của tỉnh thực sự bền vững, khởi sắc và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
QUỐC TUẤN