Triển vọng cây sâm Ngọc Linh
Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống quanh núi Ngọc Linh - nơi có cây sâm quý hiếm, khẳng định rằng, họ sẽ có cơ hội nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, một khi đề án cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam đang được Chính phủ phê duyệt.
Giàu nhờ trồng sâm
Bây giờ đến vùng đất quanh sườn núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, nghe râm ran câu chuyện mọi người bàn luận và tính chuyện thuê đất trồng sâm, làm giàu từ cây sâm. Mười năm trước, tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam… hàng nghìn hộ đồng bào Xê Đăng thấy cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý, họ âm thầm lặng lẽ (vì nó là cây thuốc giấu) tìm vùng rừng nguyên sinh có lớp đất mùn dày tơi xốp thích hợp, di thực sâm hoang dã về trồng, tạo thành những vườn sâm. Hộ trồng ít, khoảng 1 sào; hộ trồng nhiều tạo khu vườn rộng 3 - 5ha, như các ông Hồ Văn Du, Hồ Văn Quang, Nguyễn Thanh Lượng, Đinh Văn Dúi, Hồ Văn Hình... Hàng năm họ tự gieo ươm rồi trồng, cứ thế vườn sâm phát triển. Lúc đó giá sâm củ tươi chỉ với 8 - 10 triệu đồng/kg nhưng nhiều hộ trồng sâm có đời sống tốt hơn những người khác, họ làm được nhà ở kiên cố, sắm được các phương tiện nghe nhìn...
Chăm sóc sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh. Ảnh: L.G |
Giá trị của cây sâm Ngọc Linh ngày càng được khẳng định. Giá sâm củ tăng nhanh, hiện tại sâm củ tươi dao động 30 - 50 triệu đồng/kg, tùy theo chất lượng củ. Nhiều hộ dân ở quanh sườn núi Ngọc Linh trở thành triệu phú, tỷ phú, có tổng giá trị tài sản từ vườn sâm từ 1 tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Thấy cây sâm Ngọc Linh là cây siêu lợi nhuận, dễ thoát nghèo và nhanh làm giàu nên nhiều hộ đồng bào Xê Đăng, Ca Dong ở huyện Nam Trà My và huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cũng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm, tạo nên nhiều vườn sâm nằm sâu dưới tán rừng già. Hiện vườn sâm giống gốc Tắk Ngo của huyện Nam Trà My và vườn sâm giống Trà Linh của tỉnh Quảng Nam cũng như vườn sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum và các vườn sâm khác của người dân cộng lại cũng chỉ mới xấp xỉ 100ha, nằm lọt thỏm giữa những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Rộng mở hướng đi
Năm 2015, huyện Nam Trà My và UBND tỉnh đều xác định cây sâm Ngọc Linh là cây trồng chủ lực trong các loại cây trồng cần được đầu tư kinh phí lớn từ nay đến năm 2030. Huyện thông qua đề án “Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sâm Ngọc Linh”. Đồng thời huyện cũng đã xúc tiến làm mới tất cả tuyến đường xương cá, đường nhánh ở các vùng trồng sâm trọng điểm ở các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang với tổng chiều dài hơn 110km bằng bê tông, kéo điện lưới quốc gia và hệ thống viễn thông đến nơi này. Tổng nguồn vốn thực hiện cho việc đầu tư này khoảng 1.275 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng dành hơn 3.100 tỷ đồng để quy hoạch gần 19.000ha rừng có độ cao 1.500 - 2.300m, có độ che phủ lớn và độ ẩm phù hợp với điều kiện sinh thái của cây sâm ở 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My thành vùng trồng sâm nguyên liệu. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết “Về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam”.
Theo đó, các tổ chức kinh tế trong nước, các nhóm hộ nhân dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, có nhu cầu trồng và phát triển sâm Ngọc Linh đều được phép thuê. Thời gian thuê môi trường rừng là 25 năm mức giá là 200.000đồng/ha/năm, thu một lần cho cả 25 năm. Từ giá trị cây sâm Ngọc Linh được chứng minh trong thực tiễn, cộng với cơ chế chính sách mới thông thoáng của huyện và tỉnh nên đến thời điểm này, cây sâm Ngọc Linh đã lọt vào tầm ngắm đầu tư dài hạn của các nhà doanh nghiệp. Gần đây đã có hàng chục doanh nghiệp lên tận núi Ngọc Linh tìm hiểu và xin thuê môi trường rừng đầu tư trồng sâm. Có những doanh nghiệp lớn xin thuê đến cả nghìn héc ta trồng sâm và sẵn sàng xây dựng nhà máy tại Nam Trà My để chế biến các sản phẩm từ sâm.
Tuy nhiên, những nỗ lực của huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam chỉ mới tạo cú hích làm cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh quy mô lớn. Để vùng sâm Ngọc Linh sớm trở thành hiện thực cần có sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan ở Trung ương với tầm nhìn chiến lược phát triển cây sâm cấp quốc gia. Chính vì vậy, lúc này đây hàng nghìn hộ dân là đồng bào thiểu số Xê Đăng, Ca Dong sống trên sườn núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum và các doanh nhân đang có những dự tính đầu tư phát triển vùng sâm Ngọc Linh đều trông ngóng Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án quốc gia về cây sâm Ngọc Linh để tạo điều kiện làm giàu cho gia đình, doanh nghiệp và xã hội…
LÊ GÂN