Cánh đồng trăm triệu và câu chuyện đầu ra cho nông sản: Vẫn chờ ngành chức năng
Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cánh đồng tập trung cây rau màu, thực phẩm mang giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là tìm đầu ra cho nông sản.
Phụ thuộc thị trường
Năm 2005, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) bắt đầu vận động nhân dân đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu. Và chỉ 4 năm sau đó, xã Duy Trinh đã phát triển gần 20km đường dây điện ra tận đồng ruộng, phục vụ sản xuất hiệu quả cho 150ha đất màu. Có điện, chủ động nước tưới, bà con nông dân các vùng trọng điểm trồng cây màu mạnh dạn đưa cây giống mới vào gieo trồng, chuyển đổi phương thức sản xuất, thâm canh, giúp nông dân tăng thu nhập gấp đôi trên cùng đơn vị diện tích. Gia đình bà Nguyễn Thị Dũng (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh) sản xuất chỉ 2 sào cây màu trên cánh đồng Vạn Buồng, nhờ có điện thủy lợi hóa đất màu gia đình bà Dũng luân canh gối vụ các loại rau, đậu cô ve, ớt, bắp… nên có cái để bán quanh năm. “Với mấy sào đất màu này, bình quân mỗi tháng tôi thu được ít nhất một triệu đồng, tính ra vẫn khỏe hơn làm lúa rất nhiều, có đồng ra đồng vào, có tiền lo cho mấy đứa con học hành” - bà Dũng tính. Trú cùng thôn, gia đình anh Nguyễn Xuân là điển hình trong mô hình trồng cây màu cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Duy Trinh. Nhờ có điện thủy lợi hóa đất màu mà hơn 10 sào rau bồ ngót của anh Xuân cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm. Anh Xuân chia sẻ: “Làm cây màu không khó. Riêng cây bồ ngót đang là loại cây cho thu nhập hàng đầu đối với bà con ở đây. Bây giờ nông dân thường xuyên được ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chọn cây giống mới phù hợp với từng loại đất. Trong khi đó, điện thủy lợi giúp nông dân giảm chi phí, sức lao động, không còn lo thiếu nước tưới nên hiệu quả trồng cây màu luôn cao hơn so với trồng lúa”.
Tìm đầu ra cho nông sản vẫn còn là bài toán khó.Ảnh: C.N |
Ông Thái Văn Thứ - Trưởng ban Nông nghiệp xã Duy Trinh cho biết, cũng như ở Duy Trinh, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã hình thành những cánh đồng sản xuất cây màu cho giá trị 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, giá trị đạt được đó, thấp hay cao, lâu nay vẫn do thị trường quyết định chứ không phải nông dân. Do đó, đầu ra cho nông sản đến nay vẫn là câu chuyện trăn trở. Không biết đến bao giờ nông dân mới có thể quyết định được giá của sản phẩm do mình làm ra chứ không còn phụ thuộc vào thị trường.
Luồng gió mới
Rõ ràng khó khăn lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là đầu ra nông sản cho bà con nông dân. Đây là mấu chốt của vấn đề tìm hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Duy Xuyên tập trung nhiều hơn vào xây dựng cánh đồng chuyên canh cây rau màu, thực phẩm tại các vùng trọng điểm như xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Phước… Vụ đông xuân 2014 - 2015, huyện Duy Xuyên bắt đầu liên kết với doanh nghiệp ký kết hợp đồng cùng nông dân đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Chương trình này được nông dân nồng nhiệt đón nhận. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, việc liên kết với doanh nghiệp đã tăng giá trị thu nhập cây màu cho nông dân lên thành hơn 120 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, các địa phương như Duy Thành, Duy Phước, thị trấn Nam Phước… cũng đã chủ động liên kết với doanh nghiệp sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thảo dược, sản phẩm được bao tiêu, nên giá trị thu nhập tăng hơn 25 - 30% so sản xuất lúa thương phẩm.
Tại huyện Đại Lộc, những năm qua, địa phương tập trung quy hoạch sản xuất khá thành công. Việc tổ chức sản xuất đa dạng đã cho ra sản phẩm có chất lượng, nhưng đầu ra vẫn là nỗi lo của chính quyền và bà con nông dân. Cuối tháng 3 vừa qua, Hợp tác xã Đại An khánh thành đưa nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm nông nghiệp cho rau quả khu vực Bàu Tròn vào hoạt động, giúp người dân yên tâm hơn cho nông sản của mình. Hiện nay, tại các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có sự liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hàng hóa trên những cánh đồng lớn, hình thành cánh đồng mẫu cây màu, xây dựng nhà sơ chế nông sản… mang lại luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững, góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết ở một vài địa phương hiện nay chỉ là số ít và vẫn chưa chắc chắn, thiếu sự bảo hộ. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, đầu ra của nông sản luôn trong cảnh bấp bênh, nông dân phập phồng trước mỗi kỳ thu hoạch. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết: “Hiện nay chúng tôi mới chỉ quy hoạch sản xuất chứ chưa thể quy hoạch được thị trường. Muốn gắn kết thị trường phải thông qua hệ thống tổ chức giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề này phải cần đến các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, các ngành liên quan phối hợp với ngành nông nghiệp đứng ra liên kết cho được doanh nghiệp đến với nông dân…”.
CHÂU NGUYỄN