Ghi ở thôn Hòa Bình

HẢI CHÂU 19/06/2015 09:01

Những năm qua, Chi bộ thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ thế, đời sống người dân ngày càng ổn định và nâng cao.

Ông Nguyễn Tình - ở thôn Hòa Bình chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: HẢI CHÂU
Ông Nguyễn Tình - ở thôn Hòa Bình chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: HẢI CHÂU

Thôn Hòa Bình là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng, có địa đạo Gò Nông lịch sử. Toàn thôn chỉ có 182 hộ nhưng có đến 121 liệt sĩ, 56 thương bệnh binh, 80 gia đình chính sách. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân Hòa Bình chung sức, đồng lòng xây dựng, kiến thiết quê hương, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, làm cho bộ mặt nông thôn từng ngày thay da đổi thịt.

Trên con đường bê tông khang trang rộng rãi nối liền các xóm làng, ông Phạm Đoàn - Bí thư Chi bộ thôn Hòa Bình bảo rằng đây là con đường của lòng dân. Khi triển khai chủ trương làm đường bê tông, bà con vui vẻ hưởng ứng, người góp công, người góp của để làm đường. Cứ thế, hết tuyến đường này đến tuyến đường khác của thôn đã được bê tông hóa. Tính ra, nhân dân trong thôn đã đóng góp gần 10.000 ngày công, hiến 1.000m2 đất và hoa màu để bê tông hóa gần 4km giao thông nông thôn, 3km giao thông nội đồng, 2,7km kênh mương thủy lợi. “Xây dựng nông thôn mới, bên cạnh vận động nhân dân xây dựng các công trình dân sinh, việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ được Chi bộ Hòa Bình đặt lên hàng đầu. Chi bộ tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo”- ông Đoàn nói.

Trong cuộc chiến chống cái nghèo, người dân thôn Hòa Bình đã lập nên kỳ tích khi biết phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên để vươn lên. Bà Nguyễn Thị Mai (vợ liệt sĩ) cho hay, nhiều năm trước gia đình bà phải từng ngày vật lộn mưu sinh. Nhờ các đoàn thể ở thôn đến động viên gia đình chuyển đổi 3 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng xen canh dưa hấu và đậu phụng tăng thu nhập. Đồng thời giúp vay vốn mua 3 con bò cái giống, gia đình tận dụng sào đất màu để trồng cỏ. Giờ đây cuộc sống gia đình bà Mai đã khấm khá, thoát cảnh nghèo túng.

Tương tự bà Mai, nhiều gia đình trong thôn cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, kết hợp với phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Nhân dân trong thôn đã cải tạo 95ha cánh đồng cho thu nhập cao, phát triển 20 trang trại lớn nhỏ nuôi heo hướng nạc và nuôi gà thịt, gà  lấy trứng, 2 mô hình nuôi nhím, chim cút với mức thu 200 - 400 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Phạm Năng nuôi 20 con heo nái và hơn 100 con heo thịt, hay hộ ông Phạm Dung nuôi 30 con heo nái và hơn 150 con heo thịt… Toàn thôn hiện có 150 hộ trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ nuôi 3 - 7 bò cái giống, như hộ ông Nguyễn Tình, Nguyễn Đức Hiếu, Trần Thường, Phạm Nhẫn... cho thu nhập hàng năm 50 - 100 triệu đồng. Những năm gần đây, thôn Hòa Bình có thu nhập bình quân đầu người đạt mức 23 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo nay giảm còn 4,8%. Là gương điển hình trong phát triển kinh tế của thôn, ông Nguyễn Tình chia sẻ: “Để có được cơ ngơi như hôm nay, gia đình tôi kết hợp sản xuất các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao. Ban đầu nuôi gà lấy trứng cho mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ năm, sau đó phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Chúng tôi còn trồng khoảng 200 choái tiêu, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Hiện mô hình kinh tế kết hợp của gia đình rất ổn định và đang được các hộ dân trong thôn nhân rộng”.

Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái - Ninh Quang Thạnh cho biết: “Trong các phần việc, phong trào ở thôn, Chi bộ Hòa Bình phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên để tuyên truyền vận động nhân dân. Đồng thời đảng viên đi đầu trong phong trào để làm gương cho nhân dân noi theo. Hòa Bình đang là thôn dẫn đầu toàn xã trong xây dựng nông thôn mới”.

HẢI CHÂU

HẢI CHÂU