Đưa máy cấy vào sản xuất nông nghiệp
Sau dồn điền đổi thửa, nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, trong đó mô hình máy cấy mạ khay vụ hè thu 2015 được coi là điểm nhấn, cho hiệu quả cao.
Hiệu quả rõ rệt
Mới đây, tại xã Bình Đào, nhiều nông dân đã chứng kiến chương trình thao diễn máy cấy lúa Kubota. Đây là lần đầu tiên đồng ruộng trên địa bàn huyện Thăng Bình xuất hiện máy cấy lúa do Công ty Kubota Việt Nam liên kết Nhật Bản chế tạo. Ưu thế vượt trội của loại máy này là thân máy gọn, nhẹ và hoạt động được trong điều kiện nước sâu, nền đất không bằng phẳng. Công suất cấy lúa tối đa đạt 1,5ha và có thể thay thế khoảng 27 lao động/ngày.
Có mặt tại cánh đồng thôn Trà Đõa 1 (xã Bình Đào) chứng kiến mô hình cơ giới hóa được triển khai, mới thấy hết được sự phấn khởi của nông dân. “Tôi rất tin tưởng vào khả năng thành công của loại máy cấy mới này. Hơn nữa việc sử dụng máy cấy sẽ ít tốn công lao động hơn. Gia đình tôi có một mẫu ruộng, nếu cấy bằng tay thì phải mất ít nhất 50 công lao động, còn áp dụng loại máy này thì chỉ mất khoảng 2 ngày công” - ông Trần Văn Hương (thôn Trà Đõa 1) cho biết. Còn ông Huỳnh Phi Trường - đại diện Công ty Kubota Việt Nam, so sánh: “Cấy bằng máy, lượng giống chỉ cần 63kg/ha. Còn nếu dùng phương pháp sạ dày như hiện nay, nông dân phải tốn hơn 200kg lúa giống/ha. Mặt khác, cấy bằng máy do lúa thưa nên ít sâu bệnh, lúa cứng cây không sợ mưa gió gây ngã đổ. Với phương pháp mới này, chi phí sản xuất giảm được 50%, do đó lợi nhuận cho nông dân tăng thêm đáng kể. Đó là chưa tính lúa bán được giá cao hơn nhờ chất lượng hạt đồng đều so với hạt lúa sạ dày”.
Sử dụng máy cấy để nâng cao năng suất lao động lên gấp 20 lần so với cấy lúa bằng tay. Ảnh: T.T |
Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, từ khi xã triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ, được hỗ trợ vay không lãi suất để mua máy cấy, chi phí giảm còn khoảng 70 nghìn đồng/sào trong khi thuê cấy thủ công là 200 nghìn đồng/sào.
Hình thành cánh đồng mẫu
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Bình Đào đã đạt những kết quả đáng phấn khởi. Cơ cấu giống lúa lai đạt từ 50% trở lên, vụ đông xuân năm 2014 - 2015 tỷ lệ lúa lai đạt trên 74%. Đặc biệt nông dân đã biết kết hợp sản xuất lúa lai và mở rộng diện tích cấy cho năng suất cao, giảm được chi phí. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa xã Bình Đào được đánh giá là cao nhất huyện với năng suất bình quân đạt trên 62 tạ/ha. Để đạt được những kết quả đó, ngoài việc cơ cấu lúa lai vào sản xuất còn một yếu tố rất quan trọng là áp dụng biện pháp cấy lúa bằng máy.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, việc đưa máy cấy vào sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất, giảm các chi phí như thuốc trừ sâu, phân bón cũng như công lao động. Một trong những mục đích quan trọng khi địa phương quyết định đưa máy cấy vào sản xuất là xây dựng những cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung. Qua đó, tạo nên sự liên kết giữa các công ty giống, công ty chế biến hàng nông sản, các đơn vị cung cấp phân bón để thành một chuỗi khép kín.
Có thể thấy mô hình mạ khay máy cấy tại huyện Thăng Bình có nhiều điểm sáng tạo so với các địa phương khác. Để các mô hình trình diễn thành công, huyện đã dành đầu tư 50% kinh phí mua máy cấy và dụng cụ đi kèm, 100% kinh phí tập huấn và 50% kinh phí tổ chức triển khai mô hình nên các địa phương triển khai khá nhanh và hiệu quả. Đến nay, ngoài 1 máy cấy và dụng cụ đi kèm tại xã Bình Đào, Phòng NN&PTNT huyện còn hỗ trợ 1 máy cấy tại xã Bình Phục. Trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Thăng Bình đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần xây dựng nông nghiệp huyện phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ giải bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người chuyển đổi sang làm nghề mới; giảm chi phí trong sản xuất mà còn tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn…
TRUNG THỰC