Chăn nuôi trên đệm lót sinh học: Tiện ích, hiệu quả

VIỆT QUANG 13/08/2015 09:30

Các mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học ở Thăng Bình và TP.Tam Kỳ đem lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Các địa phương đang nhân rộng cách làm này.

Hiệu quả vượt trội

Gia đình ông Lê Trung Đức (thôn Tịch Yên, xã Bình Nam, Thăng Bình) vừa xuất bán lứa gà sau 3 tháng thả nuôi, hiệu quả kinh tế thu được vượt ngoài mong đợi. Ông Đức kể, đầu tháng 5.2015, gia đình thả nuôi 6 nghìn con gà thịt trong 6 chuồng trại có tổng diện tích hơn 1.000m2. Chuồng trại được thiết kế kiên cố, có rào lưới và xung quanh bố trí bóng đèn để ủ gà khi nhiệt độ xuống quá thấp. Trên nền chuồng trại, ông Đức lót trấu có độ dày 30cm. Khi gà sinh trưởng được 1 tháng, gia đình dùng men Balasa ủ với cám gạo có tỷ lệ 1kg men/3kg cám gạo để rải đều lên nền chuồng. Cứ mỗi ký hỗn hợp men vi sinh được gia đình bố trí tương ứng với 50m2 chuồng trại. Khi gà phát triển được 2 tháng tuổi, gia đình tiếp tục rải đều hỗn hợp men vi sinh với cám lên trên nền chuồng trại với mật độ như trên. “Nuôi gà trên đệm lót sinh học với cách làm như trên không khó. Vậy nhưng, gia đình phải mất một thời gian dài mới thực hiện được. Thấy hiệu quả đem lại rất lớn, tôi rất phấn khởi” - ông Đức nói.

Các mô hình chăn nuôi gà và heo trên đệm lót sinh học của gia đình ông Lê Trung Đức và bà Ngô Thị Thiệm. Ảnh: V.QUANG
Các mô hình chăn nuôi gà và heo trên đệm lót sinh học của gia đình ông Lê Trung Đức và bà Ngô Thị Thiệm. Ảnh: V.QUANG

Theo ông Đức, sau 3 tháng thả nuôi ông thu được tất thảy 8 tấn gà. Với giá bán thương phẩm 60 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt hơn 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 300 triệu đồng, gia đình lãi gần 150 triệu đồng. “Sau nhiều khó khăn, gia đình tôi mới có được thành quả lớn như ngày hôm nay. Thấy hiệu quả kinh tế cao mang lại nhờ nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học nên gia đình đã liên hệ với xã và huyện để thuê thêm diện tích đất phục vụ nuôi gà. Sau khi dọn sạch môi trường, gia đình tôi sẽ nuôi tổng cộng là 12 nghìn con gà tại 12 chuồng trại kiên cố” - ông Đức nói. ông Đức kể, gia đình bắt đầu nuôi gà thịt cách đây đã 15 năm. Lúc đó, nuôi gà cũng có lãi nhưng không ổn định được như bây giờ. Năm 2009, ông Đức được UBND huyện Thăng Bình tổ chức đi tham quan mô hình nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học nhiều ngày ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Thấy mô hình được các địa phương phía bắc triển khai hiệu quả mà lại thân thiện đối với môi trường, gia đình đã bắt đầu nuôi gà bán công nghiệp trên đệm lót sinh học khi tham quan trở về. Sau gần 5 năm miệt mài thử nghiệm, nuôi và tích lũy vốn để mở rộng nuôi gà trên đệm lót sinh học, thành quả mà gia đình ông Đức thu được rất khả quan.

Theo UBND huyện Thăng Bình, từ hiệu quả cao mà mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học mang lại, huyện đã khuyến khích, tập huấn người dân mở rộng chăn nuôi. Đệm lót sinh học khử mùi nên không ô nhiễm môi trường, khí độc trong chuồng nuôi cũng được hạn chế nên các đối tượng nuôi phát triển rất tốt. Đây là hướng đi chủ đạo của huyện nhằm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.   

Mở rộng sản xuất

Gia đình bà Ngô Thị Thiệm (thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cũng vừa có được lứa heo thành công. Trên diện tích 75m2, gia đình bà Thiệm bố trí 3 chuồng nuôi heo trên đệm lót sinh học. Ở mỗi chuồng trại, bà đều bố trí hệ thống phun nước vừa làm mát cho heo vừa giữ độ ẩm cho nền chuồng trại. Trước khi nuôi, tại mỗi chuồng trại, bà Thiệm đều dùng men vi sinh trộn với bột cưa và trấu rồi rải đều khắp nền chuồng làm đệm lót sinh học. bà Thiệm bố trí máng ăn cao hơn mặt đệm lót sinh học khoảng 20cm để tránh chất độn vãi vào thức ăn; bố trí máng ăn dưới vòi nước tự động để tránh nước chảy vào đệm lót. Heo giống khi thả vào chuồng nuôi được tiêm phòng đầy đủ và có trọng lượng đảm bảo, khoảng 15 - 18kg/con. Sau 4 tháng nuôi, heo phát triển tốt, xuất chuồng đạt trọng lượng chuẩn. “Mỗi con bán được trung bình là 3 triệu đồng. Như vậy với 45 con heo thương phẩm, gia đình thu được 135 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí là 70 triệu đồng, gia đình tôi lãi được gần một nửa giá bán. Hiệu quả thu được cao mà lại rất ổn định” - bà Thiệm nói.

Gia đình bà Thiệm là một trong những mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học được Trung tâm Ứng dụng - chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ kết hợp với các xã trên địa bàn triển khai trong thời gian gần đây. Thời điểm này, mô hình chăn nuôi gà, heo của gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) cũng thu được hàng trăm triệu đồng sau mỗi năm chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Trước khi triển khai các mô hình này, ngành khuyến nông TP.Tam Kỳ đều tập huấn, trang bị kỹ thuật kỹ càng cho các hộ dân. Ngoài ra, Tam Kỳ cũng đã hỗ trợ men vi sinh, giúp các nông hộ yên tâm chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Quang, cán bộ phụ trách khuyến nông của UBND xã Tam Phú cho biết, các mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học được các nông hộ trên địa bàn rất quan tâm, hưởng ứng. Bởi vậy, xã đang đề xuất thành phố tiếp tục tập huấn, hỗ trợ men vi sinh để nhân rộng mô hình. Đó là điều rất cần thiết khi toàn xã có đến 90% hộ dân sinh kế bằng nông nghiệp. Còn theo Trung tâm Ứng dụng - chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, UBND TP.Tam Kỳ rất hoan nghênh sự thành công của các mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học và sẽ tiếp tục tài trợ kinh phí để nhân rộng các mô hình này khắp địa bàn của thành phố trong tương lai gần.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG