Trồng bắp lai bằng phân vi sinh
Vụ đông xuân vừa qua, Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở Khoa học - công nghệ) phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang hướng dẫn người dân phát triển cây bắp lai bón phân hữu cơ vi sinh chức năng, đến nay cho kết quả cao.
Đi thăm mô hình trồng cây bắp lai sử dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng được người dân xã Jơ Ngây (Đông Giang) thực hiện bằng phương pháp thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, chị Bnướch Thị Phước (thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây) cho biết, cây bắp này cao hơn so với bắp bình thường, thu đạt năng suất và trái to hơn. “Được trung tâm hướng dẫn, cầm tay chỉ việc từ cách trồng theo luống, theo hàng, rồi cách chăm tỉa… nên bà con bỏ được tập quán canh tác tự nhiên” - chị Phước chia sẻ.
Để giúp người dân nắm vững lý thuyết và thực hành về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng và tự sản xuất được phân hữu cơ vi sinh, Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang chọn, hướng dẫn cho 35 hộ ở 3 xã Jơ Ngây, A Rooih, xã Ba với tổng diện tích 30.400m2, sản xuất được 30 tấn phân tại hộ gia đình. Số phân này được dùng để bón cho cây bắp lai PAC 339 và MX4 theo phương pháp thâm canh, đến nay cây bắp cho năng suất cao hơn nhiều so với đối chứng và mang lại lợi nhuận cao hơn 50%. Lúc đầu nông dân chưa áp dụng tốt, nhưng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên bà con hưởng ứng, thực hiện mô hình đạt hiệu quả. “Trước kia, theo cách sản xuất truyền thống của bà con nông dân ở đây thì trồng bắp không đạt hiệu quả. Nông dân muốn trồng keo thay cho trồng bắp, do đó UBND xã tuyên truyền để người dân hưởng ứng. Trồng keo 3 - 4 năm mới khai thác một lần nhưng trồng bắp thì một năm 2 vụ, mỗi vụ cho thu nhập đáng kể” - chị Zơrâm Thị Nếp, Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây cho biết.
Theo Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ, đến nay người dân đã nắm bắt được kỹ thuật, quy trình làm phân vi sinh, kỹ thuật trồng bắp, chăm sóc. Mong muốn của người dân là trong thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều xã trên địa bàn khác. Ông Đinh Văn Hươm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để bà con biết và hiểu hơn về quy trình sản xuất phân, kỹ thuật trồng, chăm bón. Tập quán sản xuất của người dân là phát đốt rồi tỉa, nhưng khi áp dụng phương pháp mới này, bà con thấy năng suất cao, chi phí ít, công việc nhẹ hơn. Hiện nay người dân phân vân là giống bắp sau này có tiếp tục được đơn vị cung cấp không, chế phẩm vi sinh chức năng mua ở đâu, điều này đã được trung tâm giải đáp và đáp ứng nguyện vọng của bà con”.
PHÚC HOÀNG