Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Hội An

HOÀNG LIÊN 13/08/2015 09:26

Từ thành quả bước đầu sau gần 2 năm triển khai thí điểm dự án “Rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh”, Hội An hướng đến nhân rộng hiệu quả dự án và đầu tư phát triển loại hình nông nghiệp hữu cơ ở một số địa phương.

Từ mô hình điểm

Giai đoạn 2013-2015, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) tại Hội An, dự án “Rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh” đã được triển khai thí điểm trên diện tích 6.500m2, thu hút 10 hộ dân làng Thanh Đông tham gia. Các hộ dân trong làng đều trải qua khóa huấn luyện 5 tuần với 15 buổi học về kỹ thuật canh tác hữu cơ trên cây rau, được các chuyên gia trực tiếp “cầm tay chỉ việc” ngay trên cánh đồng của mình. Nhóm hộ sản xuất này đã trồng đủ chủng loại rau, từ cải xanh, dền đỏ, rau húng, quế, ngò, hành, dưa leo cho tới bí đao, bí đỏ, khổ qua… Toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất trải qua nhiều công đoạn kiểm tra, giám sát kỹ, trước khi đưa ra tiêu thụ. Chưa kể, trước đó, dự án phải mất một năm triển khai cho người dân canh tác, trồng các loại cây màu nhằm cải tạo đất. Và dự án chỉ triển khai sau khi công tác kiểm tra, xét nghiệm môi trường đất, nước tưới qua hệ thống lọc phèn đều cho thấy đạt chuẩn.

Nông dân canh tác tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông.Ảnh: H.Liên
Nông dân canh tác tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông.Ảnh: H.Liên

Đặc biệt, trong suốt quá trình canh tác, nhóm hộ trên tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào, mà chỉ được sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho rau, sử dụng cây trồng và hoa dẫn dụ phòng chống sâu bọ gây hại…

Bà Đinh Thị Miễn (60 tuổi), một hộ dân trong nhóm sản xuất cho hay: “Ban đầu khi tham gia tập huấn, tôi không nghĩ là mình làm được vì thời buổi này, ai nấy đều sử dụng phân hóa học, đều xịt thuốc để bảo vệ rau, thậm chí nhiều người còn sử dụng phân vi lượng, thuốc vi lượng để bón, tưới cho rau trước khi thu hoạch để rau xanh mướt, đẹp, sản lượng cao, lợi nhuận nhiều. Còn đằng này lại quay lại kiểu trồng rau thời xa xưa, lấy gì để có lợi nhuận? Nhưng nay, tôi và một số bà con ở đây đã quen với cách trồng rau sạch này, rau làm ra có giá bán lại cao, đầu ra không phải lo, thu nhập được cải thiện rõ”. Còn bà Lê Thị Hoài Thương (54 tuổi) thông tin: “Ngay cả những hộ trong tổ cũng giám sát lẫn nhau rất chặt. Khi rau bị rầy bọ, sâu phá hoại, ai ấy trong tổ đều chung tay tìm biện pháp xử lý sinh học, nên rau sạch tuyệt đối, được ưa chuộng, không có rau để bán. Hiện giá rau các loại là 11.000 đồng/kg, rau gia vị là 30.000 đồng/kg, riêng củ quả các loại thì 16.000 đồng/kg, được ban điều phối niêm yết kỹ”. Cũng theo bà Thương, trên diện tích 400m2 đất màu, nếu trước gia đình bà trồng 2 vụ bắp đậu chỉ thu nhập được khoảng 8 - 10 triệu đồng, thì nay với trồng rau, nguồn thu mỗi tháng đem lại cho gia đình bà khoảng 2,5 triệu đồng…

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, hiệu quả bước đầu từ dự án là đã tạo sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức của nhóm hộ tham gia sản xuất. Có thể nói, toàn bộ quy trình sản xuất cho tới sản phẩm bà con làm ra được sự giám sát hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt từ tổ giám sát, từ chính các thành viên trong nhóm hộ, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho tới tổ chức phi chính phủ hỗ trợ dự án. Ban điều phối dự án có tới 20 thành viên, tham gia tất cả các quá trình sản xuất, sơ chế, tiêu thụ.

Nông nghiệp hữu cơ

Mới đây, UBND TP.Hội An vừa phê duyệt phương án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng. Theo đó, trong 6 năm (2015-2020), TP.Hội An sẽ triển khai 5 dự án thành phần, bao gồm: dự án xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau hữu cơ kết hợp với nuôi gà tại xã Cẩm Thanh; dự án xây dựng và phát triển mô hình làng nông nghiệp hữu cơ tại khối An Mỹ, phường Cẩm Châu; dự án xây dựng và phát triển mô hình rau hữu cơ tại thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà; xây dựng và phát triển mô hình sản xuất bắp nếp - rau hữu cơ tại Cẩm Thanh; xây dựng và phát triển mô hình sản xuất bắp nếp - rau hữu cơ tại phường Cẩm Nam. Đây được xem là hướng đi mới trong chiến lược phát triển nông nghiệp ở một thành phố du lịch.

Theo bà Vân, bên cạnh tiếp tục duy trì mô hình thí điểm tại Thanh Đông, trong năm 2015, Hội An sẽ phát triển thêm 2 mô hình nông nghiệp hữu cơ khác tại thôn Thanh Đông và tại khối An Mỹ, phường Cẩm Châu. Nếu hai mô hình ở Cẩm Thanh hướng đến sản xuất theo nhóm hộ thì ở An Mỹ, sẽ triển khai trồng rau hữu cơ trong nhà vườn của gia đình, kết hợp làm du lịch. Tuy nhiên, theo bà Vân, nông nghiệp hữu cơ vốn rất khó làm, yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với VietGap. Đây là cách thức sản xuất gần như trở lại hoàn toàn tập quán canh tác xưa của cha ông, bón phân hữu cơ, không bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật lên rau. Cho tới nay, diện tích phát triển rau hữu cơ tại Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở một vài mô hình với quy mô rất nhỏ. Hội An may mắn nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức ACCD. Tuy nhiên, để thay đổi tập quán, nhận thức của nông dân là cả một quá trình lâu dài, cần phải làm từng bước. “Năm 2016, sẽ tiến hành áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trên cây lúa, cây bắp, cũng ở tại thôn Thanh Đông, mục tiêu là tạo sản phẩm sạch theo hướng hàng hóa. Đồng nghĩa với việc phải liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, Phòng Kinh tế sẽ tham mưu cho UBND TP.Hội An đầu tư xây dựng cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn, đẩy mạnh khâu tiêu thụ và ổn định đầu ra cho nông sản” - bà Vân nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN