Ra đồng sau bão
Sau bão, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình hối hả ra đồng, khẩn trương thu hoạch, kiểm tra mức độ hư hại và tìm cách xử lý.
Một ngày sau bão, nắng ấm dần lên. Chờ đợi chỉ có vậy, bà Phan Thị Ty (tổ 13, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) lập tức mang bao ra đồng để thu hoạch dưa gang. Trên ruộng dưa 2 sào, bà Ty nói: “Ti vi nói bão đánh thẳng vào Quảng Nam nên tôi cứ phập phồng, vừa lo vừa tiếc cho đám dưa nằm giữa trời mưa gió, nếu bão mà vào thì hư hại hết. Dưa đang độ thu hoạch đợt đầu, cây trái sinh trưởng và phát triển tốt. May phước mà ông trời còn thương. Đám dưa bị dập lá cành, trái có thối nhưng cũng không thiệt hại hoàn toàn. Mưa to kèm theo gió lớn nên tưởng đâu đám dưa nhà tôi sẽ không còn gì sau bão. Chừ ra thấy vẫn còn cái để thu hoạch là may lắm rồi”. Bà Ty vừa chỉ vội vào mớ dưa chất thành đống mới lựa được, bà nói tiếp: “Dưa ra đợt đầu, sai quả nhưng mưa xuống nên bị thối cũng nhiều. Nhìn trái dưa xanh mướt chứ khi bẻ đôi ra thì bị thối ruột. Nếu để lâu sẽ bị thối hết nên sau bão là tôi tức tốc ra đồng lo thu hoạch ngay. Hái thì nhiều nhưng chọn ra số bán được, thương lái mua khoảng được 100 ký thôi”.
Khơi đường thoát nước cho ruộng lúa bị ngập úng. Ảnh: Đ.N |
Không chỉ ruộng dưa của bà Ty mà nhiều ruộng dưa khác cũng lâm vào cảnh dưa dập bông, đổ cành, thối trái. Ông Ngô Sơn (tổ 13, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) nhìn đám dưa gang mới kết trái bị dập thối sau bão thở dài nói: “Nhiều đám dưa đang độ cho trái, phát triển bằng ngón tay người bị mưa làm cho dập hết. Ai nấy cũng đều cười trừ vào đợt thu hoạch dưa này và hy vọng đợt sau, khi thời tiết nắng ấm lên, cây dưa phát triển tốt, đơm bông trở lại và cho trái. Nhưng đó cũng chỉ là hy vọng thôi, chớ ông trời mưa nắng thế nào ai mà biết được. Làm nông thì còn lạ chi câu ba tháng trồng cây một ngày trông quả!”.
Không chỉ những người trồng dưa “vừa buồn vừa vui” sau khi bão đi qua mà nhiều hộ nông dân trồng các loại cây khác cũng vậy. Theo quan sát của chúng tôi, khó khăn nhất vẫn là những nông dân còn đang có lúa đứng đồng, chưa thu hoạch. Mưa to, gió mạnh khiến lúa ngập sâu trong nước, nhiều diện tích lúa ngã đổ nằm bẹp trên mặt nước, gây khó khăn trong việc thu hoạch. Gặp bà Nguyễn Thị Tuyết (tổ 7, thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, Thăng Bình) tại ruộng lúa nằm bẹp dưới nước gần như toàn bộ. Bà Tuyết cho biết, dù đã đến ngày thu hoạch nhưng lúa nhà bà cũng đành nằm đó chờ nước rút. Mưa to khiến nước trong mương ứ đọng, không lưu thông hết do lỗ cống nhỏ. Hiện đám ruộng nhà bà và của nhiều hộ nông dân ở khu vực này đang trong tình trạng úng thủy. Bà Tuyết ngán ngẫm cho biết: “Không kể chi gió bão, mưa lớn, mấy ngày liền tôi cứ cầm cuốc ra ruộng hết đào rồi cuốc cho nước thoát để lúa không bị ngập mà cũng đành chịu. Sáng chừ cũng túc trực bên đám ruộng đây. Ngày hôm qua đến chừ thời tiết khô ráo, nắng to mà mương nước cũng không rút được bao nhiêu. Mực nước ở trong ruộng và ngoài mương ngang nhau thì làm răng mà nước thoát để gặt được. Gặt bằng máy liên hợp là chuyện không thể mà gặt tay cũng khó vì máy tuốt không thể đưa xuống ruộng được. Có cắt tay thì cũng chờ một thời gian nữa, nước rút bớt mới làm được”.
Theo bà Tuyết, chi phí thuê người thu hoạch cho hai sào lúa nhà bà cũng hết gần 1 triệu đồng. Trong đó, tiền thuê công cắt lúa là 2 trăm nghìn đồng/người. Hai sào lúa mất phải 4 công/ngày, chưa kể tiền thuê người tuốt lúa. Tiền thuê cắt, tuốt đã tốn gấp nhiều lần mà tìm người lại khó, ruộng dầm trong nước thế này lại càng khó hơn. Hiện tại, nhiều hộ dân trồng lúa trong huyện Thăng Bình đang tích cực thăm đồng, chờ nước rút để thu hoạch càng sớm càng tốt mong giảm thiểu lượng lúa bị mộng do ngâm nước lâu ngày.
ĐỨC NHI