Vỗ béo bò, tăng thu nhập
Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Phước Sơn triển khai mô hình vỗ béo bò thịt có chuồng trại, mở ra cho nông dân hướng chăn nuôi hiệu quả.
Để giúp các hộ chăn nuôi bò tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc, vỗ béo đàn bò, đem lại hiệu quả kinh tế khi xuất bán, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tổ chức tập huấn, hỗ trợ thức ăn, thuốc thú ý cũng như luôn theo sát hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, phối trộn thức ăn, giúp bò làm quen với bột hỗn hợp… trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Bà Lê Thị Thọn (khối 6, thị trấn Khâm Đức) cho biết, khi mô hình vỗ béo bò được thực hiện, bà con đã được tập huấn tỉ mỉ về cách chọn những con bò đực không mắc bệnh hoặc quá già, có tuổi vỗ béo hiệu quả là 24 - 36 tháng tuổi. Chuồng bò làm theo hướng nam, đảm bảo diện tích 4 - 5m2/con, có đủ máng ăn, uống thuận tiện cho việc chăm sóc. Nông dân thực hiện tẩy ký sinh trùng trước khi vỗ béo, cho ăn đủ các loại thức ăn xanh, tinh bột… và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chải lông cho bò để kích thích tuần hoàn và tiêu hóa. “Nhà tôi có 2 con bò triển khai theo mô hình này. Theo ước tính của tôi thì mỗi tháng giá trị của con bò tăng lên đến 1 - 1,5 triệu đồng. Giá một con bò lúc mới mua về 25 - 27 triệu đồng, mới nuôi được hơn ba tháng mà đã có chủ buôn tới hỏi mua với giá 31 triệu đồng/con”.
Mô hình vỗ béo bò thịt có chuồng trại đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào miền núi Phước Sơn. Ảnh: H.Y |
Phấn khởi với hiệu quả trông thấy của kỹ thuật vỗ béo bò, bà Hồ Thị Lành (thôn 3, xã Phước Chánh) chia sẻ, được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cám hỗn hợp, thuốc tiêm phòng, thuốc thú y nên bò lớn nhanh. Ngày trước gia đình bà chưa biết kỹ thuật nuôi bò vỗ béo nên mua bò cái về nuôi rất chậm lớn. Bà Lành nói: “Dù mới thực hiện vỗ béo bò một thời gian song tôi đã bán được một con bò với giá 27 triệu đồng, lãi tới 4 triệu đồng. Hiện gia đình tôi vỗ béo 3 con bò khác theo đúng kỹ thuật của cán bộ khuyến nông hướng dẫn, thấy bò béo nhanh hơn trước. Việc phát triển kinh tế theo hướng nuôi bò vỗ béo ở xã Phước Chánh cho thấy đây là một hướng đi đúng, đem lại nhiều triển vọng xóa đói giảm nghèo”.
Toàn huyện Phước Sơn có 80 hộ tham gia, chủ yếu tập trung ở Khâm Đức và xã Phước Chánh. Các hộ đã đáp ứng yêu cầu có 2 - 5 con bò, chuồng trại đúng quy định, có đủ năng lực, vật tư đối ứng. Đánh giá kết quả thực hiện mô hình trên địa bàn, ông Lê Đắc Hiệu, Phó Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Phước Sơn nói: “Trước thực tế nhiều hộ nuôi bò chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, vẫn chăn nuôi theo cách truyền thống ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nên trung tâm khuyến nông tỉnh và trạm khuyến nông huyện đã đưa mô hình vỗ béo bò đến xã Phước Chánh và thị trấn Khâm Đức. Mô hình này góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi vỗ béo bò thịt có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm cho nông dân trong lúc nông nhàn. Đặc biệt, hướng tới phát triển đàn bò thịt đặc sản của địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai rộng rãi mô hình này trên địa bàn, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình”.
HOÀNG YÊN